Nước lũ dâng cao, nhiều nhà dân ngập chìm trong biển nước, thế nhưng hệ thống loa phát thanh vẫn vững vàng phát đi những lời cảnh báo để người dân có biện pháp phòng ngừa.
Đã có những thời điểm xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang bị cô lập hoàn toàn trong bão, lũ. Đặc biệt, khi nước dâng cao, cắt điện để đảm bảo an toàn cho người dân, hàng nghìn người dân trong huyện gần như không TV, không đèn điện, điện thoại cũng hết pin. Vậy là chiếc radio gần như là thông tin chủ yếu và chính thống nhất, hỗ trợ cho người dân lúc này.
Bà Nguyễn Thị Nhạn ở thôn An Lạc 1, xã Xuân Vân cho biết, bình thường bà vẫn nghe đài qua điện thoại, thế nhưng những ngày qua, chiếc đài nhỏ lắp pin đã trở thành người bạn thân thuộc của cả gia đình: “Chúng tôi có cái radio để nghe thông tin. Bây giờ điện không có, bị mất, chúng tôi chả có gì dùng, bây giờ cần cái đấy để bà con người ta biết”.
Trong khó khăn bủa vây, điện mất, mạng internet gián đoạn, sóng điện thoại thì không kết nối… riêng phát thanh vẫn đến được với bà con. Đây là kênh thông tin quan trọng, giúp người dân chủ động nắm được thông tin thời tiết, cảnh báo mưa lũ, cũng như diễn biến mưa lũ, phòng tránh thiệt hại.
Với suy nghĩ “còn người là còn của”, trong những ngày mưa bão dồn dập, những người như ông Vũ Thành Tô, chị Bùi Hương Giang vẫn gửi trọn niềm tin vào làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam:
“Các phương tiện để liên lạc với gia đình rất khó. Sóng điện thoại thì bập bõm nhưng tôi vẫn nghe Đài hàng ngày vì đây là thói quen của tôi thì thấy sóng Đài rất tốt. Nhờ sóng Đài mà tôi còn cập nhật vừa tình hình của địa phương và thêm tình hình của Lào Cai, Yên Bái... Tôi thấy tình hình lũ rất nặng nề, tôi thấy mình được may mắn hơn vì mình còn người và còn người thì còn khắc phục được hết những thứ còn lại”.
“Trong đợt mưa lũ này, chúng tôi thấy hệ thống đài phát thanh đã phát sóng dày đặc các thông tin về tình hình mưa bão, sạt lở đất. Nhờ vậy nên nhiều người đã di dời, sơ tán kịp thời, tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra”.
Vào 3 khung giờ mỗi ngày, chương trình phát thanh tiếng Mông của Đài TNVN thường dành nhiều thời lượng cập nhật, thông tin về tình hình mưa lũ, dự báo thời tiết, cảnh báo về thiên tai, hướng dẫn người dân cách phòng tránh, ứng phó và đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Đây là một trong những kênh thông tin quan trọng với bà con dân tộc thiểu số ở xã vùng cao Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, trong đó có ông Vừ A Thống.
“Đồng bào vùng cao chúng tôi thường xuyên nghe chương trình, vì nhiều khi không có mạng, cũng không xem được truyền hình... Nhất là trong những ngày mưa lũ này thì các bản tin của đài liên tục có các thông tin về phòng chống bão lũ để chúng tôi nắm bắt và chủ động phòng tránh, bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình”, ông Vừ A Thống cho biết.
Các bản tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo khẩn về mưa lũ được phát sóng liên tục với tần suất dày đặc trong suốt những ngày qua. Ngoài phát FM còn phát qua hệ thống cụm loa truyền thanh cơ sở dùng công nghệ IP đã mang lại những hiệu quả đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông thị xã Sa Pa và ông Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Trạm truyền thanh xã hoạt động đủ, đúng quy định chỉ 3 tiếng một ngày thôi. Nhưng mấy ngày qua thì ráo riết, liên tục, hết công điện này đến công điện kia, rồi dự báo thời tiết, 30 phút lại phát một lần. Người dân nghe vậy cũng đề cao cảnh giác, chính vì vậy công tác cứu hộ, cứu nạn, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm được thực hiện rất tốt, tránh được nhiều thương vong đáng tiếc xảy ra”.
Không chỉ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ngay tại Thủ đô Hà Nội, cứ hơn 1 tiếng đồng hồ, thông tin về cơn bão số 3 lại được chuyển tải đến người dân qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, được phân bố rộng khắp các khu phố. Với nhiều người dân, những thông tin như vậy vô cùng hữu ích:
“Loa phường liên tục cảnh báo người dân hạn chế ra khỏi nhà, nên từ sáng đến tối không ra khỏi nhà.
“Tin nhắn, loa ở phường thông báo liên tục cho mọi người dân đề phòng thiên tai, không ra ngoài đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản”.
“Hệ thống đài phát thanh đã phát sóng dày đặc các thông tin về tình hình mưa bão, sạt lở đất. Nhờ vậy nên nhiều người đã di dời, sơ tán kịp thời, tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra”.
Để duy trì làn sóng phát thanh với những thông tin nhanh và tin cậy, đội ngũ phóng viên, nhà báo của Đài TNVN (VOV) đã kịp thời có mặt tại những vùng bão lũ khó khăn, phức tạp nhất. Nhóm phóng viên cơ quan thường trú Tây Bắc có mặt tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn… liên tục cập nhật thông tin về tình hình sạt lở, cứu trợ, cứu nạn người dân trong mưa bão. Trong điều kiện 3 không: Không điện, không liên lạc, không nước sạch, nhóm phóng viên cơ quan thường trú Đông Bắc đã vượt qua những thời khắc nguy hiểm như vượt qua những chặng đường cây đổ gẫy, phòng tránh biển báo, biển quảng cáo, kính trên cao rơi xuống… để đảm bảo an toàn tác nghiệp. Khi phỏng vấn được người dân và có được thông tin từ cơ quan chức năng, nhóm lập tức di chuyển đến một số ít ỏi các trụ sở có sử dụng máy phát điện để nhờ nối điện thoại hoặc nhờ sóng wifi để nối cầu, gửi tin bài mới nhất, cập nhật nhất.
Phóng viên Vũ Miền chia sẻ: “Điều chúng tôi lo lắng nhất là không có phương tiện liên hệ về Đài. 5 giờ bão đổ bộ vào Quảng Ninh đó là khoảng thời gian tôi thấy dài nhất và có lẽ bất lực nhất vì không thể liên hệ với gia đình, không liên hệ được với cơ quan và chuyển tin tức địa phương về đài phát sóng. Tôi thường dành buổi sáng đi phỏng vấn, quay clip, chụp ảnh và căn khoảng 10h là di chuyển tới trụ sở gần nhất để gửi tin về Đài, với mong muốn chuyển được những thông tin mới nhất, thời sự nhất về bão số 3 cho người dân qua sóng Đài”.
Trong những ngày bão lũ đổ về miền Bắc, Kênh Thời sự VOV1 của Đài TNVN mở sóng liên tục để cập nhật tin tức từng phút. Nhóm phóng viên Ban Thời sự cũng đã tỏa đi các các địa phương Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ và các huyện ngoại thành Hà Nội. Các cầu phát thanh trực tiếp trên Kênh Thời sự không chỉ phản ánh sinh động về công tác phòng, chống bão mà còn là minh chứng sống động về sự nỗ lực của những phóng viên Đài TNVN luôn có mặt ở những điểm “nóng”, khó khăn nhất.
Là một trong những nhóm phóng viên nhận nhiệm vụ tác nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên ngay khi địa phương này bị ngập lụt nghiêm trọng do mực nước sông Cầu vượt mức báo động 3, nhà báo Hoàng Quang Huy cảm nhận rõ điều này:
“Thực tế tác nghiệp tôi mới thấy làm báo phát thanh có thể phát huy hiệu quả trong mưa lũ, khi điều kiện thời tiết như vậy, trên Thái Nguyên điện và nước đều bị cắt, chỉ với 1 chiếc điện thoại trong tay tôi có thể nhanh chóng cập nhật tin tức nhanh nhất tình hình phòng chống thiên tai, đặc biệt tại các vùng bị chia cắt, cô lập do bão lũ; đưa tin bài trên làn sóng phát thanh nhanh nhất và những hình ảnh trên các nền tảng số của VOV1”.
Với lợi thế của mình, ngay từ khi cơn bão số 3 đổ bộ vào, Kênh VOV Giao thông đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông cùng với lập tức thiết lập kênh trao đổi thông tin liên tục 24/24h. Trong đó, các đội tuần tra của Cảnh sát giao thông các tỉnh/thành trên cả nước cũng đã chia sẻ, cập nhật thường xuyên những điểm ùn tắc, những sự cố về hạ tầng, cũng như cảnh báo rủi ro liên tục trên sóng của VOV Giao thông và các nền tảng số của Kênh.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông cho biết: “Việc cập nhật liên tục thông tin về các sự cố giao thông cũng như các khuyến cáo phòng, chống rủi ro trên đường trên Kênh VOV Giao thông đã chứng tỏ hiệu quả và nhận được sự ủng hộ rất lớn của lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc. Đặc biệt trong những ngày vừa qua khi mà hạ giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì gần như 24/24, bất cứ một thông tin nào mà lực lượng cảnh sát giao thông nhận thấy mà cần phải khuyến cáo thì đều ngay lập tức được chuyển đến phát sóng trên Kênh VOV Giao thông”.
Cùng với Ban Thời sự, các kênh: VOV Giao thông, Dân tộc, kênh Truyền hình VOVTV, Đài VTC, Báo Điện tử VOV.VN và các cơ quan thường trú Đông Bắc, Tây Bắc… cùng các ứng dụng, nền tảng số của Đài TNVN đã cập nhật liên tục từng diễn biến của cơn bão, về những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương; công tác cứu nạn, cứu hộ với nòng cốt là bộ đội, công an; cảnh báo và động viên nhân dân.
Tại cuộc họp Bộ Chính trị chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 ngày 9/9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá: “Các lực lượng, đặc biệt là quân đội công an, các cơ quan dự báo thời tiết, các ngành nông nghiệp nông thôn giao thông điện lực, các cơ quan truyền thông, đài truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam đã rất sâu sát quyết liệt trong chỉ đạo và huy động tối đa lực lượng, chủ động đối phó kể cả trong dự báo đã chủ động, ứng phó từ sớm, từ xa, kịp thời khắc phục những hậu quả do cơn bão gây ra. Đài Tiếng nói Việt Nam các đồng chí làm rất tốt, hướng dẫn, cập nhật liên tục hàng giờ hàng ngày và phổ biến thông tin trên diện rất rộng”.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, đội ngũ những người làm báo phát thanh đã phát huy vai trò tiên phong, sẵn sàng nhận nhiệm vụ để đảm bảo công tác tuyên truyền về thiên tai, bão lũ trên làn sóng được liên tục, chính xác và thông suốt, nhằm lan tỏa lan sóng phát thanh trong điều kiện thiên tai, bão lũ khắc nghiệt nhất.