Lần đầu tiên trong lịch sử các nhà máy thủy điện xả nước trước mùa lũ

Văn Ngân/VOV.VN | 18/06/2022, 07:28

Theo ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đây là lần đầu tiên trong lịch sử các nhà máy thủy điện của đơn vị này xả nước trước mùa lũ để dành dung tích phòng chống lũ.

Vận hành liên hồ chứa tại Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình rất phức tạp

Chiều 17/6, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia dẫn đầu đoàn công tác đi thị sát và làm việc với các bên liên quan về quy trình xả nước tại hồ Hòa Bình.

Tại đây, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, tính đến chiều 16/6 tại hồ thủy điện Sơn La đang mở 2 cửa xả đáy với lượng nước về hồ là 4.263m3/s, lượng nước xả ra là 6.485 m3/s; mực nước mặt hồ đã giảm 0,36m so với 7h sáng cùng ngày.

Trong khi đó tại hồ thủy điện Hòa Bình, lượng nước đổ về hồ là 7.640m3/s, lượng nước xả ra ở 5 cửa xả đáy là 10.525m3/s; mực nước mặt hồ đã giảm 0,49m so với 7h sáng cùng ngày.

Mực nước các sông: Sông Hồng tại Sơn Tây ghi nhận lúc 13h ngày 16/6 là 9,43m thấp hơn báo động 1 2,97m (< BĐI 2,97m) và tăng 0,02m so với lúc 10h cùng ngày; tại Hà Nội 16h ngày 16/6 là 7,14m, < BĐ1 2,36m (không thay đổi so với 7h ngày 16/6).BĐII 0,09m (tăng 0,39m so với 10h ngày 16/6).xtagstartz/p>

Các địa phương hạ du hồ chứa đã triển khai, chỉ đạo thực hiện công tác tuần tra canh gác đê theo cấp báo động, đảm bảo an toàn đê điều. Lũ đã khiến Hà Nội ngập khoảng 200 ha bãi thấp giữa và ven sông Hồng. 

Ngày 16/6, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã cử 5 đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tuần tra canh gác, bảo vệ đê điều, ứng phó với tình hình lũ.

Ông Hoài cho rằng hệ thống liên hồ chứa tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình vận hành rất phức tạp vì liên quan đến cả nguồn nước từ nước ngoài chảy về, quá trình vận hành những ngày qua đúng quy trình.

"Việc dự báo lượng mưa hiện tại rất khó khăn, như năm 2017, giữa dự báo và thực tế chênh nhau quá lớn dẫn đến vận hành khó khăn", ông Hoài nói.

Lần đầu tiên trong lịch sử các nhà máy thủy điện xả nước trước mùa lũ

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Hồng Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các nhà máy thủy điện xả nước trước mùa lũ để dành dung tích phòng chống lũ. Theo quy trình vận hành liên hồ chứa, trước ngày 15/6, thủy điện Hòa Bình phải đưa mực nước về 105m, dung tích 3 tỷ m3; thủy điện Sơn La về mức 205 m, dung tích 4 tỷ m3. Lần này khác với lần xả lũ năm 2018 khi mà hồ đã đầy phải xả để đảm bảo an toàn cho công trình và cho hồ chứa".

Tuy nhiên, theo ông Phương, việc xả lũ này sẽ dẫn đến khó khăn cho ngành điện nếu như từ giờ tới tháng 10/2022 hai hồ thủy điện trên không tích thêm được ít nhất 10 m nước. Thủy điện Hòa Bình đang mở 5 cửa xả trước mùa mưa lũ gây ra lo ngại thiếu nước phát điện nếu như mưa không như dự báo.

Hiện thủy điện Hòa Bình đang cung ứng trên 45% điện cho miền Bắc. Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.500-2.400 MW trong một số giờ cao điểm hoặc thời tiết cực đoan trong năm 2022.

Theo Đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam, năm nay cân đối tài chính của EVN gặp khó khăn trong bối cảnh giá than tăng. Hiện giá than tăng 3,5 lần so với kịch bản xây dựng giá điện hồi đầu năm 2022.

Từ cơ sở trên, ông Phương cho rằng cần vận hành linh hoạt liên hồ chứa, tính toán thời điểm hợp lý nhất để xả lũ, đóng cửa xả; giữ mực nước hiện tại để phát điện lâu dài thay vì xả gây lãng phí.

Cần số hóa, thông tin kịp thời đến người dân về quy trình xả lũ

Phát biểu kết luận cuộc cuộc làm việc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia cho rằng, vận hành hệ thống thủy điện Hòa Bình, Sơn La phải đảm bảo đa mục tiêu là cấp nước sinh hoạt và sản xuất lại vừa cắt lũ và phát điện.

"Đảm bảo một mục tiêu thì dễ nhưng để đảm bảo cân bằng cùng lúc ba mục tiêu thì sẽ rất chông chênh vì nếu hệ thống này có vấn đề xảy ra thì hậu quả sẽ rất lớn. Tôi không xem EVN đơn giản chỉ là một doanh nghiệp hoạt động vì doanh thu, lợi nhuận, EVN cũng là tài sản quốc gia nên phải có trách nhiệm phối hợp cùng với nhau để đảm bảo tài sản cũng như tính mạng người dân", ông Hoan nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chỉ đạo, các cơ quan có liên quan cần cập nhật số liệu bằng bản đồ số hóa, thông tin kịp thời quá trình điều tiết liên hồ chứa trong việc lấy nước và xả lũ... để không chỉ thuận lợi trong điều tiết lũ, phát điện mà giúp người dân ở các nơi đều có thể nắm được để kịp thời điều chỉnh hoạt động sinh hoạt, sản xuất cho phù hợp...

Cùng với đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoa chỉ đạo đơn vị vận hành nhà máy thủy điện Hòa Bình hạn chế để người dân vào khu vực nhà máy, ra gần sông bắt cá, nhặt củi...khi hồ đang tiến hành xả lũ./.

Bài liên quan
Lai Châu huy động gần 400 người tìm kiếm các nạn nhân mất tích vụ lật thuyền
UBND huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết, sau hơn 2 ngày xảy ra vụ lật thuyền tại khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La vào tối ngày 17/4, địa phương đã huy động gần 400 người tham gia tìm kiếm, nhưng đến sáng nay (20/4) vẫn chưa tìm thấy các nạn nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
“Chiều mùng bảy tháng năm” trong ký ức cựu chiến binh Điện Biên Phủ
VOVLIVE - Chiều 7/5, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries - chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Với mỗi cựu chiến binh từng sống tại khoảnh khắc vinh quang này, ký ức về “một chiều hè lịch sử” vẫn vẹn nguyên suốt 70 năm qua.
Mới nhất