Việt Nam đang chuyển mình tích cực trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những đóng góp không nhỏ của hàng trăm trí thức kiều bào trên khắp thế giới. Qua bài viết của phóng viên Châu Anh, mời quý vị cùng gặp gỡ một số gương mặt tiêu biểu trong “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam”. Họ không chỉ ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới mà còn luôn mong mỏi được trở về, tạo ra những giá trị công nghệ “made in Việt Nam”, chung tay vào sự phát triển chung hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước.
“Dù đi đến nơi nào trên thế giới, tôi luôn tìm một quán phở để ăn. Tôi tự hào là mình đã ăn phở ở rất nhiều châu lục. Tôi chỉ chưa ăn phở ở Nam cực và tôi mong rằng có ngày được ăn phở ở đó. Đến nay tôi đã sống và làm việc ở nước ngoài 23 năm, thời gian còn nhiều hơn là ở Việt Nam, nhưng mỗi lần tôi mơ, tôi đều mơ về thời thơ ấu ở Việt Nam”.
![]() |
Tiến sĩ Lê Viết Quốc đã bắt đầu những mong muốn được tìm về quê hương, nguồn cội bằng câu chuyện về phở - một món ăn thấm đẫm văn hóa Việt. Việt Nam luôn ở trong tiềm thức của anh, về một thời thơ ấu khốn khó nhưng đầy hoài bão. Sinh ra ở một làng quê nghèo của huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, anh kể, nơi mình sống suốt thời thơ ấu nghèo lắm, thậm chí không có điện. Khi đó, thư viện nhỏ gần nhà là cả một thiên đường đối với cậu bé. Hàng ngày, Lê Viết Quốc vùi đầu trong thư viện, ngấu nghiến đọc các cuốn sách về những phát minh vĩ đại và mơ mộng một ngày nào đó, mình cũng sẽ có tên trong danh sách ấy. Năm 14 tuổi, Lê Việt Quốc quyết định rằng, phát minh hữu ích nhất cho nhân loại có lẽ là một cái máy đủ thông minh để có thể tự theo đuổi và cho ra các sáng chế - một ý tưởng cho đến giờ vẫn còn là một giấc mơ.
Có lẽ chính anh cũng không ngờ rằng, chỉ 17 năm sau, cái tên Lê Viết Quốc đã trở thành người Việt Nam đầu tiên được xướng tên trong TOP những nhà phát minh trẻ hàng đầu thế giới. Anh đã đầu quân cho Google, một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới. Mặc dù sống và làm việc tại Silicon Valley - nơi sôi động nhất của công nghệ thế giới, thế nhưng anh luôn có một giấc mơ được trở về góp sức mình giúp đất nước phát triển ngành công nghệ trí tuệ nhân tạo. Chính vì giấc mơ này, đầu năm 2017, Tiến sĩ Lê Viết Quốc đã nhận lời tham gia Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, với mong muốn đóng góp để Việt Nam sẽ có trường đại học đẳng cấp quốc tế về đào tạo trí tuệ nhân tạo.
Chia sẻ về những thách thức và cơ hội của Việt Nam trong ngành này, Tiến sĩ Lê Viết Quốc cho rằng, Việt Nam nên tận dụng các mã nguồn mở của trí tuệ nhân tạo để đặt ra những tham vọng phát triển trong lĩnh vực này, đồng thời gia tăng đầu tư vào giáo dục: “Trong thập kỷ tới, AI là một thách thức lớn, đồng thời cũng là cơ hội cho Việt Nam. Việt Nam nên nhận ra rằng tài sản lớn nhất của chúng ta là con người. Dựa trên nền tảng này, chúng ta nên đầu tư vào giáo dục, nhất là ở mảng trí tuệ nhân tạo. Việt Nam nên đầu tư một trường đại học hàng đầu về trí tuệ nhân tạo. Và khi đầu tư vào con người chúng ta nên tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và giữ họ lại Việt Nam. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là đầu tư vào hệ sinh thái và khởi nghiệp. Việt Nam cũng nên thành lập một hội đồng cố vấn cấp cao về trí tuệ nhân tạo để có thể đưa ra quyết sách nhanh về ngành mũi nhọn này".
Năm ngoái, Tiến sĩ Lê Viết Quốc đã thuyết phục được Google đầu tư cho các sinh viên Việt Nam theo học ngành trí tuệ nhân tạo tại Đại học Fulbright Việt Nam.
![]() |
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai Khanh cũng là một trong số 100 gương mặt kiều bào trí thức của Mạng lưới đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Sau nhiều năm sống và làm việc tại Nhật Bản, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai Khanh đã trở về Việt Nam với mong muốn góp trí Việt cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam. Đặc biệt, ông cùng các cộng sự và sinh viên của mình muốn tạo ra con chíp “đậm chất Việt” và “do người Việt tạo ra” phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, vốn là ưu thế của Việt Nam: “Tôi mở rộng nghiên cứu cùng với đồng nghiệp của Việt Nam để ứng dụng vi mạch và AI cho lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm – Một sản phẩm hoàn toàn making Việt Nam với các thiết bị chống va đập ăn mòn thiết bị cho nông dân. Và gần đây nhất là một dự án về dùng chip cao tần để phát hiện gạo giả và sữa giả, một trong những vấn đề nhức nhối với sức khỏe con người“.
“Không phải lúc này thì lúc nào” – Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai Khanh khi mà Chính phủ đã và đang tích cực tạo điều kiện cho phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, đặc biệt là ngành bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo. Đây là thời điểm rất thuận lợi để những kiều bào trí thức như ông tham gia đóng góp vào lĩnh vực này.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở Nhật Bản, quốc gia đi đầu trong công nghệ bán dẫn và vi mạch, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai Khanh cho rằng: "Chúng ta cần tập trung vào thiết kế, đóng gói, kiểm thử và tập trung vào một mảng làm mũi nhọn, là lợi thế của sinh viên Việt Nam, của các bạn trẻ Việt Nam, cụ thể là thiết kế vi mạch mảng tín hiệu và tần số cao, xác định một ngách mà Việt Nam có thể là lợi thế, tránh được sự cạnh tranh của các nước bạn”.
Theo Tiến sĩ Mai Khanh, Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ ở trong nước và nước ngoài, các viện, các trường đại học, có thể tham khảo một số mô hình thiết kế vi mạch của các nước lân cận. Và Việt Nam cũng cần có một mô hình đặc biệt cho môi trường, văn hóa Việt Nam. Tiến sĩ Mai Khanh tin rằng: “Việt Nam đã lấy đà và Việt Nam sẽ cất cánh trong tương lai gần”.