Dự án “Việt Nam - hành trình trở thành 'Kinh đô ẩm thực' mới của thế giới” (gọi tắt là VGC) chính thức được khởi động tại sự kiện theRESTAURANT Leadership x FoodTreX 2024 (theRES24). Theo đó, Việt Nam sẽ là nơi tích hợp các giá trị ẩm thực truyền thống dân tộc với tinh hoa ẩm thực nhân loại; là nơi ẩm thực được nâng tầm, sáng tạo những xu hướng và phong cách ẩm thực mới cùng ứng dụng công nghệ hiện đại và sự kết nối toàn cầu, hướng tới lối sống "xanh", ẩm thực "xanh" đảm bảo sự phát triển bền vững.
Ý tưởng này kết nối các cá nhân và đơn vị trong ngành ẩm thực, từ đầu bếp đến các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nhân, nhà đầu tư... nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi để gặp gỡ, chia sẻ, truyền cảm hứng cho việc phát triển ngành nhà hàng, ẩm thực Việt Nam cả trong nước và quốc tế; qua đó nâng cao giá trị văn hoá ẩm thực Việt Nam và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ giá trị kinh tế trong ẩm thực Việt.
Theo ông Chử Hồng Minh - đại diện Chi hội Nhà hàng Việt Nam (RAV), dự án “Việt Nam - hành trình trở thành 'Kinh đô ẩm thực' mới của thế giới” phát triển một nền tảng công nghệ, một hệ sinh thái kinh doanh nhà hàng, ẩm thực Việt Nam (VFBE) nhằm thúc đẩy và hỗ trợ toàn bộ hành trình đặc biệt này.
"Chính phủ Việt Nam luôn chủ động, tích cực đưa đất nước hội nhập quốc tế. Hiệp hội Văn hoá ẩm thực Việt Nam đang thực hiện sứ mệnh biến di sản thành tài sản quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực vượt lên chính mình trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Mỗi doanh nghiệp là một 'điểm đến' thu nhỏ tại mỗi thành phố, địa phương, vùng miền... đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách bốn phương. Có thể nói, Việt Nam đã hội đủ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hoà cho sự vươn mình trở thành một trong những kinh đô ẩm thực mới của thế giới", ông Chử Hồng Minh cho biết.
Phát biểu tại sự kiện, ông Edward Liu - Tổng Thư ký Liên minh Hiệp hội Nhà hàng ASEAN (ARAA) khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác trong ngành nhà hàng và du lịch ẩm thực trong khu vực ASEAN. "Việc tăng cường sự liên kết giữa các quốc gia ASEAN sẽ góp phần tạo ra một nền tảng vững chắc để phát triển các mô hình kinh doanh nhà hàng và du lịch ẩm thực bền vững".
Về phía cơ sở đào tạo du lịch, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang (VLU) cho biết, là cơ sở giáo dục có thế mạnh trong đào tạo khối ngành du lịch, đặc biệt ở lĩnh vực nhà hàng - khách sạn, Trường Đại học Văn Lang tự hào đồng hành cùng sứ mệnh nâng tầm ẩm thực Việt Nam. "Với vai trò là trung tâm tri thức và đổi mới, chúng tôi không ngừng thúc đẩy nghiên cứu về khoa học thực phẩm, nghệ thuật ẩm thực và phát triển bền vững, đồng thời trang bị cho sinh viên kỹ năng khởi nghiệp và hội nhập quốc tế, đặt nền tảng để thế hệ tương lai đưa ẩm thực Việt vươn xa trên bản đồ thế giới".
Tại chương trình, các chuyên gia đã thảo luận về chiến lược truyền thông hiệu quả nhằm quảng bá văn hoá ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Mục tiêu là đưa giá trị văn hóa ẩm thực Việt lan tỏa rộng rãi, thông qua tối ưu nguồn lực hợp tác của Mạng lưới đối tác, đối tác chiến lược trong và ngoài nước như Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới (WFTA), Liên minh Hiệp hội Nhà hàng ASEAN (ARAA), Hiệp hội Siêu đầu bếp Thế giới (WAMC), để ẩm thực không chỉ thể hiện niềm tự hào dân tộc mà còn tạo sức hấp dẫn trong việc quảng bá, khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ ẩm thực toàn cầu.
Chương trình cũng chứng kiến các phiên ký kết hợp tác quan trọng, trong đó bao gồm thỏa thuận đồng hợp tác 5 bên giữa VFBE, VLU, ARAA, WAMC và Pencil Group. Bên cạnh đó, cũng có nhiều hợp tác song phương giữa VFBE và các đối tác quốc tế như Hiệp hội Nhà hàng Mỹ (NRA) hay PR Newswire. Những thỏa thuận này không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành ẩm thực Việt Nam mà còn thúc đẩy việc kết nối, giao lưu và chia sẻ kiến thức giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế.