Khi nào mới chấm dứt bạo hành trẻ mầm non?

Chung Thủy/VOV.VN | 25/03/2023, 09:09

Thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay vẫn đang rất nhức nhối, không ngừng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận. Đáng nói, tình trạng này xảy ra nhiều ở trường học, trường mầm non - nơi phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình.

Thời gian qua, nhiều vụ bạo hành trẻ em mầm non liên tiếp xảy ra, gây chấn động và bức xúc trong dư luận. Cụ thể, mới đây, dư luận không khỏi bàng hoàng vì hành vi đánh đập, bạo hành bé trai 17 tháng tuổi dẫn đến thương tích và khiến nạn nhân tử vong của 2 bảo mẫu Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành, tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội.

Một vụ việc khác cũng gây chấn động dư luận, gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip quay lại cảnh 2 bảo mẫu đè lên người, khống chế bé trai nằm ngửa ra sàn, một người giữ 2 tay, người còn lại đè lên chân cháu bé. Sau đó, một trong 2 bảo mẫu cố gắng đút thìa cơm vào miệng bé trai. Lúc này, bé trai gào khóc, không muốn ăn nên một trong 2 bảo mẫu đã bịt mũi, banh miệng cháu bé để ép ăn. Qua xác minh, sự việc xảy ra tại Trung tâm Giáo dục đặc biệt Tâm An ở phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh…

Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc trẻ em mầm non bị bảo mẫu bạo hành. Dù sau mỗi sự việc, cơ sở đào tạo bị đóng cửa, người bạo hành bị xử lý hình sự. Các chuyên gia, cơ quan chức năng cũng đã phân tích, mổ xẻ, nguyên nhân, đi tìm giải pháp nhưng tình trạng bạo hành vẫn không chấm dứt mà có xu hướng gia tăng và nghiêm trọng hơn. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì? Có thể xử lý dứt điểm được không?

Bạo hành trẻ mầm non ngày càng gia tăng, vì sao?

ThS. Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho hay, có nhiều nguyên nhân và nhiều nguỵ biện khiến người lớn gây ra bạo hành trẻ em. Trước hết, điều này đến từ quan niệm sai lệch là dùng bạo lực để giáo dục trẻ. Nhiều người lại cho rằng con cái là tài sản của mình, học sinh cần được răn dạy nên mình làm gì cũng được, hoặc nguỵ biện là đánh an toàn, đánh đúng, đánh vừa phải, đánh để giáo dục... Bạo lực không có tác dụng tới việc giáo dục trẻ, nghiệm trọng hơn, có nhiều giáo viên, bảo mẫu bạo lực với cả những em bé chỉ mới mới mười mấy tháng tuổi, chưa có khả năng tự vệ, bảo vệ bản thân mình.

“Gần đây xảy ra vụ việc các cô giáo nuôi dạy trẻ bạo hành trẻ khi trẻ quấy khóc, thực sự khiến cộng đồng bức xúc. Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ đòi hỏi sự đồng hành, kiên nhẫn và thấu hiểu, người không có kỹ năng này thì không phù hợp với công việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Bạo lực là hành vi rất dễ bột phát và rất dễ leo thang, nếu những người chăm sóc trẻ sử dụng bạo lực, hôm nay trẻ làm mình không vừa ý, đánh vào tay trẻ một chút để trẻ im, hôm sau làm vậy chưa đủ sẽ đánh mạnh hơn. Những hành động này ngày càng tăng tiến, ngày càng gây thêm tác hại nghiêm trọng tới sức khoẻ, thể chất và tinh thần trẻ, thậm chí mang lại hậu quả đáng tiếc là gây chết người”, bà Nguyễn Phương Linh cho hay.

Bà Linh cũng cho rằng, những người sử dụng bạo lực với trẻ em là thể hiện sự thiếu hiểu biết về quyền của trẻ, thiếu kiến thức pháp luật trong việc xâm hại đến thể xác tinh thần của trẻ, đó cũng là sự thiếu hiểu biết, thất bại trong việc giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ.

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, một trong những nguyên nhân khiến giáo viên, người nuôi dạy trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non thường xuyên căng thẳng đó là áp lực công việc. Trẻ em là đối tượng hết sức nhạy cảm, cần sự nhẫn nại và chăm sóc một cách đặc biệt, chưa kể, những trẻ có vấn đề về sức khỏe hay trẻ ở độ tuổi quá nhỏ thường hay quấy khóc, ăn uống khó khăn. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến tinh thần của giáo viên căng thẳng, nếu không biết cách kiềm chế, trẻ có thể trở thành “nạn nhân” để các giáo viên xả những áp lực của mình.

Bên cạnh đó là áp lực từ phía phụ huynh và nhà trường, ở những nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, ngoài vấn đề áp lực công việc, giáo viên thường gặp khó khăn khi tìm kiếm sự thấu hiểu từ cha mẹ của trẻ và sự tôn trọng cần thiết của cấp trên. Nhiều bậc phụ huynh học sinh, do thói quen nuông chiều trẻ ở nhà, cộng với việc không có nghiệp vụ sư phạm nhưng vẫn yêu cầu giáo viên dạy trẻ theo cách của mình. Khi thầy cô không thể đáp ứng, nhiều phụ huynh dọa nạt với giáo viên. Nhiều lãnh đạo trường tư thục có tâm lý bỏ tiền ra thuê giáo viên trông trẻ, không thuê người này thì thuê người khác nên thiếu sự tôn trọng người dạy. Điều này khiến tâm lý giáo viên mầm non bị ảnh hưởng rất lớn, rất dễ xảy ra bạo hành trẻ mầm non.

Luật sư Hà cho biết thêm, môi trường làm việc và lương, phụ cấp thấp cũng là những nguyên nhân khiến tình trạng căng thẳng gia tăng ở đối tượng này. Phần lớn giáo viên nuôi dạy trẻ ở các trường mầm non tư thục hiện nay đều là giáo viên trẻ, mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nên mức lương được trả rất thấp. Giáo viên phải tự túc về phương tiện đi lại, nơi ở, ăn uống… nên mức lương cơ bản không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Nhiều giáo viên phải tranh thủ ngày đi dạy, đêm về làm thêm, dẫn đến tinh thần và thể chất mệt mỏi, không đáp ứng được yêu cầu công việc, dễ stress, căng thẳng.

Cùng với đó là sự dễ dãi trong việc chọn lọc tuyển dụng giáo viên, thậm chí là buông lỏng trong việc quản lý các cở sở mầm non trông trẻ.

“Điều đáng lo ngại là nhiều cơ sở đào tạo hiện nay vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên chất lượng về đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và chất lượng đầu vào của học viên. Thậm chí ở nhiều cơ sở trông trẻ tự phát còn hoạt động “chui”, giáo viên không có nghiệp vụ, chỉ trông cho có và nhận tiền tự phụ huynh, hoàn toàn không có sự kiểm tra giám sát bởi các cơ quan chức năng. Ngược lại, phía phụ huynh học sinh do quá bận rộn với công việc và chật vật với thu nhập thì họ sẽ lực chọn những cơ sở “chui” này vì giá trông sẽ rẻ hơn các trường mần non chuyên nghiệp”, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết.

Theo ông Hà, để ngăn ngừa tình trạng bạo lực trẻ em, cần sự chung tay rất lớn từ nhiều phía như: từ nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng cùng toàn thể xã hội có như vậy mới có thể bảo vệ được trẻ em khỏi bạo lực. Bởi lẽ trẻ em là đối tượng hết sức nhạy cảm cần sự chăm sóc đặc biệt, chúng còn quá nhỏ và không có sức phản kháng khi bạo lực xảy ra, do đó, trách nhiệm của mỗi chúng ta là rất lớn.

Đối với phụ huynh học sinh khi lựa chọn trường cho con, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ, nhất là các cơ sở ngoài công lập. Đồng thời, thường xuyên gần gũi, dành thời gian chơi đùa, lắng nghe con, từ đó có cơ hội phát hiện các nguy cơ bạo hành từ các giáo viên. Bởi vì, khi được yêu thương, quan tâm, trẻ sẽ xem cha mẹ như bạn, nói ra những sợ hãi của mình.

Tiếp đó, cần cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo và cấp chứng chỉ cho giáo viên mầm non cần chú trọng từ khâu tuyển sinh đầu vào của các trường sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo. Cần có chế độ phúc lợi cho những người làm công việc nuôi dạy trẻ phù hợp và xứng đáng hơn.

Về vấn đề xử phạt, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay, tùy vào từng mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ, gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

Bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như: tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, tội vô ý làm chết người, tội giết người. 

Tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017): Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Người nào gây giết người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trong các tội danh nêu trên, khi có tình tiết phạm tội đối với người dười 16 tuổi thì người thực hiện hành vi phạm tội có thể chịu hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình./.

Bài liên quan
Vụ Mái ấm Hoa Hồng: Bạo hành trẻ sơ sinh sẽ phải chịu các tình tiết tăng nặng
Theo luật sư Hùng, với việc có hành vi bạo lực đối với nhiều cháu còn rất nhỏ tuổi, thậm chí là các trẻ sơ sinh, nếu bị kết tội thì các đối tượng sẽ phải chịu các tình tiết tăng nặng định khung.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tìm được người tài để vận hành bộ máy
VOVLIVE - Người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.
Mới nhất