Khi dừng đèn đỏ, tài xế ô tô nên về số P hay N?

25/07/2023, 14:29

Giới tài xế vẫn tranh luận với nhau xung quanh việc nên về số P hay N khi dừng đỗ xe để đảm bảo an toàn và tốt cho động cơ của xe?

Trên các diễn đàn mạng xã hội về xe cộ, thường hay bắt gặp các câu hỏi "có nên về N khi dừng đèn đỏ?", "về N khi dừng đèn đỏ có hại gì cho xe không?", "cách dừng đèn đỏ thế nào là tốt nhất với xe số tự động" và câu trả lời bao giờ cũng xuôi theo cả hai phương án, về N hoặc để D đạp phanh. Vậy, số P, số N và số D có tác động đến xe thế nào khi dừng đỗ?

Nhiều cuộc tranh luận không có hồi kết trước vấn đề khi dừng đèn đỏ, tài xế ô tô nên sử dụng số N hay P? (Ảnh minh họa)

Nhiều cuộc tranh luận không có hồi kết trước vấn đề khi dừng đèn đỏ, tài xế ô tô nên sử dụng số N hay P? (Ảnh minh họa)

Giữ nguyên số D

Nhiều người có thói quen khi dừng đèn đỏ vẫn giữ nguyên số D và đạp phanh để tránh trôi xe. Về bản chất kỹ thuật, thao tác này không gây ảnh hưởng gì đến vận hành của xe.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp hy hữu, lái xe có thể bị mất tập trung (nghe điện thoại, mải nói chuyện, tìm đồ vật trong xe...) dẫn tới việc buông lỏng chân phanh, nhất là khi dừng xe trong khoảng thời gian dài. Lúc này xe có thể sẽ bị trôi gây mất an toàn cho những xe xung quanh. Hoặc cũng có thể xảy ra tình trạng lái xe vô ý đạp nhầm chân ga cũng gây nguy hiểm bất ngờ, dẫn tới những va chạm đáng tiếc.

Về số N

Số N được nhà sản xuất đưa ra với công dụng là số trung gian, dùng để ngắt truyền động từ động cơ tới bánh xe. Những người theo ý kiến này có lý do rằng việc để số N sẽ giúp xe tiết kiệm xăng hơn, đồng thời họ có thể rảnh chân hơn khi về số N và sử dụng phanh tay. Tuy nhiên phương pháp này cũng có một vài rủi ro.

Nếu tài xế về N và quên kéo phanh tay hoặc chỉ giữ phanh chân thì cũng rất có thể lại xảy ra tình huống mất tập trung, xe sẽ bị trôi. Hoặc hy hữu hơn khi xảy ra sự cố va chạm từ phía sau, xe sẽ trôi theo quán tính về phía trước và gây nguy hiểm đến những người trong xe và cả những xe khác.

Về số P

Một ý kiến khác cho rằng lái xe có thể sử dụng số P khi dừng đèn đỏ. Thao tác này cũng có thể giúp xe đứng nguyên và tài xế không cần giữ phanh.

Tuy nhiên trong một vài sự cố giao thông, việc để số P khi dừng đèn đỏ có thể làm xe bị hư hại hộp số khi có va chạm mạnh làm cho xe bị di chuyển, dẫn tới chi phí sửa chữa rất lớn.

Khi dừng đèn đỏ, tài xế nên dùng số nào?

Theo lời khuyên từ chuyên gia, việc chuyển về N hay P,  hay để D và đạp phanh khi dừng đèn đỏ chỉ là thói quen của mỗi lái xe, không ảnh hưởng gì tới hộp số hay các bộ phận khác. Việc di chuyển nhiều cần số không ảnh hưởng đến hệ thống van dầu bên dưới cần số hay độ bền các bánh răng, vì sự ảnh hưởng này là rất nhỏ, không đáng kể.

Về N khi dừng đèn đỏ thực chất không tiết kiệm được lượng xăng đáng kể như nhiều người nghĩ, vì ở chế độ D không ga, động cơ hoạt động cầm chừng đủ để thắng quán tính, tiêu thụ xăng rất ít.

Thói quen của nhiều lái xe số tự động có kinh nghiệm là, khi dừng đèn đỏ thời gian ngắn thì để D, đạp phanh, sẵn sàng lăn bánh khi nhả phanh.

Nếu thời gian chờ lâu (tính theo phút) trên đường bằng thì về N để giải phóng chân phanh đỡ mỏi, còn với đường dốc thì về N hay không cũng như nhau vì vẫn phải giữ phanh. Chuyên gia khuyên nếu có thói quen về N thì nên chắc chắn xe đã dừng hẳn mới di chuyển cần số, nếu không có thể hư hại tới hộp số.

Với một vài dòng xe mới hiện nay được trang bị tính năng "Brake Hold (AutoHold)" tài xế chỉ cần dừng xe và phanh sẽ được giữ tự động.

Khi muốn di chuyển, lái xe chỉ cần mớm nhẹ chân ga, phanh tự động sẽ tắt và xe có thể di chuyển bình thường. Tuy nhiên tính năng này cũng có điểm yếu, trong những trường hợp ngoài ý muốn và lái xe đạp nhầm chân phanh, xe vẫn sẽ di chuyển và gây ra tình huống nguy hiểm cho lái xe.

Đức Thiện(tổng hợp)

Bài liên quan
Thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam là bao lâu?
VOVLIVE - Việc sở hữu một ngôi nhà là một trong những mục tiêu quan trọng của nhiều người, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch Quốc hội: Trung ương sẽ gương mẫu đi đầu trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tới đây là Trung ương phải gương mẫu đi đầu trong sắp xếp từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương như thế nào thì địa phương như thế đó, để giảm bộ máy, hướng tới bộ máy phải hoạt động tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Mới nhất