Khi chè cổ thụ “xuống núi”

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc | 05/02/2023, 08:14

Chè Tà Xùa đang từng bước xây dựng được thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế, mở ra một tương lai tương sáng hơn với đồng bào Mông nơi rẻo cao.

Không chỉ được biết đến là thiên đường săn mây đẹp nhất nhì Tây Bắc, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La còn là vùng chè nổi tiếng với những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Thế nhưng, chỉ đến khi trở thành những sản phẩm có thương hiệu, con đường “xuống núi” của những búp chè cổ thụ trên rẻo cao mới thực sự rộng mở.

Trong cái se lạnh đầu Xuân, ngắm nhìn những sợi khói lam chiều mỏng manh vẩn vơ trên những mái nhà pơ mu truyền thống, lắng nghe tiếng sáo Mông rộn ràng và thưởng thức chén trà làm từ những búp chè shan tuyết cổ thụ… là trải nghiệm thật tuyệt vời với mỗi người khi đến Tà Xùa.

Không ai biết rõ cây chè đã bén rễ trên đất Tà Xùa từ bao giờ, chỉ biết rằng, cây chè đã trở thành một phần không thể thiếu đối với đời sống, văn hóa của người Mông vùng cao. Họ coi cây chè là tài sản vô giá mà ông cha để lại; coi những búp chè xanh tươi là món quà của thiên nhiên và hương vị của chè là tinh hoa của núi rừng. Nghề trồng chè, thu hái và sao chè cũng ra đời từ đó và trở thành sinh kế của hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

Ông Phàng A Vàng, Bản Tà Xùa, xã Tà Xùa chia sẻ, từ khi ông sinh ra đã thấy có cây chè. “Ở vùng cao này nếu chỉ trồng sắn hay trồng ngô sẽ không mang lại hiệu quả, chỉ có cây chè mới giúp người dân có thu nhập để trang trải cuộc sống. Những tháng đầu năm, chè shan tuyết cho thu nhập tiền triệu, những tháng sau đó thu nhập ít hơn”, ông A Vàng chia sẻ.

Xã Tà Xùa có khoảng 200 ha chè shan tuyết; trong đó có trên 1.500 cây chè cổ thụ. Ông Đinh Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên cho biết, chè cổ thụ được từng hộ gia đình gìn giữ, chăm sóc, được hướng dẫn kỹ thuật chăm tự nhiên, không phun thuốc hay dùng phân hóa học để bón cho cây, chỉ phát dọn thực bì quanh gốc tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp và thu hái đúng kỹ thuật. Nhờ đó, cây chè luôn được phục hồi xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao.

“Cây chè là cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo cho bà con Tà Xùa. Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đến việc mở rộng diện tích cây chè; nâng cao năng suất, chất lượng cây chè Tà Xùa; đồng thời, bảo tồn cây chè cổ thụ để quảng bá được nhiều hơn nữa thương hiệu cây chè Tà Xùa”, ông Thủy thông tin.

200 cây chè cổ thụ từ hơn 100 đến gần 300 năm tuổi ở Tà Xùa, đã được Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận quần thể cây di sản vào năm 2019. Cũng thời điểm này, Cục sở hữu trí tuệ đã công nhận Nhãn hiệu tập thể đối với chè Tà Xùa; công bố cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu Chè Tà Xùa đối với Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc – đơn vị sáng lập và phát triển thương hiệu Trà Shanam (Trà Shan tuyết cổ thụ Việt Nam). Từ đây, Chè Tà Xùa bắt đầu hành trình “xuống núi” và góp phần giúp người Mông trên rẻo cao làm giàu.

“Từ xưa người dân vẫn sống bằng cây chè làm thủ công, nhưng bây giờ chuyển sang sản xuất và chế biến chuyên nghiệp từ nhà máy. Nhà máy đã tạo điều kiện cho người dân có việc làm ổn định, đưa sản phẩm chè của người dân trở thành đặc sản, giúp người dân tăng cao thu nhập”, anh Mùa A Vừ, người dân xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La cho biết.

Những năm trở lại đây, hầu hết sản lượng chè shan tuyết cổ thụ của xã Tà Xùa được Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc thu mua để sản xuất thành các sản phẩm như trà viên, trà trúc, trà mây và trà túi lọc... đáp ứng nhu cầu, sở thích của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đặc biệt, 3 sản phẩm của Công ty đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La là Trà xanh Mây, Trà xanh Thiện và Bạch trà mây. Trong đó, sản phẩm Trà xanh mây đang được tỉnh Sơn La định hướng trở thành sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia trong năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc chia sẻ, nhận thấy cây chè shan tuyết có độ tuổi trên 100 năm tuổi thuộc dạng sống tự nhiên có dược tính rất, Tà Xùa là một trong những địa phương có nguyên liệu trà chất lượng, nên công ty đã quyết định xây dựng nhà máy chế biến và thu mua chè của bà con tại đây.

“Doanh nghiệp liên kết với bà con thông qua HTX. Năm 2022, công ty đã thu mua 50 tấn chè búp tươi, giá bình quân 75.000/kg chè tươi; chế biến thành 10 tấn trà khô các loại từ trà xanh đến bạch trà, trà bánh… Hiện thị trường tiêu thụ chính là các thành phố lớn, các kênh thương mại điện tử, phòng trà, đại lý. Năm 2023 công ty sẽ đưa sản phẩm ra nước ngoài, xuất khẩu với thương hiệu riêng đó là trà shanam - trà shan tuyết cổ thụ Việt Nam”, bà Thắm cho hay.

Theo bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, huyện đã xây dựng đề án “phục tráng vùng chè shan tuyết Tà Xùa”, đồng thời, tích cực thu hút các doanh nghiệp, HTX sản xuất chè và xây dựng các sản phẩm OCOP; sử dụng nguồn lực của huyện hỗ trợ bà con xây dựng chuỗi liên kết về giá trị.

“Việc chăm sóc, bảo tồn và xây dựng chuỗi đã gắn kết từ người dân - người sản xuất đến người tiêu dùng, tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường có chất lượng, có thương hiệu riêng của chè Bắc Yên. Qua đó nâng cao được giá trị sản phẩm chè, mang lại lợi ích cho người dân cũng như sự phát triển kinh tế của huyện Bắc Yên thời gian tới”, bà Phượng tự tin.

Từ một sản phẩm đặc trưng của địa phương, giúp bà con vùng cao quên đi cái đói lúc giáp hạt, chè Tà Xùa đang từng bước xây dựng được thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế. Hành trình “xuống núi” của cây chè mới chỉ bắt đầu, nhưng đã mở ra một tương lai tương sáng hơn với đồng bào Mông nơi rẻo cao./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất