Hội báo toàn quốc tạo sức hút với những phiên thảo luận "sát sườn"

Hà Khánh/VOV-TP.HCM | 17/03/2024, 10:06

Lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM, Hội báo toàn quốc năm 2024 ngoài những hoạt động thường niên, quảng bá hoạt động báo chí thì còn có các diễn đàn báo chí. Sự kiện quy mô này nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của đông đảo báo giới phía Nam.

Cung cấp nhiều thông tin bổ ích

Liên tục trong hai ngày 15-16/3, tại các phiên thảo luận, các nhà báo, phóng viên và cả sinh viên báo chí, các bạn trẻ đang định hướng nghề nghiệp được nghe chia sẻ kinh nghiệm của hơn 60 diễn giả là những nhà báo dày dạn kinh nghiệm, lãnh đạo cơ quan báo chí hàng đầu Việt Nam, các chuyên gia truyền thông quốc tế uy tín…

12 phiên thảo luận được tổ chức như 12 lớp sinh hoạt nghiệp vụ lớn, bàn về các kỹ năng làm báo mới, phương thức tác nghiệp báo chí mới hiện đại, vị trí và vai trò của báo chí, báo chí trên nền tảng số. “Thầy” và “trò” ở đây là những đồng nghiệp, những người làm báo nhiều thế hệ…

Nhà báo Ngô Tùng đến từ báo Tiền Phong cho biết, làm nghề được vài năm nhưng phải qua diễn đàn báo chí lần này, anh mới nhìn ra nhiều “lỗ hổng” trong nền tảng kiến thức để có thể làm tốt nhiệm vụ của một phóng viên mảng nội chính.

"Tôi đã nhận thức và cũng có những kinh nghiệm về tác nghiệp để làm sao đảm bảo tính định hướng, tính Đảng trong hoạt động báo chí. Đặc biệt là áp dụng công nghệ hoặc là kỹ thuật làm báo hiện đại đảm bảo tác phẩm có tính định hướng mà vẫn hấp dẫn với bạn đọc”, nhà báo Ngô Tùng nói.

Nhà báo Phan Nhơn, Kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, một cây bút trẻ nhưng đã kinh qua nhiều cơ quan báo chí lớn ở Trung ương và TP.HCM, từng có nhiều loạt bài phóng sự điều tra gây tiếng vang rất tâm đắc với phiên thảo luận “Phóng sự điều tra – hành trình làm điều có ích” với người dẫn chuyện là nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.

Theo anh Phan Nhơn, qua phiên thảo luận hấp dẫn, kéo dài đến 13h, anh đã hiểu thêm nhiều vấn đề mới, trang bị được nhiều kỹ năng để có thể tiếp tục an tâm cống hiến, tiếp tục là một nhà báo dấn thân, tiếp tục lý tưởng là trở thành một “phóng viên điều tra”.

“Có những kiến giải rất sâu xa. Thứ nhất là mục đích điều tra của mình có góp ích cho xã hội hay không hay là vì danh dự hư vinh của phóng viên, hay là lợi ích của tòa soạn, của bản thân hay là lợi ích kinh tế. Trong các vấn đề này rất nhiều thảo luận hấp dẫn, tôi thấy có nhiều sự tâm đắc và kiến giải để chúng tôi hành nghề”, nhà báo Phan Nhơn cho hay.

Tham dự gần như đầy đủ các phiên, nhiều khi phải “qua qua lại lại” khi các phiên tham luận diễn ra cùng thời gian, nhà báo Kỳ Hoa, Báo Nhà báo và Công Luận cho rằng, qua các phiên thảo luận đã giúp nhà báo tiếp cận được đầy đủ với các mảng, khía cạnh của báo chí.

Nhà báo Kỳ Hoa rất quan tâm đến phiên thảo luận “Đa dạng nguồn thu của các cơ quan báo chí” bởi đây là vấn đề sống còn của các cơ quan báo chí khi có nhiều nền tảng mạng xã hội và các kênh thông tin khác trở thành đối thủ.

Theo Kỳ Hoa, việc đảm bảo nguồn thu của các cơ quan báo chí mới đảm bảo được “lửa nghề” của phóng viên: “Khi có kinh tế mới sản xuất ra các tác phẩm chất lượng hơn đến độc giả. Từ đó cũng khơi gợi sự tin tưởng và tạo ra uy tín cho các cơ quan hơn”.

Trong hai ngày diễn ra các phiên thảo luận, có lẽ, phiên thảo luận với chủ đề: “Phát thanh năng động trong môi trường số” là phiên đông nhất, khi ngoài những người hoạt động trong lĩnh vực phát thanh, còn có hàng trăm bạn sinh viên Trường Cao đẳng phát thanh – truyền hình II.

Tham gia phiên thảo luận, được nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực phát thanh như nhà báo: Phạm Mạnh Hùng, Đồng Mạnh Hùng, Phạm Trung Tuyến từ Đài Tiếng nói Việt Nam và các đài phát thanh – truyền hình trong cả nước, các bạn sinh viên thêm tin tưởng vào “sức sống” mới của phát thanh trong thời đại số.

Các bạn trẻ tin tưởng về những cơ hội, tiềm năng phát triển mới, những mảnh đất còn rất mênh mông chưa được khai phá trong lĩnh vực báo chí mà phát thanh có thể tận dụng. Sự “năng động của phát thanh” như được khai phá với sự phát triển vượt bật của công nghệ và hứa hẹn một tương lai tương sáng.

Bạn Đoàn Thị Vân Uyên, sinh viên Khóa 22 ngành báo chí, Trường Cao đẳng phát thanh – truyền hình II (VOV College) chia sẻ: “Đứng trước những thách thức của phát thanh, các diễn giả hôm nay đã đem đến những cái nhìn mới hơn. Từ đó có thể cái cách vận hành đem lại sản phẩm báo chí tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu cũng như có thể truyền tải được những cái thông tin cần thiết. Đó sẽ là hành trang rất cần thiết cho chúng em trong quá trình học tập cũng như kỹ năng, nghiệp vụ báo chí sau này”.

Hiệu quả, sát sườn, cập nhật được hơi thở báo chí

Qua hai ngày tổ chức, 12 phiên thảo luận đã “rất thành công” khi đón nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của báo giới. Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, những nội dung, chủ đề hoạt động nghiệp vụ của diễn đàn báo chí rất sát sườn, cấp thiết, cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho người làm báo và các cơ quan báo chí hiện nay.

Theo ông Hồ Quang Lợi, những vấn đề lớn, những vấn đề bức xúc đều được đề cập trong các phiên thảo luận. Mỗi chủ đề, tùy theo mức độ quan tâm của từng nhà báo, từng cơ quan báo chí, nhưng ông Hồ Quang Lợi đánh giá là “rất trúng”.

Các ý kiến đã nêu lên thực trạng cũng như góp phần tìm ra, góp phần giải đáp được những bức xúc, những thắc mắc và những vấn đề đang vướng phải trong quá trình chúng ta thực hiện hoạt động báo chí.

Đặc biệt, nhà báo Hồ Quang Lợi rất ấn tượng với chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”. Bởi, văn hóa báo chí và đạo đức báo chí có mối liên quan mật thiết với nhau, thậm chí đang hòa vào nhau, trùng khít nhau.

Cái gốc, nền tảng của văn hóa báo chí, đó chính là đạo đức báo chí. Nếu chúng ta thực hiện tốt đạo đức báo chí, 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Luật báo chí thì chúng ta đã góp phần xây dựng văn hóa báo chí. 

Ông Hồ Quang Lợi cũng cho rằng, vấn đề nóng bỏng mà Diễn đàn báo chí đưa ra là việc bảo đảm kinh tế báo chí và nguồn thu là vấn đề đang rất nóng và nhức nhối hiện nay của nhiều cơ quan báo chí.

“Tôi nghĩ rằng, dù cho chúng ta có ban hành những điều gì thì cũng phải nên nhớ rằng, để cho các cơ quan báo chí, nhà báo phải vật lộn với vấn đề cơm, áo, gạo, tiền thì chính là chúng ta đang tạo ra những môi trường làm việc không thuận lợi, không tích cực cho các nhà báo. Các nhà báo phải được làm việc trong một môi trường tốt, không bị sức ép để kiếm tiền mà chỉ nghĩ đến chuyện là làm sao có những tác phẩm báo chí có chất lượng, có những tác phẩm báo chí có ích cho xã hội chứ không phải làm sao để tìm ra nhiều tiền cho tòa soạn mới là cái quan trọng nhất”, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Có thể nói, trong lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM, Hội báo toàn quốc 2024 đã thành công rực rỡ khi mang báo chí đến gần với công chúng phía Nam, đặc biệt với điểm nhấn là Diễn đàn báo chí.

Phát biểu bế mạc diễn đàn, nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam khẳng định, diễn đàn đã nhận được nhiều tham luận, ý kiến đánh giá, thảo luận tâm huyết từ các nhà báo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu.

Nhà báo Lê Quốc Minh hy vọng, kết quả thảo luận tại diễn đàn sẽ được hiện thực hóa và mang lại những thay đổi tích cực trong báo chí cách mạng Việt Nam; tiếp tục làm việc cùng nhau, tập trung vào lợi ích của công đồng, cùng xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại và đồng hành phát triển với báo chí thế giới.

Bài liên quan
Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Tại phiên họp thứ 40, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật và đề nghị kỷ luật một số tổ chức đảng và đảng viên.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất