Sinh năm 1949, HLV Mai Đức Chung là chứng nhân và trải qua những giai đoạn phát triển của bóng đá nước nhà, từ bao cấp, bán chuyên đến chuyên nghiệp thời hiện tại. Ông Chung đi lên từ cầu thủ, trải qua cuộc sống cơ hàn như một nhân viên công chức mẫn cán, sáng đi làm, chiều ra sân tập luyện, thi đấu, rồi nhiều lần vào vai “đóng thế” ở công tác huấn luyện, trước khi trở thành vĩ nhân của bóng đá Việt, được truyền thông, người hâm mộ và nhà tài trợ săn đón. Nhưng ông đón nhận tất cả một cách nhẹ nhàng những vinh hoa, phú quý, để giữ đôi chân trên mặt đất, và cũng là cách huấn luyện các nữ cầu thủ không bị cám dỗ trước ma lực đồng tiền.
“Người thầy có trái tim ấm áp”, cô học trò cưng Huỳnh Như nghẹn ngào viết vào hồi ký của mình về những năm tháng tươi đẹp cùng “bác Chung” như thế. Ông huấn luyện các học trò bằng tình cảm chân thành, lòng trắc ẩn, xem họ như “đứa con trong nhà”, nhưng không bao giờ chiều chuộng.
Các nữ cầu thủ giàu kinh nghiệm từ Tuyết Dung, Huỳnh Như hay ở tuổi bắt đầu phát triển sự nghiệp như Thanh Nhã, Vạn Sự… đều gọi HLV Mai Đức Chung bằng cái tên thân mật: “bác Chung”. Nhưng xét về tuổi đời, có những cầu thủ có thể gọi nhà cầm quân này là... ông.
Ngày HLV Mai Đức Chung lần đầu tiên dẫn dắt ĐT nữ Việt Nam vào năm 1997, Huỳnh Như mới 6 tuổi, Tuyết Dung mới bắt đầu biết chạy, Thanh Nhã còn chưa sinh, một số cầu thủ khác còn trong bụng mẹ. “Các con cứ yên tâm mà đá, thắng thì các con nhận vinh dự, còn thua thì bác nhận” – lời chia sẻ, động viên của ông với các học trò trước mỗi trận đấu khó khăn thể hiện rõ sự quan tâm, bao dung của một người cha, người bác, người ông dành cho những đứa con, đứa cháu trong gia đình.
Nhìn lại tất cả những gì ông đã làm cho bóng đá nữ Việt Nam trong những năm qua, có thể tin rằng, ông là một HLV tầm cỡ bậc nhất, một tượng đài trong việc nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam lên đỉnh cao chưa từng có.
Gắn bó với bóng đá nữ qua 4 giai đoạn là năm 1997-1999, 2003-2005, năm 2014 và năm 2016 đến nay ông đã cùng các học trò giành 6, trong tổng số 8 HCV của môn bóng đá nữ SEA Games, đã vào đến bán kết Asian Games (ASIAD) 2014, vô địch AFF Cup 2019, lần đầu tiên đưa đội tuyển đến World Cup nữ, biến đội bóng trở thành một thế lực hàng đầu Đông Nam Á. Cả quãng đời của ông đã ở bên những lứa cầu thủ nữ xuất sắc nhất của bóng đá nữ VN và những chiến tích đã khiến người hâm mộ và Liên đoàn bóng đá Việt Nam có cái nhìn đúng đắn về sự phát triển của bóng đá nữ để rồi dành sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho các nữ chiến binh kim cương. “Đá đi, bác Chung còn dẫn tụi mình hai trận nữa thôi, không có cơ hội nghe bác mắng nữa đâu”, câu nói của Huỳnh Như được một đồng đội thuật lại sau chiến thắng trước tuyển nữ Ấn Độ, đã nói lên tâm sự của nhiều cầu thủ.
Ở lượt trận cuối, chẳng ai bảo ai, tuyển nữ Việt Nam thi đấu bằng toàn bộ năng lượng mình có, dù trước họ là tuyển nữ Nhật Bản. Thậm chí, đội bóng xứ Phù tang còn mang đến giải đấu một lực lượng mạnh hơn cả đội hình từng đánh bại tuyển nữ Việt Nam 7-0 tại ASIAD 19.
Nhưng mọi chuyện thì khác. Huỳnh Như liên tục lùi sâu phòng ngự, Mỹ Anh - Vạn Sự miệt mài đeo bám đối phương dù thua thiệt cả về thể hình và tốc độ. Không được thua đậm, bởi như vậy "bác Chung" sẽ không thể vui được. Đây là trận đấu cuối mà bác dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam rồi.
Mãi đến phút 40, bàn thua mới đến với tuyển nữ Việt Nam, trong một cơ hội thực sự nguy hiểm đầu tiên của tuyển nữ Nhật Bản. Trước đó, các chân sút của đối thủ bị thủ môn Khổng Thị Hằng khuất phục hoàn toàn.
Sang hiệp 2, tuyển nữ Việt Nam thua thêm 1 bàn nữa nhưng chơi kiên cường và không vỡ trận.
Nhìn Philippines thua 0-8 trước Australia hay Thái Lan thua 1-10 trước Hàn Quốc, 0-7 trước Triều Tiên mới thấy rằng các cầu thủ nữ Việt Nam đã nỗ lực thế nào. Cũng lâu rồi, huấn luyện viên Mai Đức Chung mới có thể cười nhẹ nhàng như vậy.
Ông Chung hài lòng với tinh thần chiến đấu và kết quả của toàn đội. Huấn luyện viên lão làng thừa nhận, ông từng sợ tuyển nữ Việt Nam lại thua đậm, lại vỡ trận. Nhưng kịch bản ấy đã không xảy ra.
Còn với các cầu thủ, họ chạy những bước chạy của nỗi sợ chia ly. Nhưng chính Huỳnh Như và đồng đội biết cách biến nỗi sợ thành sức mạnh tinh thần. Tuyển nữ Việt Nam đã gửi một lời chào thật đẹp đến huấn luyện viên Mai Đức Chung.
HLV Mai Đức Chung bền bỉ song hành cùng bóng đá Việt Nam mà có lẽ nền móng tạo nên thành công vang dội của ông, xuất phát từ cách đối nhân xử thế, sự tận tâm trách nhiệm và dĩ nhiên không thể thiếu yếu tố quan trọng là tài năng. Ông Chung từng nói làm HLV cũng như "tướng ra trận" trong bóng đá, đừng bao giờ đứng ở chỗ "mát". Phải xông vào khó khăn, không ngại gian khổ.
Tháng 9/2017, bóng đá Việt Nam rơi vào khủng hoảng khi U22 Việt Nam bị loại ở vòng bảng SEA Games. HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức, chiếc ghế nóng HLV trưởng bỏ trống. Trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng", Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) gọi điện mời ông Chung giữ chức HLV tạm quyền đến khi tìm được người mới. Ông khảng khái nhận lời bởi "tôi là đảng viên, khi tổ chức cần, tôi sẽ có mặt". Ông cùng học trò thắng cả 2 trận gặp đội Campuchia, giành 6 điểm trọn vẹn, vượt qua vòng loại Asian Cup 2019 để tiến thẳng vào vòng chung kết.
Ở cấp câu lạc bộ, HLV Mai Đức Chung dẫn dắt Bình Dương, Sài Gòn và Thanh Hóa. Tại những câu lạc bộ này, chiến lược gia 69 tuổi đều nhận được sự kính trọng của các học trò và để lại dấu ấn lớn. Đáng chú ý nhất là ông đưa Bình Dương lọt vào tới bán kết AFC Cup 2009.
Ngoài thành công trên cương vị huấn luyện chính thức, ông Chung “xe ca” còn ghi dấu ấn trong những lần “đóng thế”. Năm 2007, HLV Alfred Riedl phải ghép thận nên HLV Mai Đức Chung được giao nắm đội Olympic Việt Nam.
Với tài năng của mình, ông đã giúp “Những ngôi sao vàng” thắng lợi trước Lebanon và Oman tại vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008. Chưa hết, nhà cầm quân sinh năm 1949 còn giúp U22 Việt Nam vô địch Merdeka Cup năm 2008 tại Malaysia.
Nhờ đâu mà HLV Mai Đức Chung làm tốt với cả bóng đá nam và nữ? Câu trả lời nằm ở sự tử tế và bao dung của người thầy. Đó là bài học ông có được sau thời gian làm trợ lý cho HLV Alfred Riedl. "Một trong những điều tôi học được từ ông Riedl khi còn làm trợ lý cho ông, là sự tôn trọng dành cho cầu thủ. Ai cũng có tự trọng. Tôi phải biết lúc nào gặp cầu thủ để nói, lúc nào động viên an ủi, lúc nào phê bình, ý nhị, tinh tế hơn", ông Chung chia sẻ.
Gần 50 năm theo nghiệp bóng đá của HLV Mai Đức Chung, không thể đặc tả được hết bằng một trang báo hay một thước phim. Nhắc về ông Chung không phải vì những danh hiệu, thành tích đồ sộ có được, mà là những hình ảnh đã khắc sâu vào trong trái tim của người hâm mộ, như việc ông rèn quân dưới trời mưa ở Phnom Penh là một lát cắt xúc động như thế. Thay vì di chuyển bằng phương tiện đời mới được các nhà tài trợ tặng hay tiền lương dư sức mua chiếc xe hiện đại, thì hình ảnh HLV Mai Đức Chung tự tay chằng buộc chiếc vali cũ trên chiếc xe máy đời cũ để lên tuyển tập trung đã phần nào minh chứng nét giản dị của một nhà cầm quân lão luyện.
Bất cứ ai tiếp xúc đều thấy ở ông dáng vẻ của một nhà cầm quân mộc mạc, khiêm tốn và chất phác, nhưng luôn toát lên chất hào khí, nhiệt huyết, cống hiến của con người Hà thành. Ngay cả khi di sản mà nhà cầm quân này để lại sẽ trở thành áp lực cho người kế nhiệm, nhưng ông bằng sự chân thành của mình luôn sẵn sàng tư vấn khi người mới cần hỗ trợ. Ông nói: “Tôi làm lâu năm rồi, HLV khác lên thay thế sẽ tốt hơn”.
Như huấn luyện viên Mai Đức Chung đã chia sẻ, "tre già măng mọc" là quy luật tất yếu. Nhà cầm quân này đã hoàn thành vai trò là người xây dựng nền móng vững chãi cho tuyển nữ Việt Nam.
Từ nay, thế hệ trẻ của Thanh Nhã, Hải Linh, Vạn Sự, Tuyết Ngân,... sẽ phải giữ vững nền móng đó, tiếp tục phát triển và trưởng thành hơn để xứng đáng với sự kỳ vọng của người hâm mộ, xứng đáng với tâm huyết của người thầy Mai Đức Chung.