Hà Nội không chủ quan dù số ca sốt xuất huyết giảm

Thiên Bình/VOV.VN | 20/12/2022, 21:11

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận thêm 1.165 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 11%, trong đó có 2 ca tử vong. Toàn thành phố có thêm thêm 22 ổ dịch mới.

Theo CDC Hà Nội, khu vực Hà Đông, Đống Đa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Hoàng Mai... tiếp tục ghi nhận số mắc sốt xuất huyết cao. Trong tuần qua, dù số ca mắc mới trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm so với tuần trước đó nhưng con số này vẫn ở mức cao và tiếp tục có thêm các trường hợp tử vong. 

Hiện thời tiết Hà Nội đã chuyển sang lạnh, với nhiệt độ giảm rõ rệt có thể hạn chế muỗi vằn truyền bệnh phát triển, nên dự báo số mắc sốt xuất huyết sẽ giảm dần trong thời gian tới. Tuy nhiên, những ngày nhiệt độ tăng cao, muỗi truyền bệnh vẫn có thể sinh sôi, hoạt động. CDC Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra. 

Các chuyên gia cũng cảnh báo, người dân cần hết sức cảnh giác khi có các dấu hiệu của sốt xuất huyết, cần tìm đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng. Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều người rất dễ nhầm lẫn rằng phải có biểu hiện xuất huyết thì mới là bệnh sốt xuất huyết. Thực tế, có rất nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, có chỉ số xét nghiệm tiểu cầu giảm rõ rệt nhưng vẫn không thấy biểu hiện xuất huyết ở vị trí nào trên cơ thể và thậm chí còn có thể bị đi vào sốc rất nhanh.

Theo đó, trong thời điểm nhiều dịch bệnh như hiện nay, nhiều người có biểu hiện bệnh sốt xuất huyết có thể chỉ nghĩ đến bị cúm hoặc COVID-19 nên không đi điều trị. Nếu để đến ngày thứ 4 - thứ 5 mới đến bệnh viện thì bệnh đã trong giai đoạn nguy hiểm, có thể rơi vào sốc, rất nguy hiểm. 

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, trước tình hình thời tiết như hiện nay, người dân không nên chủ quan trong việc phòng tránh bệnh sốt xuất huyết. BS. Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng khuyến cáo: "Người dân vào viện sớm khi có triệu chứng sốt, không phải cứ đến khi bị xuất huyết, bệnh nặng mới đi khám. Người mắc bệnh sốt xuất huyết nhất thiết phải có sự chỉ dẫn, giám sát điều trị của bác sĩ để tránh các trường hợp bệnh diễn biến nặng rất nhanh".

Đặc biệt, người dân nếu điều trị sốt xuất huyết tại nhà phải theo dõi sát sao, khi thấy có các dấu hiệu như: Mệt lả, nôn, tiêu chảy, đi ngoài phân đen, chảy máu mũi, chảy máu chân răng… cần nhập viện gấp để được các bác sĩ chẩn đoán, xét nghiệm chính xác tình trạng bệnh để kịp thời điều trị./. 

Bài liên quan
Cảnh giác với các bệnh dịch mùa hè
VOVLIVE - Dù mới bước vào đầu mùa hè, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, 15.000 ca sốt xuất huyết, hàng trăm ca mắc sởi, ho gà. Bên cạnh đó là ca bệnh đầu tiên mắc cúm A/H9N2, 1 một bệnh nhân nam đã tử vong do cúm A/H5N... Những diễn biến của dịch bệnh mùa hè đang đặt ra những vấn đề gì đối với hệ thống dự phòng và người dân?

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Nhân chứng nổ lò hơi ở Đồng Nai: Ám ảnh cảnh đồng nghiệp nằm bất động khắp nơi
Nhiều nhân chứng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc lò hơi của công ty gỗ Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) phát nổ, thổi bay tất cả mọi thứ.
Mới nhất