Giải pháp nào để thanh niên miền núi có kỹ năng trở thành "con người số"?

Nguyễn Trang/VOV.VN | 14/03/2024, 22:45

Chuyển đổi số cần dựa trên “con người số”. Tuy vậy, hiện nay, tại các tỉnh miền núi, thanh niên còn thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng để trở thành “con người số”, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Đây là ý kiến được nêu tại Diễn đàn "Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn" do Trung ương Đoàn tổ chức chiều nay (14/3). Chuyển đổi số đang là chủ đề rất được quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Trong quá trình tiếp nhận các câu hỏi gửi đến diễn đàn, Trung ương Đoàn cho biết, đã nhận được 258 câu hỏi liên quan đến chủ đề này.

Trao đổi tại diễn đàn, bạn Đoàn Thị Lam, chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn Cao Bằng đặt câu hỏi: "Chúng ta đều biết rằng, chuyển đổi số cần dựa trên “con người số”. Tuy vậy, hiện nay, tại các tỉnh miền núi, thanh niên còn thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng để trở thành “con người số”, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Với việc này, chúng ta có giải pháp nào hỗ trợ hiệu quả cho thanh niên? Tại diễn đàn này, tôi rất mong có thể được lắng nghe chia sẻ của các bạn đoàn viên thanh niên và định hướng của Ban Bí thư Trung ương Đoàn"?

Cùng chia sẻ tại diễn đàn, anh Sùng A Tủa - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, chủ kênh TikTok hướng dẫn người dân quảng bá và bán sản phẩm nông nghiệp địa phương trên mạng xã hội mang đến chương trình món quà quê chè San Tuyết.

Anh Tủa chia sẻ: "Đây là sản phẩm nông nghiệp tại địa phương mà tôi đã hướng dẫn bà con quảng bá và bán sản phẩm trên TikTok. Qua chương trình này, tôi mong muốn học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, thêm kiến thức để quay về động hướng dẫn bà con những cách làm hay, ứng dụng công nghệ số vào quảng bá hình ảnh quê hương, quảng bá hình ảnh nông sản tại địa phương, giúp bà con có cuộc sống tốt hơn, ấm no hơn".

Liên quan đến chủ đề chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cho rằng, chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng. Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã xác định chuyển đổi số là một trong ba khâu đột phá nhiệm kỳ. Năm 2023, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn, Trung ương Đoàn đã xác định chủ đề công tác “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”. Các cấp bộ Đoàn đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trên các mặt công tác mang lại hiệu quả cao trong công tác tổ chức, triển khai, điều hành công việc, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian nhân lực, nâng cao doanh thu.

Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cho biết, thời gian qua tổ chức Đoàn có nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức chuyển đổi số, đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng. Những bạn sau khi được tập huấn trở về địa phương tiếp tục truyền đạt lan toả kiến thức kỹ năng chuyển đổi số cho bà con nhân dân, đoàn viên thanh niên.

Bên cạnh đó hoạt động giới thiệu sản phẩm qua sàn thương mại điện tử, qua KOL, nhân vật nổi tiếng cũng được phát huy hiệu quả. Điển hình như sự tham gia livestream bán nông sản của nghệ sĩ Xuân Bắc và các nhân vật nổi tiếng có buổi bán cả trăm tấn sản phẩm thu về hàng tỷ đồng.

Thời gian tới, toàn Đoàn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thanh niên, trong đó có thanh niên dân tộc thiểu số nhằm nâng cao năng lực số, tập trung vào một số vấn đề như tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, năng lực số; cập nhật các xu hướng công nghệ số để thanh niên tiếp cận, ứng dụng và tham gia phát triển; thúc đẩy năng lực tự học, tự cập nhật kiến thức, kỹ năng số của thanh niên, trong đó có thanh niên dân tộc thiểu số; kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho đoàn viên thanh niên không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cũng cho rằng, trong chuyển đổi số cần những “con người số”. Bởi chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, phức tạp. Chuyển đổi số là việc chuyển đổi của con người, chuyển đổi thói quen từ môi trường thực lên môi trường số. Và thay đổi thói quen cần thời gian, lâu dài.

"Hai vấn đề chính của con người trong chuyển đổi số là nhận thức và năng lực. Nếu nhận thức không tốt thì sẽ không đạt được hiệu quả trong chuyển đổi số. Nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đoàn là tạo môi trường để để thanh niên thực hiện sứ mệnh chuyển đổi số quốc gia.

Nếu cán bộ Đoàn, người đứng đầu cấp bộ Đoàn không có nhận thức đầy đủ thì sẽ không đạt được hiệu quả trong triển khai chuyển đổi số tại đơn vị mình.

Phải có nhận thức số, năng lực số mới dẫn đến “hành động số”. Vì vậy, việc xây dựng “con người số”, “thanh niên số” phải bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; nâng cao năng lực số cho cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên", anh Huy nhấn mạnh.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy khẳng định, trong chuyển đổi số quốc gia, người trẻ chứ không ai khác phải nhận sứ mệnh đi đầu, nòng cốt. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải đóng vai trò tổ chức cho lực lượng đông đảo thanh niên thực hiện sứ mệnh quan trọng đó, mà trước hết là cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; nâng cao năng lực số cho đoàn viên, thanh niên phải là giải pháp bao trùm, xuyên suốt trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên giai đoạn 2022 - 2030. Điều kiện tiên quyết để làm được việc đó là mỗi người phải có “thói quen số”, và phải thay đổi từ nhận thức, đặc biệt là người đứng đầu của các cấp bộ đoàn.

Bài liên quan
Thủ tướng yêu cầu "3 tăng cường, 5 đẩy mạnh" trong chuyển đổi số
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: phát triển Chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số; phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Siết chặt vòng vây
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với cách đánh lấn, ta đã từng bước siết chặt vòng vây, đưa chiến hào vào sâu trong cứ điểm địch rồi bất ngờ đột phá tiêu diệt địch.
Mới nhất