Gen Z - Thế hệ làm việc không văn phòng

Anh Thu/VOV2 | 18/03/2023, 13:56

Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2025, thế hệ Gen Z (tạm tính là những người sinh sau năm 1996) sẽ chiếm gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam.


Đây là thế hệ đầu tiên được xem là "người bản địa kỹ thuật số" bởi họ lớn lên trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội. 

Là một thế hệ đa nhiệm, công việc yêu thích của Gen Z so với thế hệ trước đang có sự chuyển dịch lớn từ nhóm ngành truyền thống sang những ngành liên quan mật thiết đến internet, mạng xã hội và thiết bị công nghệ cao. Các nhà quản lý sẽ phải dần quen với một thế hệ làm việc không văn phòng và thiếu sự “chung thủy” với công ty.

Remote - làm việc từ xa trở thành xu thế

Học ngành du lịch, ra trường làm nghề marketing được chừng 3 năm thì Phạm Hải Hà lên chức Trưởng phòng của công ty tổ chức sự kiện. Ấm chỗ được một năm Hà xin nghỉ.

Hà không phải nháo nhào đi xin việc nơi khác bởi em có đích đến mới đó là làm đối tác của Facebook. Nói một cách dễ hiểu là sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. "Thu nhập gấp 10 lần so với chiếc ghế Trưởng phòng ngày 8 - 10 tiếng ở công ty" - Hà nói.

Rồi cô gái sinh năm 1997 lấy chồng. Đôi vợ chồng trẻ đều không thích cuộc đời công sở 8 tiếng văn phòng, 60 phút di chuyển trên đường phố mỗi ngày và giấc ngủ trưa chập chờn trên chiếc ghế tựa ở công ty. Họ tự do cả về thời gian và tiền bạc.

Decision Lab - công ty nghiên cứu thị trường trực tuyến và đo lường truyền thông kỹ thuật số và Dreamplex đơn vị cung cấp một giải pháp văn phòng trọn gói đã thực hiện một nghiên cứu mở rộng để tìm kiếm câu trả lời về những điều mà gen Z mong muốn. Kết quả báo cáo cho thấy 69,8% số nhân viên thuộc thế hệ Gen Z tại Việt Nam mong muốn được làm việc kết hợp, giữa làm việc từ xa và tới văn phòng. Chỉ có 9% Gen Z ở Việt Nam hiện nay muốn làm cả tuần tại văn phòng.

Hải Hà thuộc nhóm chưa được nhắc đến là làm việc không văn phòng. "Em không thích sự gò bó và giám sát của ai đó. Em muốn tự đặt mục tiêu mỗi ngày và hoàn thành công việc" - Hà nói khi làm việc ở nhà, có thể em chỉ mất 4 tiếng để hoàn thành KPI do chính mình đặt ra.

Xét về mặt bối cảnh, 3 năm covid-19 giống như một cuộc “thử nghiệm công khai” về tính năng làm việc không văn phòng. Gen Z thích ứng tốt hơn bất kỳ thế hệ nào. 

Xét về mặt tâm sinh lý lại càng phù hợp khi chính họ thích sự độc lập, tự chủ. “Chúng tôi ưu tiên những công ty linh hoạt về vị trí làm việc, hạn chế tối đa thời gian di chuyển” - Hoàng Lâm Đức, sinh năm 1996 ở ngoại ô Hà Nội cho biết.

Chị Trịnh Nga - Trợ lý kiêm Đối tác nhân sự chiến lược kinh doanh của Tập đoàn Công nghệ thông tin trong nước chia sẻ, ứng viên gen Z có ưu điểm họ thành thạo nhiều hơn một ngoại ngữ, được đào tạo bài bản và ham học hỏi - những yếu tố rất được lòng các nhà quản lý.

"Điều mà nhiều quản lý phải "khóc thét" là "Gen Z thích trải nghiệm nhiều môi trường và chưa định hướng rõ ràng mình thích công việc như thế nào" - 5 năm ở vị trí tuyển dụng nhân sự lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) đã cho Trịnh Nga thấy rõ điều đó.

"Toxic" - không chấp nhận năng lượng độc hại trong công việc

Lâm Đức dành 5 năm thanh xuân ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội - ngôi trường tốp đầu về đào tạo kỹ sư ở Việt Nam. 6 tháng đầu gia nhập đội quân "tự lo tự chi" không xin tiền bố mẹ, Đức làm cho công ty du lịch để thỏa sức đi đó đây. Rồi dịch covid-19, Đức chuyển sang làm marketing cho công ty giáo dục. “Ở nơi đó họ không gọi tôi là kỹ sư như tấm bằng Đại học, tôi được gọi là nhân viên marketing” - Đức nói không một chút đắn đo.

Mức lương không còn là mối bận tâm hàng đầu của gen Z. Điều này khác với thế hệ X, Y luôn mong muốn thoát khỏi danh sách hộ nghèo và khao khát chiếc Iphone đời mới nên họ có thể cày "khô máu" để có tiền lương như mong muốn. 

"Em muốn làm công việc mà mình thích, khiến mình cảm thấy thoải mái, nó tốt cho sức khỏe tinh thần" - Lâm Đức chia sẻ.

Bố mẹ Lâm Đức thuộc thế hệ cuối 7X và đầu 8X. Cả hai làm công việc văn phòng ở một huyện gần Thủ đô Hà Nội, 7h sáng ra khỏi nhà và 17h30 đi chợ nấu bữa cơm chiều. Họ chưa từng say mê nói với con cái của mình về công việc vì mục đích đi làm chỉ để kiếm tiền.

"Em phải dành thời gian để educate (giáo dục/ thay đổi - PV) bố mẹ là con muốn làm công việc con thích chứ không phải theo sự sắp đặt sẵn nào cả" - bố mẹ Đức đã chấp nhận suy nghĩ này của cậu con trai giống như quen dần với cách nói chuyện thi thoảng lại chèn từ tiếng Anh vào câu chuyện.

Khác với Gen Y và X, gen Z ít hoặc không chấp nhận sự thỏa hiệp với những điều "không ưng ý". Họ dám lên tiếng không phải vì cái "tôi" mà vì không thích xách túi đi làm với nguồn năng lượng độc hại - "toxic".

Gen Z hiện chiếm 32% dân số toàn cầu và 11% lực lượng lao động. Theo tập đoàn Manpower Group, đến năm 2030 con số này sẽ đạt 30%. Họ mang đến thị trường lao động một tinh thần làm việc sáng tạo, năng động và dám thử thách bản thân ở những lĩnh vực mới.

Từ khóa “toxic” tức là độc hại được gen Z sử dụng cho một mối quan hệ hay môi trường làm việc mang lại năng lượng tiêu cực. Họ không chấp nhận bởi họ quan tâm đến đời sống tinh thần nhiều hơn các thế hệ gen X hay gen Y. Đó là lý do họ có thể ngồi làm việc ở nhà, quán café hay “trú ẩn” trong homestay nào đó mà vẫn là nhân viên cừ khôi trong công việc.

Năm 2025, để sẵn sàng đón nhận 1/3 lực lượng lao động là gen Z cũng đòi hỏi các nhà quản lý phải thay đổi để thích ứng. "Họ cần phải cởi mở hơn, không thể áp đặt một chiều với nhân sự" - chị Hoàng Thị Hồng Nhung - Quản lý hành chính nhân sự Admicro Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần VCCorp trao đổi với phóng viên VOV2.

Phạm Hải Hà - hiện ở nhà, mỗi ngày làm việc trên máy tính từ 4-10 tiếng thừa nhận từ khi làm việc không văn phòng, mối quan hệ của em đang co lại. Thế nhưng, "quay trở lại công việc như trước đây là không thể" - Hà cho biết.

Còn Lâm Đức, 2 năm gắn bó cho công việc marketing là “sự học” đáng cần cho tuổi trẻ thích khám phá. Khi hỏi liệu Đức gắn bó với công ty bao lâu nữa? Câu trả lời là:

"Khoảng 2 năm"./.

Làm rõ một số thuật ngữ sử dụng trong bài:

* Thế hệ X (hay là Gen X): Những người sinh từ năm 1965 đến 1979. Đây là những người lớn lên khi chiến tranh đã kết thúc. 

* Thế hệ Y (Millennials): Những người sinh từ năm 1980 đến 1996. Phần lớn nhóm thế hệ này đã gia nhập lực lượng lao động ở đỉnh cao của cuộc Đại suy thoái và đã phải vật lộn với sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo thế hệ sau đó.

* Thế hệ Z (Gen Z): Những người sinh ra sau năm 1996 - 2009. Thế hệ Z được sinh ra trong thời đại Internet phát triển, được tiếp cận với công nghệ ngay từ bé. 

(Nguồn: Internet)

Bài liên quan
Tìm mọi cách đưa sản phẩm sáng tạo Việt Nam ra thế giới
Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số Tạ Mạnh Hoàng khẳng định sẽ tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, đưa sản phẩm sáng tạo nội dung số ra thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất