Dự án mở rộng ngõ 66 Thanh Am, Long Biên: Dân buồn nhiều hơn vui

Văn Ngân/VOV.VN | 29/05/2024, 07:11

Người dân không đồng tình với mức đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại dự án nâng cấp, mở rộng ngõ 66 Thanh Am (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội) và cho rằng cách làm của các cơ quan quản lý quận Long Biên chưa thấu tình, đạt lý.

Mức đền bù khiến người dân “đi cũng dở mà ở không xong”

Dự án cải tạo, nâng cấp ngõ 66 Thanh Am (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) được UBND Thành phố Hà Nội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư (Quyết định số 1732/QĐ-UBND) từ 9/4/2019. Đến ngày 12/5/2020, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (Quyết định số 1953/QĐ-UBND). Khi biết tin Thành phố quyết định nâng cấp, cải tạo ngõ 66 Thanh Am, người dân sống tại khu vực này rất vui mừng vì sau khi cải tạo, họ sẽ được sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông khang trang hơn. Tuy nhiên, điều họ bức xúc là phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư đối với những hộ thuộc diện thu hồi đất phục vụ dự án mở rộng ngõ 66 Thanh Am, cũng như phương án mở rộng đường chi tiết… Các hộ dân cho rằng, cách triển khai dự án của chính quyền sở tại có rất nhiều vấn đề khiến người dân chưa đồng thuận. Người dân đã gửi đơn thư … đi khắp nơi, thậm chí vượt cấp.

Bà Hoàng Thị Minh (65 tuổi, sống tại tổ 26 Thanh Am, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi có tổng diện tích 47m2 đất thổ cư, sau khi bị thu hồi còn lại khoảng 21,4m2. Phần lớn diện tích bị thu hồi nhưng số tiền đền bù áp dụng ở mức 16,6 triệu đồng/m2 rất rẻ mạt so với giá thị trường hiện nay khoảng 100 triệu đồng/m2”.

Theo bà Hoàng Thị Minh, mức đền bù như thế không phù hợp với thực tế: “Vì số tiền đền bù đó còn không thể mua được căn hộ chung cư chứ đừng nói là mua đất thổ cư như đất bị thu hồi. Theo tìm hiểu của tôi, giá chung cư hiện nay dao động từ 30 - 60 triệu đồng/m2. Trong khi nếu muốn ở lại, tôi chỉ còn cách xây dựng nhà mới trên diện tích đất 21m2. Diện tích này liệu có đảm bảo điều kiện tối thiểu, có được cấp sỏ đỏ mới?....”.

Điều đáng chú ý, theo bà Hoàng Thị Minh, mặc dù diện tích chỉ còn lại 21m2 như vậy nhưng các cơ quan chức năng của quận Long Biên chưa hề có phương án hỗ trợ mua nhà tái định cư cho gia đình bà: “Tôi ngày càng già yếu, thu nhập không có, ngoài số tiền lương hưu ít ỏi. Đến nay, nhà tôi bị cưỡng chế, phía quận Long Biên không hề nhắc đến phương án tái định cư. Tiền xây nhà mới không có đủ,… giờ tôi muốn đi cũng dở mà ở không xong. Tôi rất lo lắng, chỉ còn cách sang nhà con gái ở nhờ”.

Xót xa khi mức đền bù chỉ bằng 1/8 giá thị trường

Ông Cao Bá Phượng (65 tuổi, một trong những gia đình bị thu hồi đất tại Thanh Am, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP. Hà Nội) là một cựu chiến binh tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 với mức thương tật hạng 4 cho biết: “Tôi bị thu hồi hoàn toàn ngôi nhà và đất đai, công trình phía sau với tổng diện tích khoảng 137m2. Theo công bố của quận Long Biên, mức đền bù cho gia đình tôi là 26,5 triệu đồng/m2, trong khi giá thực tế hiện tại ngoài thị trường trên 100 triệu đồng/m2. Tôi là một cựu chiến binh, luôn ủng hộ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Tôi lao động cả đời mới có ngôi nhà nhưng nếu chỉ được đền bù với mức giá như vậy không khỏi xót xa. Với số tiền này gia đình không mua ở đâu được. Điều khiến tôi bức xúc nhất là cách làm của chính quyền quận Long Biên chưa thấu tình đạt lý. Tài sản của chúng tôi được làm ra bằng mồ hôi nước mắt nhưng không được trao đổi về quyền lợi chính đáng của mình... Nguyện vọng của chúng tôi là quận Long Biên muốn lấy đất thì tái định cư bằng đất, nếu không còn đất thì hỗ trợ đền bù, tái định cư sao cho hợp lý hợp tình, người dân bớt thiệt thòi và ổn định cuộc sống mai sau”, ông Cao Bá Phượng chia sẻ.

Theo ông Cao Bá Phượng, nguồn gốc ngõ 66 được người dân trong làng tự đắp lấy đường đi ra ruộng canh tác từ năm 1972. Để có được ngõ to như hiện nay người làng Thanh Am đã vất vả tôn tạo qua nhiều đời.

“Khi mở rộng ngõ 66, các cơ quan quản lý thuộc quận Long Biên chưa lắng nghe thấu đáo các ý kiến của nhân dân. Chưa xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc đất… Đặc biệt, khi tiến hành quy hoạch dự án, tại sao không mở rộng ngõ sang phía ruộng rau muống đối diện để giảm chi phí đầu tư, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và cũng giúp cho người dân sinh sống ổn định tại đây từ nhiều đời không phải di dời đi nơi khác… Đây là đường khu vực nội khu, có nhất thiết phải mở rộng đến 10m vỉa hè không?”, ông Cao Bá Phượng bức xúc đặt câu hỏi.

Theo tìm hiểu, phần lớn người dân tại khu vực không đồng tình với cách tính giá bồi thường và phương án mở rộng ngõ về phía nhà dân. Đồng thời kiến nghị chính quyền cần xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt, nhất là trên phương diện tạo cơ chế an cư lạc nghiệp cho nhân dân để nhân dân yên tâm, tình nguyện di dời để dự án được thực hiện thuận lợi.

Hiện vấn đề người dân quan tâm nhất là liệu cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng của quận Long Biên đã hợp tình hợp lý?. Bởi người dân so sánh với một số dự án thu hồi đất tại quận Long Biên đã, đang thực hiện vẫn được tái định cư bằng đất ở tại địa bàn quận Long Biên hoặc mức giá đền bù phù hợp hơn.

Liên quan đến những thắc mắc, khiếu nại của người dân trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án mở rộng ngõ 66 Thanh Am, phường Thượng Thanh, Báo Điện tử VOV.VN đã có công văn đề nghị làm việc với lãnh đạo quận Long Biên để có thêm thông tin trả lời những thắc mắc của người dân cũng như thông tin đến quý độc giả.

Bài liên quan
Kẻ bắt cóc bé trai, tống tiền 15 tỷ đồng đối diện mức án nào?
Theo luật sư, hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tội phạm hình sự đặc biệt nghiêm trọng, nghi phạm có thể phải chịu mức cao nhất của khung hình phạt.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lời cảm ơn của Ban Lễ tang Nhà nước và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
VOVLIVE - Ban Lễ tang Nhà nước và gia đình trân trọng cảm ơn tình cảm đặc biệt của đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mới nhất