Đón khách quốc tế đến Phú Quốc: Phải an toàn từ đầu vào

Hải Nam/VOV.VN | 03/07/2021, 07:36

Ngành du lịch đang tích cực chuẩn bị kế hoạch thí điểm sử dụng “hộ chiếu vaccine” đối với khách quốc tế. Phóng viên VOV.VN trao đổi với ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) về giải pháp số cho việc đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.

PV: Xin ông cho biết, hệ thống "Chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19" phục vụ đón khách quốc tế vào Việt Nam sẽ vận hành như thế nào?

Ông Hoàng Quốc Hòa: Vừa qua, Bộ Chính trị đã có ý kiến kết luận “nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine đối với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có khả năng kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (Kiên Giang)”. Đây là cơ hội để thị trường du lịch quốc tế từng bước hồi phục sau hơn 1 năm tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những yêu cầu rất cao trong việc đảm bảo an toàn, đáp ứng các quy định phòng chống dịch bệnh.

Ngay từ cuối năm 2020, Tổng cục Du lịch đã xây dựng phương án sẵn sàng đón khách quốc tế vào khi điều kiện cho phép. Thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng hệ thống “Chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19” (tại địa chỉ https://travelpass.tourism.vn) để phục vụ đón du khách khi hoạt động du lịch được mở lại.

Về nguyên tắc, khách quốc tế trước khi nhập cảnh vào Việt Nam cần chứng minh họ đã được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Với hệ thống chứng nhận, du khách cần khai các thông tin cá nhân, hồ sơ tiêm chủng và các thông tin y tế liên quan. Những dữ liệu này sẽ được kết nối liên thông với các cơ quan quản lý về thông tin, truyền thông, y tế, xuất nhập cảnh, giao thông… và sẽ được xác minh tính hợp pháp, hợp lệ theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế.

PV: Đến nay hệ thống này đã hoàn thiện chưa, thưa ông? 

Ông Hoàng Quốc Hòa: Hệ thống “Chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19” đã sẵn sàng và đảm bảo hoạt động ổn định. Tuy nhiên còn rất nhiều việc phải làm, phải bàn và chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi Việt Nam bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế.

Ngoài ra, từ tháng 10/2020, chúng tôi đã cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Trong bối cảnh dịch bệnh, đây là ứng dụng rất quan trọng cập nhật thông tin về mức độ an toàn Covid-19 của các địa phương, tích hợp bản đồ số du lịch an toàn cho phép người dùng tìm kiếm những cơ sở dịch vụ an toàn phòng dịch Covid-19. 

Đặc biệt, ứng dụng này cho phép khách du lịch có thể kiểm tra liệu một cơ sở dịch vụ có đăng ký và đánh giá an toàn Covid-19 theo quy định của Bộ VHTT&DL hay không, đánh giá mức độ thực hiện các tiêu chí an toàn của các cơ sở đó. Thông qua ứng dụng, họ cũng có thể gửi thông tin phản ánh đến cơ quan chức năng về chất lượng dịch vụ. Đây là một ứng dụng rất quan trọng bảo vệ sự an toàn và quyền lợi của khách du lịch trong tình hình mới. Chúng tôi sẽ tích hợp hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine vào ứng dụng này để tạo sự thuận tiện cho khách du lịch khi đến Việt Nam.

Điều quan trọng là các cơ sở dịch vụ du lịch, đặc biệt là tại Phú Quốc, cần chấp hành việc đăng ký và đánh giá an toàn Covid-19 theo quy định của Bộ VHTT&DL. Tính đến ngày 2/7, mới chỉ có 76 cơ sở tại Phú Quốc thực hiện quy định này, gồm 73 cơ sở lưu trú và 3 công ty lữ hành. 

PV: Việc đón khách quốc tế sẽ đi kèm những nguy cơ về dịch bệnh. Liệu công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ gì cho việc giảm thiểu hoặc xử lý rủi ro?

Ông Hoàng Quốc Hòa: Ngành du lịch đã quán triệt và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ theo tinh thần thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đặt ra, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi hoạt động kinh doanh. Chúng tôi đang cố gắng xây dựng các giải pháp công nghệ một cách tối ưu nhất để hạn chế các nguy cơ, rủi ro của dịch bệnh. Trong đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc sử dụng hệ thống “Chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19” và khai báo, đánh giá an toàn Covid-19 là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu rủi ro trong đón khách du lịch, tăng khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Cụ thể, khách du lịch cần có hồ sơ tiêm chủng được xác nhận qua hệ thống “Chứng nhận tiêm chủng vaccine” bởi các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm đảm bảo “đầu vào an toàn”. Hệ thống có kết nối với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài; đây là đầu mối quan trọng giúp xác minh các loại giấy tờ của du khách trước khi sang Việt Nam, bao gồm việc kiểm tra giấy chứng nhận tiêm chủng của du khách liệu có hợp pháp tại nước sở tại hay không.

Trong thời gian lưu trú, du lịch ở Việt Nam, khách cần sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để check-in tại các điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch nơi họ tới. Để được phép phục vụ khách, các điểm đến, cơ sở này cần thực hiện nghiêm việc đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ VHTT&DL. Như vậy, chúng ta sẽ bảo đảm rằng các cơ sở phục vụ khách đều đạt tiêu chí an toàn, đồng thời, các cơ quan chức năng có đầy đủ dữ liệu để truy vết hành trình của khách khi có tình huống phát sinh.

PV: Ngành du lịch sẽ thông tin, giới thiệu như thế nào để du khách quốc tế biết về hệ thống này, cũng như về các điểm đến, dịch vụ du lịch tại Việt Nam sau đại dịch Covid-19?

Ông Hoàng Quốc Hòa: Đại dịch Covid-19 khiến cho những hoạt động xúc tiến du lịch, phát động thị trường tại nước ngoài bị hạn chế rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi đã tập trung quảng bá du lịch Việt Nam bằng truyền thông số. Thông qua các nền tảng số và cơ quan đại điện Việt Nam tại nước ngoài để thông tin, hướng dẫn về hệ thống “Chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19” tại Việt Nam cũng như cập nhật thông tin về du lịch Việt Nam hiện nay.

Thời gian qua chúng tôi đã đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam bằng video, thông qua kênh toàn cầu YouTube. Đây là cách làm hiệu quả, vì nền tảng này có lượng người dùng rất lớn và phương pháp truyền tải bằng video sống động, dễ thu hút người xem. 

Gần đây nhất, chương trình truyền thông du lịch “Việt Nam: Đi để yêu!” là một cách làm mới trong công tác truyền thông quảng bá của Tổng cục Du lịch. Điểm nhấn của chương trình này là sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên YouTube, cùng sự hợp tác, đồng hành của Google và các doanh nghiệp. Họ là những người có ảnh hưởng tích cực trên mạng xã hội thông qua các video trải nghiệm chân thật tại các điểm du lịch. Các video rất đẹp và giàu cảm xúc của họ sẽ quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Việt Nam, khơi gợi cảm hứng đi du lịch của mọi người.

Với chương trình truyền thông “Việt Nam: Đi để yêu!”, chúng tôi tin tưởng rằng các video về du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục được lan tỏa, phát huy hiệu quả hơn nữa, quảng bá ngày càng rộng rãi hơn các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam đến với người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Bài liên quan
Tăng chuyến bay thẳng với Ấn Độ, du lịch Việt Nam kỳ vọng từ thị trường tỉ dân
Với dân số 1,4 tỉ người, Ấn Độ là thị trường khổng lồ và đầy hứa hẹn cho du lịch Việt Nam. Việc đơn giản hóa thủ tục visa, tăng cường các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ có thể thúc đẩy hoạt động du lịch giữa hai quốc gia. Qua đó giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn khách, giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
  • TP.HCM xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí
    Sáng sớm 14/1, TP.HCM tiếp tục xuất hiện sương mù dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, có lúc ở vị trí thứ 2 thế giới.
  • Chế độ nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025
    Điều 2 Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 quy định cụ thể chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng như sau.
  • Thông tư mới về dạy thêm học thêm: "Quản chứ không cấm"
    Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Mới nhất