Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc viện trợ vũ khí cho Nga?

28/02/2023, 11:51

Khả năng Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine dấy lên nhiều lo ngại đối với Mỹ và đồng minh.

Từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Trung Quốc lên tiếng ủng hộ Nga về ngoại giao và tài chính, song chưa có động thái tham gia về quân sự hay gửi vũ khí sát thương. Gần đây, quan hệ Nga - Trung ngày càng thắt chặt, phương Tây đồn đoán Bắc Kinh sẽ chính thức nhúng tay vào xung đột ở Ukraine, tăng cường viện trợ vũ khí gây sát thương cho Moskva. Nếu kịch bản này xảy ra, hệ luỵ sẽ là khôn lường, nguy cơ Trung Quốc hứng chịu đòn trừng phạt từ Mỹ và đồng minh, cũng như đối đầu giữ Nga - Trung với phương Tây sẽ trở nên gay gắt hơn.

Dồn dập cảnh báo

Trong tháng 2, quan chức Lầu Năm Góc cho biết Moskva đã yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự và kinh tế cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, và các báo cáo tình báo ban đầu của Mỹ cho thấy Trung Quốc đã đồng ý hỗ trợ.

Phản ứng trước thông tin này, nhiều quan chức hàng đầu của Mỹ từ Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Ngoại trưởng Antony Blinken và Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield đều cảnh báo Trung Quốc hứng hậu quả nếu cung cấp hỗ trợ năng lực gây sát thương cho Nga, song không chỉ rõ hành động đáp trả.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng Trung Quốc cung cấp "hỗ trợ vũ khí sát thương" cho Nga, cho rằng "điều đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong mối quan hệ song phương”. Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cũng nói rằng, bất kỳ quốc gia nào hỗ trợ Nga tăng năng lực gây sát thương trong xung đột đang diễn ra với Ukraine sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ" của Mỹ.

Đáng chú ý, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ABC của Mỹ hôm 24/2, Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ đáp trả nếu Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga. Biện pháp đáp trả của Washington có thể là lệnh trừng phạt giống như đối với các nước đã hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng thống Joe Biden cũng cho biết, ông cũng từng cảnh báo về hậu quả kinh tế nếu Trung Quốc trợ giúp Nga khi điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái. Theo ông Biden, 600 công ty Mỹ đã rời khỏi Nga và Trung Quốc cũng có thể đối mặt với hậu quả tương tự nếu trợ giúp Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Trong cuộc điện đàm mới đây với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 18/3, Tổng thống Joe Biden cũng "đã chỉ ra những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga". Ông Biden nhấn mạnh, thế giới phản ứng dữ dội nếu Bắc Kinh hỗ trợ cuộc chiến của Moskva.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho biết có “một số dấu hiệu” cho thấy Trung Quốc đang lên kế hoạch hỗ trợ vũ khí cho Nga trong xung đột ở Ukraine. Ông nhấn mạnh NATO, Mỹ cảnh báo Trung Quốc không nên để điều đó xảy ra, kêu gọi Bắc Kinh không ủng hộ cuộc chiến này của Nga và chấm dứt hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Chưa hết, người đứng đầu cơ quan chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell bày tỏ "quan ngại mạnh mẽ" của EU về khả năng Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho Nga. Ông Borrell cho rằng, đó sẽ là “lằn ranh đỏ” trong quan hệ song phương giữa EU và Trung Quốc.

Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc viện trợ vũ khí cho Nga? - 1

Xung đột Nga - Ukraine kéo dài hơn một năm chưa có hồi kết.

Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc viện trợ vũ khí cho Nga? - 2

Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ đáp trả nếu Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga. (Ảnh: AP)

Nhiều nguy cơ

Quan hệ Nga - Trung không ngừng được củng cố, thắt chặt trên nhiều khía cạnh kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Quân đội hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung. Gần đây, hai bên cử tàu tham gia tập trận với hải quân Nam Phi tại tuyến đường vận chuyển quan trọng ngoài khơi bờ biển Nam Phi.

Ở góc độ kinh tế, Trung Quốc duy trì mối quan hệ thương mại bình thường với Nga, tăng cường mua dầu và khí đốt từ Nga. Ở chiều ngược lại, thương mại với Bắc Kinh được xem là huyết mạch kinh tế đối với Moskva.

Bắc Kinh cho rằng quan hệ đối tác Trung Quốc - Nga “được thiết lập trên cơ sở không liên kết, không đối đầu và không nhắm mục tiêu vào bên thứ ba”, và Mỹ đang “đổ thêm dầu vào lửa để tận dụng cơ hội để thu lợi”.

Thời gian qua, Nga được cho là đã gặp nhiều khó khăn trong huy động binh sĩ, vũ khí và đạn dược trước sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine. Điều này buộc Moskva ban bố lệnh động viên một phần, sử dụng các lực lượng quân sự tư nhân và từ bên ngoài.

Trong khi đó, Ukraine phản kháng quyết liệt với sự hỗ trợ tích cực của phương Tây khi liên tục nhận được những loại khí tài hạng nặng, tầm xa. Trong bối cảnh xung đột đang ở thời điểm bước ngoặt, mỗi bên đều đang huy động nguồn lực nhằm hướng đến những chiến thắng mang tính quyết định, sớm chấm dứt xung đột.

Ông Mick Ryan, chiến lược gia và là cựu sĩ quan của lục quân Australia, nhận định trong bối cảnh đó, dòng vũ khí lớn từ Trung Quốc sẽ là “nhân tố thay đổi cuộc chơi”. “Đây là cuộc chiến giữa các nền công nghiệp. Nga đang bị phương Tây áp đảo. Một khi Trung Quốc tham gia, những lợi thế mà Ukraine có được nhờ nguồn hỗ trợ của phương Tây đều biến mất”, ông nhận định.

Alexey Muraviev, giáo sư về nghiên cứu an ninh và chiến lược tại Đại học Curtin, Australia, cho rằng nếu quyết định xuất khẩu vũ khí, Trung Quốc đối mặt với rủi ro bị phương Tây trừng phạt. “Cuộc chiến ở Ukraine xảy ra đúng thời điểm khủng hoảng của môi trường an ninh quốc tế, của trật tự quốc tế”, ông nói.

Vị chuyên gia này nhận định, Trung Quốc sẽ đưa ra lựa chọn khôn ngoan, cung cấp vũ khí qua các công ty nhà nước, qua hãng quân sự tư nhân Nga Wagner, thay vì cung cấp thường xuyên và trực tiếp cho quân đội Nga.

Maia Nikoladze, trợ lý giám đốc Trung tâm Địa kinh tế tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng Mỹ có thể áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc xem liệu nên đánh đổi về kinh tế để hỗ trợ Moskva.

Trung Quốc có sự gắn kết với nền kinh tế thế giới hơn rất nhiều so với Nga. Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ đi xa đến mức đứng về phía Nga. Nước này đang cố giữ thái độ trung lập, trong chừng mực nào đó Bắc Kinh không muốn hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế”, bà nói.

Theo The Hill, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland cho biết Mỹ sẽ trừng phạt các công ty Trung Quốc mà Washington xác định là vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Nga.

Theo ông Jason Li, một cộng sự nghiên cứu của Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson, khả năng Trung Quốc cung cấp hỗ trợ sát thương là “khá thấp”. Trung Quốc sẽ không thể thay đổi cục diện cuộc chiến nếu xét về mặt hỗ trợ vật chất, và Bắc Kinh sẽ ở vị thế tốt hơn bằng cách hỗ trợ kinh tế cho Nga.

“Trung Quốc đang cố gắng đi theo lập trường của mình ở Ukraine. Không có khả năng Trung Quốc vừa châm ngòi chiến sự bằng cách bán vũ khí, vừa phải hứng chịu với chỉ trích, áp lực từ quốc tế”, ông Jason Li nói, cho rằng quan chức Trung Quốc đang tìm kiếm giải pháp hoà bình cho xung đột hiện nay.

Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc viện trợ vũ khí cho Nga? - 3

Hình ảnh xe tăng của lực lượng thân Nga tại vùng Donetsk. (Ảnh: Reuters)

Nhà báo Stephen Collinson của CNN nhận định, việc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga sẽ không làm thay đổi cán cân chiến lược trên chiến trường Ukraine hiện nay, song cho rằng quyết định đó sẽ khiến cho sự đối đầu, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.

Theo nhà báo này, Trung Quốc có thể chưa sẵn sàng đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Bắc Kinh hiểu rằng, Mỹ và đồng minh có thể áp đặt loạt cấm vận đối với kinh tế nước này nếu quyết định hỗ trợ vũ khí sát thương cho Nga.

Xung đột Nga - Ukraine kéo dài được cho là không có lợi cho Mỹ, những vấn đề trong nội bộ nước Mỹ sẽ nổ ra nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine chống Nga. Trong đó, đảng Cộng hoà vốn đang kiểm soát Hạ viện nhiều lần cảnh báo sẽ không tiếp tục bơm vũ khí cho Kiev, yêu cầu Chính phủ Mỹ minh bạch các khoản hỗ trợ cho Ukraine.

Ngoài ra, việc Mỹ tập trung dồn lực cho xung đột ở Ukraine sẽ làm suy yếu khả năng của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong thực hiện các mục tiêu chính sách đối ngoại trên phạm vi toàn cầu. Mỹ sẽ không thể cùng lúc dàn trải nguồn lực quân sự ở cả châu Âu, cũng như kiềm chế, ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.

Tổng thống Volodymyr Zelensky hy vọng Trung Quốc sẽ chọn hỗ trợ Ukraine chứ không phải Nga trong cuộc xung đột đang diễn ra. Tuy nhiên, ông Zelensky cho rằng "tại thời điểm này, tôi không nghĩ điều đó là khả thi", nhấn mạnh "nếu Trung Quốc liên minh với Nga, sẽ có một cuộc chiến tranh thế giới và tôi nghĩ rằng Bắc Kinh nhận thức được điều đó".

Hôm 22/2, Tổng thống Vladimir Putin tiếp đón quan chức chính sách đối ngoại cấp cao, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị dẫn đầu. Động thái này dấy lên lo ngại từ phương Tây rằng Bắc Kinh có thể sẵn sàng hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Moskva trong cuộc xung đột kéo dài hơn một năm ở Ukraine.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ nỗ lực hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine thay vì “thổi bùng ngọn lửa” trong cuộc đối đầu quân sự giữa Moskva và Kiev, cho biết nước này “cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình”, nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ “không chấp nhận việc Mỹ nhúng tay vào quan hệ Trung Quốc - Nga” .

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 20/2, khi được yêu cầu bình luận về lời cảnh báo của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói Mỹ không có quyền yêu cầu Trung Quốc. Đồng thời, nhà ngoại giao này cho rằng “chính Mỹ, không phải Trung Quốc” đang không ngừng chuyển vũ khí ra chiến trường.

 “Chính Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho chiến trường chứ không phải Trung Quốc. Nguyên tắc mà Trung Quốc trong vấn đề Ukraine có thể được hiểu đơn giản là thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình”, ông Uông Văn Bân cho hay.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Mới nhất