Năm nay, điểm trung bình tất cả môn thi tốt nghiệp THPT của TP.HCM giảm mạnh thứ hạng khi từ vị trí 11 (năm 2023) xuống vị trí thứ 20. Nhiều năm trước, TP.HCM luôn bám sát top 10 của cả nước.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên chiếm ưu thế lên tới 60,85% so với tổ hợp Khoa học xã hội.
Theo dữ liệu điểm thi Bộ GD&ĐT vừa công bố, điểm các môn thành phần thuộc tổ hợp Khoa học xã hội rất cao (Lịch Sử, Địa lý với nhiều điểm 10). Trong khi đó điểm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên năm nay các môn thấp hơn năm ngoái.
Bên cạnh đó, phần lớn học sinh lớp 12 TP.HCM đã trúng tuyển sớm vào các trường đại học bằng nhiều phương thức khác nhau như xét học bạ và đánh giá năng lực. Do đó, việc các em tập trung vào thi tốt nghiệp ở tất cả các môn rất ít.
Chưa kể lý do, một số thí sinh dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học cũng chỉ tập trung vào 2 trong 3 môn của bài thi tổ hợp, môn còn lại chỉ thi cho qua. Do đó, điểm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên của TP.HCM không cao. Nhưng điểm xét tuyển các khối đại học truyền thống (không tính học sinh tự do) lại rất cao như khối A (Toán, Lý, Hoá), B (Toán, Hoá, Sinh), C (Văn, Sử, Địa), D (Văn, Toán, tiếng Anh).
Mặt khác, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đánh giá, trong các kỳ thi chung, việc đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực như định hướng của TP.HCM không phù hợp với đề chung cả nước.
“Tuy nhiên, chúng tôi kiên trì định hướng trên vì việc học tập của học sinh không chỉ áp dụng vào kỳ thi này mà còn là năng lực tư duy góp phần giúp học sinh xử lý vấn đề thực tiễn trong cuộc sống”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Liên quan câu hỏi TP.HCM không có thí sinh đạt điểm 10 môn Ngữ văn, ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay, việc thể hiện trọn vẹn ở môn Ngữ văn để đạt đến 10 điểm là cực kỳ khó, cả nước cũng chỉ có 2 học sinh đạt được 10. Đây không phải là vấn đề gì lạ hay bất thường.
Điểm môn Ngữ văn của học sinh TP.HCM năm nay đạt 94,66% trên trung bình. Nhiều năm nay, TP.HCM luôn có điểm trung bình tốt nghiệp môn này ổn định trên 90%.
Ông Hiếu cũng thông tin thêm, năm 2024 là năm thứ 8 liên tiếp, điểm thi môn tiếng Anh của học sinh TP.HCM đứng đầu cả nước, còn đối với môn Toán thì đứng thứ 3 của cả nước.
Theo ông Hiếu, TP.HCM là một trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, các điều kiện học tiếng Anh rất tốt. Phụ huynh cũng rất quan tâm và đầu tư cho việc học của con em mình. Bên cạnh đó, tại thành phố, 90% học sinh được học tiếng Anh ngay từ lớp 1 (còn theo chuẩn của Bộ GD&ĐT thì lớp 3 mới bắt buộc học tiếng Anh).
Năm 2024, TP.HCM có 84.046 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo kết quả được Bộ GD&ĐT công bố ngày 17/7, TP.HCM có tỷ lệ học sinh THPT đậu tốt nghiệp đạt 99.68%.
Căn cứ vào dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT công bố ngày 17/7, địa phương dẫn đầu cả nước về trung bình số điểm thi các môn thuộc về Vĩnh Phúc - 7,647 điểm - đây là năm thứ 2 liên tiếp đứng đầu cả nước.
Vị trí thứ hai thuộc về Ninh Bình với 7,20 điểm. Tỉnh này tăng một bậc so với năm ngoái. Tiếp đến là Nam Định ở vị trí thứ ba với tổng điểm trung bình 7,374. Năm nay, Bình Dương tụt 2 bậc, xuống vị trí thứ tư với 7,11 điểm.
Hà Nội, địa phương có nhiều thí sinh dự thi nhất cả nước, đứng thứ 11 (tăng 9 bậc) về điểm trung bình các môn. Còn TP.HCM từ thứ 11 tụt xuống vị trí 20.
Ở nhóm các địa phương có điểm trung bình thấp nhất, Hà Giang tiếp tục năm thứ 4 đội sổ với 5,69 điểm. Tiếp đến là Cao Bằng với 6,04 điểm.