Dấu ấn Hà Giang qua những cung đường đạp xe

10/04/2025, 10:57

VOVLIVE - Là người xây dựng các cung đường đạp xe cho khách và công ty du lịch, anh Huỳnh Quyết Thắng, 43 tuổi, TP.HCM luôn đánh giá cao Hà Giang bởi vẻ đẹp hài hòa của núi đồi trùng điệp, các thửa ruộng bậc thang cùng các con dốc ấn tượng.

Cung đạp xe tại Hà Giang thông thường nhóm anh Thắng xây dựng là: Hà Nội - Hà Giang 20km (ngày 1), Hà Giang – thị trấn Yên Minh 76km (ngày 2), huyện Yên Minh – huyện Mèo Vạc 50km (ngày 3), huyện Mèo Vạc – huyện Đồng Văn 21km, có đi thuyền sông Nho Quế (ngày 4), huyện Đồng Văn - huyện Yên Minh 55km (ngày 5), huyện Yên Minh - Hà Nội (ngày 6) khách ngồi xe, đi cùng xe tải chuyên chở xe đạp địa hình quãng đường 300km.

Trong số rất nhiều chuyến đi, cùng các nhóm đạp khác nhau đến Hà Giang, anh Thắng nhận thấy bản thân và các thành viên phấn khích trước dốc Bắc Sum. 

Là con dốc dài nhất Hà Giang, dốc Bắc Sum có chiều dài tổng cộng 7km và nằm ở độ cao hơn 450m so với mực nước biển. Dốc là đoạn đường đèo trên quốc lộ 4C, đồng thời là "cây cầu" nối liền địa phận hai xã Minh Tân (thuộc huyện Vĩnh Xuyên) và xã Quyết Tiến (thuộc huyện Quản Bạ). 

Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử khi là một trong những địa danh gắn liền với những năm tháng kháng chiến, con dốc còn là một trong những điểm đến tại nơi địa đầu Tổ quốc được nhiều người yêu thích. Đây cũng là đoạn đường dẫn đến những điểm check-in nổi tiếng khác như Cổng trời – Núi Đôi Quản Bạ, Con đường hạnh phúc ở Hà Giang...

Nếu đi bằng xe máy, du khách có thể di chuyển theo lộ trình như sau: trung tâm thành phố Hà Giang – Quốc lộ 2- Quốc lộ 4C - xã Minh Tân. Hành trình chinh phục dốc Bắc Sum với điểm xuất phát là cầu Bản Thang, thuộc địa phận xã Minh Tân.

Trong cung đạp 76km, từ trung tâm Hà Giang đi thị trấn Yên Minh, nhóm đạp của anh Thắng dừng lại tham quan làng dệt lanh Lùng Tám thuộc xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ. Đây là một ngôi làng nhỏ nổi tiếng với nghề dệt vải lanh truyền thống của người Mông. Người dân ở đây đã gìn giữ và phát triển nghề dệt lanh qua nhiều thế hệ, tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa. 

Trong hành trình đạp xe ở Hà Giang, nhóm đạp trung bình 20 người của anh Thắng lưu trú tại Hmong Resort thuộc xã Tráng Kìm, huyện Quản Bạ. Đây là một trong những khu nghỉ dưỡng cao cấp nhất hiện nay trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Giá một phòng 2 người từ 2,5 – 4 triệu.

Nhìn từ resort này, ánh nắng Mặt Trời dần lên cao sau những đồi núi trập trùng là một quang cảnh ngoạn mục. "Sự kết hợp hài hòa giữa ruộng lúa bậc thang và các rặng núi ở phía xa làm cho khung cảnh trở nên lãng mạn, đặc biệt là lúc hoàng hôn", anh Thắng chia sẻ.

Anh Thắng cho biết, thời gian đẹp nhất để đạp xe địa hình đồi núi là từ tháng 6 đến cuối tháng 11. Lúc này có mưa, tuy nhiên sau cơn mưa bầu trời trong xanh, thỉnh thoảng có sương mỏng. Khi nắng lên, cảnh vật tràn đầy sức sống, thúc giục các thành viên tiến về phía trước. 

Đường DT176 xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn là một trong những con đường dốc khác không kém phần thách thức các thành viên trong nhóm đạp xe Cào Cào Adventures. Khúc quanh co nối liền giữa hai thị trấn Yên Minh và Mèo Vạc mê hoặc các du khách phương xa bởi màu xanh núi đồi. Tại đây có dốc chữ M “huyền thoại” tại xã Sủng Trái là cung đường mà người đam mê thể thao xe đạp mong muốn chinh phục. 

Đây là một trong những điểm nhấn của cung đường đạp xe, với độ dài khoảng 3km từ xã Mậu Duệ (huyện Yên Minh) đến xã Lũng Phìn (huyện Đồng Văn) đi qua những vách đá, cảnh quan đồi núi hoang sơ.

Khung cảnh đầu tiên lọt vào tầm mắt khi đến đầu dốc đó là vẻ đẹp của dãy núi ngang qua, bao quanh lấy thung lũng nơi có chữ M nằm giữa một không gian rộng lớn, bao lấy những góc cua hoàn hảo của những khúc cua tay áo. Mỗi khi tới với khúc cua này, ai ai trong nhóm đạp xe cũng ồ lên trước hình hài độc đáo của con dốc. 

Trên quốc lộ 4C thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi huyện Mèo Vạc và xã Tả Lủng huyện Đồng Văn, trong cao nguyên đá Đồng Văn, độ cao khoảng 1.200 - 1.600 m so với mặt nước biển, đèo Mã Pí Lèng được du khách xếp vào nhóm "tứ đại đỉnh đèo" của vùng núi phía Bắc Việt Nam, cùng với Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.

Cách thành phố Hà Giang 172km, điểm đến quen thuộc của nhóm đạp xe khi đến Hà Giang là phố cổ Đồng Văn, thuộc thị trấn Đồng Văn. Phố cổ nằm trên cao nguyên đá, ở độ cao từ 1.000 – 1.600m. Phong cách kiến trúc của toàn bộ khu phố cổ đã giữ được tính độc đáo của người Mông, Tày và người Hoa, với khoảng 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Bức tranh phố cổ Đồng Văn càng trở nên sống động nhờ màu vàng rực của ánh nắng và màu xám của các kiến trúc cổ.

Nơi đây bao gồm một ngôi chợ được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1925 đến 1928. Khi nhìn từ trên cao, chợ có kết cấu hình chữ U thuận tiện cho việc mua bán, trao đổi. Vì kiến trúc của chợ được thiết kế theo phong cách Việt - Hoa nên sự giao thoa cũng đặc biệt tinh tế, phù hợp với miền cao nguyên núi đá với những dãy cột đá to, vuông vức được đục đẽo khá tinh xảo. Nhìn tổng thể, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ trên cao...

Buổi sớm, bức tranh phố cổ Đồng Văn là sự pha trộn đến tài tình hai tông màu: màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ. Vào đêm cuối tuần, quán xá lại rộn ràng với những chàng trai, cô gái bản vui chơi cùng các du khách quốc tế đến tham quan và lưu trú tại phố cổ.

Trong vô số các cung đạp, nhóm anh Thắng ấn tượng đoạn đường thuộc dốc Chín Khoanh, xã Phố Cáo và Sủng Là cùng với những khúc cua liên tiếp có độ dốc khá lớn, hệt như tên gọi của nó. 

Đi thuyền trên sông Nho Quế là một hoạt động thú vị của nhóm. Sông bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua Việt Nam với chiều dài 192km phần trong Việt Nam dài 46km. Màu xanh đặc trưng trên nền cao nguyên đá đen thẫm tạo nên một dòng sông đặc biệt. Hơn cả một thắng cảnh, đó còn là con sông biên giới ghi dấu ấn của nhiều thế hệ người Việt bám biên giữ đất. Đi thuyền trên sông Nho Quế không chỉ ngắm sông mà còn ngắm nhìn hẻm vực Tu Sản với vách đá cao lên đến 700-800m và độ sâu gần 1.000m. 

Dinh thự nhà họ Vương, hay Dinh thự Vua Mèo, là một công trình kiến trúc đồ sộ tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Được xây dựng từ năm 1898 đến 1907, dinh thự có diện tích gần 3.000 m2, bao gồm một tòa nhà chính rộng hơn 1.200 m2 và chia thành 64 phòng. Kiến trúc là sự kết hợp độc đáo giữa phong cách Trung Quốc, Mông và Pháp. Với nhóm đạp xe, thời gian tham quan dinh thự cũng là lúc cả nhóm được nghỉ ngơi.

Chợ phiên Sà Phìn được họp ngay trước dinh thự Vua Mèo tại thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn. Nét đặc trưng của chợ là họp lùi bớt một ngày trong tuần. Nếu tuần này chợ diễn ra vào Chủ nhật thì tuần sau sẽ là thứ Bảy. Cách gọi này do du khách miền xuôi thấy hay nên gán thêm vào tên cho chợ. Chợ họp vào các ngày 5, 11, 17, 23, 29 âm lịch hằng tháng, nhằm ngày Tỵ và ngày Hợi.

Bài liên quan
Doanh nghiệp mong có nhiều bộ phim, MV quảng bá du lịch Hà Giang
Theo các doanh nghiệp lữ hành, cần có nhiều bộ phim lấy bối cảnh tại Hà Giang, làm nổi bật cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp tại đây để du khách dễ hình dung, ghi nhớ và muốn đến Hà Giang mà không quản ngại đường xa.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hội nghị Trung ương 11: Thời điểm lịch sử - quyết sách đột phá
VOVLIVE - Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 sẽ thảo luận hàng loạt chủ trương lớn mang tính đột phá, bởi như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử.
Mới nhất