Bộ GTVT cho biết, từ tháng 12/2022 đến nay, nhiều lãnh đạo, đăng kiểm viên tại 7 trung tâm và 2 chi cục đăng kiểm đã bị khởi tố, bắt tạm giam, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng người làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Mặc dù Cục Đăng kiểm Việt Nam đang chủ động làm việc và đề nghị Sở GTVT, cơ quan công an các địa phương tạo điều kiện, cho phép trung tâm đăng kiểm đang bị tạm dừng do liên quan đến công tác điều tra sai phạm được sử dụng lại cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, hạ tầng để hoạt động trở lại, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Song, việc khôi phục các trung tâm đăng kiểm hiện gặp khó khăn do thiếu nhân lực.
Hiện nay, một số trung tâm đăng kiểm được mở cửa trở lại sau khi bị tạm dừng hoạt động như 50-03V, chi nhánh 50-03V, 50-05V, 50-07V (ở TP. HCM) và 29-01V, 29-06V (ở TP Hà Nội) cũng chỉ duy trì được từ 1-2 dây chuyền hoạt động do không đủ nhân lực.
Trong khi đó, theo dự báo của một số trung tâm đăng kiểm, nhu cầu kiểm định xe của người dân sẽ tăng cao trở lại vào tháng 4/2023. Do đó, “việc bổ sung nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ đăng kiểm viên cho Cục Đăng kiểm Việt Nam để đáp ứng nhu cầu đăng kiểm phương tiện của người dân và doanh nghiệp là rất cần thiết và cấp bách, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng ùn tắc, quá tải nghiêm trọng, người dân và doanh nghiệp bức xúc vì không được kiểm định đúng hạn”, Bộ GTVT nhấn mạnh.
Cần bổ sung bao nhiêu đăng kiểm viên?
Hiện nay, các đơn vị đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam có 13 trung tâm với số lượng dây chuyền kiểm định 53, số lượng đăng kiểm viên cần có là 212 người, trong đó cần khoảng 60 đăng kiểm viên bậc cao.
Ngoài ra, Phòng Kiểm định xe cơ giới là phòng tham mưu, quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam hiện cũng cần 30 đăng kiểm viên (trong đó có 25 đăng kiểm viên bậc cao).
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, để duy trì hoạt động đúng, đủ chức năng, toàn bộ hệ thống của Cục Đăng kiểm Việt Nam (không tính các đơn vị đăng kiểm thuộc Sở GTVT địa phương và các đơn vị của tư nhân) cần khoảng 240-250 đăng kiểm viên (trong đó có 90 đăng kiểm viên bậc cao).
Hiện nay, toàn bộ hệ thống này đang có 198 đăng kiểm viên (trong đó có 103 đăng kiểm viên bậc cao). Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 66 đăng kiểm viên bị khởi tố (54 người bị tạm giữ, 12 người được tại ngoại). Do đó, hệ thống đang thiếu hụt khoảng 110 đăng kiểm viên (tương đương khoảng 44%).
Theo quy định hiện hành, việc tuyển dụng người làm việc tại các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm phải mất ít nhất 60 ngày, trong khi đó, nhu cầu bổ sung nhân sự để các đơn vị duy trì hoạt động rất cấp bách. Vì vậy, để gấp rút bổ sung nhân lực, Cục Đăng kiểm đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT đề nghị có ý kiến với Bộ Nội vụ cho phép được ký hợp đồng lao động cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định.
Nhằm hỗ trợ Cục Đăng kiểm Việt Nam tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nhân lực trong giai đoạn hiện nay, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam tuyển đăng kiểm viên theo đề xuất của Cục này.
Căn cứ đưa ra đề nghị trên của Bộ GTVT dựa theo Nghị định 111/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó quy định: “Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ký kết hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở vị trí việc làm do viên chức đảm nhiệm theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đơn vị”.
Bộ GTVT cho biết: Từ khi thành lập (ngày 25/4/1964) đến nay, Cục Đăng kiểm luôn thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính; Cục không được giao biên chế công chức, viên chức và không hưởng lương từ ngân sách nhà nước./.