Cuộc chiến Trump - Harris: Tỷ lệ tranh cử sít sao, khó đoán định

04/11/2024, 10:13

VOVLIVE - Khi ngày bầu cử 5/11 tới gần, chính trường Mỹ ngày càng “nóng” hơn với màn rượt đuổi sát sao giữa ông Trump và bà Harris vào Nhà Trắng.

Từ những ngày đối đầu đầu tiên giữa cựu Tổng thống Donald Trump và phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris, hai ứng viên đã luôn bám sát nhau trong những cuộc thăm dò cử tri. Kết quả thăm dò mới đây của AtlasIntel (công ty có trụ sở tại Brazil) cho thấy ông Trump đang dẫn trước đối thủ 1 - 2 điểm phần trăm tỷ lệ ủng hộ. Tuy nhiên, cuộc thăm dò riêng biệt của công ty TIPP Insights chỉ ra rằng, ông Trump và bà Harris có tỷ lệ ủng hộ ngang nhau.

Theo công cụ theo dõi National Polls của trang FiveThirtyEight (Mỹ), tính đến ngày 31/11, bà Harris vẫn đang dẫn trước ông Trump 1 - 2 điểm phần trăm về tỷ lệ ủng hộ. Tuy nhiên, tỷ lệ này nằm trong phạm vi sai số. Điều đó cho thấy cuộc cạnh tranh giữa ông Trump và bà Harris là rất sít sao.

Cuộc chiến Trump - Harris: Tỷ lệ tranh cử sít sao, khó đoán định - 1

Có một điều cần lưu ý là kết quả thăm dò chỉ phản ảnh một phần cuộc bầu cử. Nhìn lại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, các cuộc khảo sát khi đó cho rằng bà Hillary Clinton sẽ thắng cử. Kết quả, người chiến thắng lại là ông Donald Trump. Do đó, khi 2 ứng viên vẫn bám đuổi sát nút như hiện nay, càng khó để nói ai sẽ là người chiếm ưu thế và có thể dành chiến thắng chung cuộc.

Để nhìn rõ hơn toàn ảnh màn so găng Trump - Harris năm nay, TS Ngô Di Lân -Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao, có những nhận định, chia sẻ với báo điện tử VTC News về vấn đề này.

- Xin ông cho biết điểm đáng chú ý về bối cảnh nước Mỹ và thế giới trước cuộc bầu cử năm 2024? Điểm giống và khác giữa các cuộc bầu cử 2024 với 2000?

Bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 có nhiều điểm đặc biệt đáng chú ý. Về kinh tế, Mỹ đang cho thấy các dấu hiệu ổn định khi lạm phát đã giảm xuống gần với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang. Tăng trưởng GDP ở mức 2,8% trong quý III năm 2024, trong khi tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức tương đối thấp là 4,1%. Đặc biệt, niềm tin tiêu dùng đang có xu hướng cải thiện rõ rệt.

Về địa chính trị, năm 2024 chứng kiến nhiều biến động lớn với các cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông, tạo áp lực đáng kể lên vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Đáng chú ý, đây cũng là năm diễn ra hơn 60 cuộc bầu cử trên toàn cầu, chiếm tới 40% dân số và GDP thế giới.

So sánh với năm 2000, có những khác biệt rất đáng kể. Nếu như năm 2000 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thịnh vượng và môi trường quốc tế tương đối ổn định, cuộc đua năm 2024 lại diễn ra trong một thế giới đầy biến động. Về chính trị nội bộ, cả hai thời điểm đều chứng kiến sự phân cực trong xã hội Mỹ, nhưng năm 2024 còn có thêm tình huống đặc biệt khi Tổng thống đương nhiệm rút lui, nhường chỗ cho Phó Tổng thống Harris đối đầu với ông Trump. Điều này tạo nên một kịch bản chưa từng có trong lịch sử bầu cử Mỹ hiện đại.

Cuộc chiến Trump - Harris: Tỷ lệ tranh cử sít sao, khó đoán định - 2

- Ông nghĩ đâu là lợi thế từng ứng viên trước cuộc bỏ phiếu năm nay?

Về lợi thế của từng ứng viên trong cuộc đua năm nay, mỗi người đều có những điểm mạnh riêng biệt.

Với bà Harris, thế mạnh nổi bật nhất là sự ủng hộ từ các nhóm cử tri đa dạng. Bà nhận được sự tin tưởng đặc biệt từ cử tri nữ, với tỷ lệ ủng hộ cao hơn ông Trump tới 13 điểm phần trăm. Bà cũng được đánh giá cao hơn về các phẩm chất cá nhân như tính trung thực và khả năng làm hình mẫu lãnh đạo. Trong các vấn đề chính sách, bà Harris chiếm ưu thế rõ rệt về biến đổi khí hậu, quyền phá thai và chăm sóc sức khỏe.

Về phía ông Trump, điểm mạnh lớn nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Cử tri vẫn đánh giá cao năng lực điều hành kinh tế của ông, đặc biệt là khả năng kiểm soát lạm phát. Ông cũng giữ lợi thế trong các vấn đề như nhập cư và an ninh biên giới. Đáng chú ý, ông Trump đã mở rộng được liên minh cử tri của mình, bao gồm cả một bộ phận cử tri gốc Hispanic, nam giới da màu và giới công nhân có tổ chức.

Điều thú vị là cả hai ứng viên đều có những điểm mạnh bổ trợ cho những điểm yếu của đối thủ, tạo nên một cuộc đua sít sao, khó đoán định.

- Một diễn biến đáng chú trong cuộc bầu cử năm nay là việc ông Trump sống sót sau các vụ ám sát hụt. Liệu sự ủng hộ của các cử tri đối với ông Trump có thay đổi sau những lần ông bị ám sát hụt?

Những vụ mưu sát nhằm vào ông Trump đã tạo ra những tác động đáng kể đến diễn biến cuộc bầu cử. Ngay sau vụ việc vào tháng 7, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump tăng đáng kể, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Đặc biệt, nhiệt tình ủng hộ trong số những người đã sẵn ủng hộ ông tăng mạnh từ 70% lên tới 85%.

Tuy nhiên, hiệu ứng này rất có thể chỉ mang tính nhất thời, tương tự như trường hợp của Tổng thống Reagan sau vụ ám sát hụt trong quá khứ. Sự chú ý của cử tri nhanh chóng chuyển sang các vấn đề khác, đặc biệt là sau khi Tổng thống Biden rút lui và Phó tổng thống Harris tham gia cuộc đua.

Đáng chú ý là các sự cố này đã làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc trong dư luận về bạo lực chính trị. Một khảo sát cho thấy có tới 86% người Mỹ lo ngại các hành động bạo lực có thể đẩy đất nước vào hỗn loạn. Điều này cũng dẫn đến những thay đổi lớn trong cách thức vận động tranh cử, với việc tăng cường biện pháp an ninh và điều chỉnh quy mô các sự kiện vận động.

Cuộc chiến Trump - Harris: Tỷ lệ tranh cử sít sao, khó đoán định - 3

- Việc bà Harris là người da màu, nữ giới ảnh hưởng nhiều đến kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng không? Liệu cử tri Mỹ có thực sự sẵn sàng đón nhận vị Tổng thống nữ, da màu đầu tiên trong lịch sử?

Yếu tố nữ giới và sắc tộc của bà Harris có những ảnh hưởng nhất định đến động lực bầu cử, nhưng không phải là yếu tố quyết định. Về mặt số liệu, bà nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhóm cử tri truyền thống của đảng Dân chủ như cử tri nữ (54%so với 44%), cử tri gốc Phi (84%) và gốc Á (61%).

Tuy nhiên, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, bà Harris cần vượt ra ngoài các nhóm cử tri cốt lõi này và thu hút được cả cử tri đảng Cộng hòa, những người thường quan tâm nhiều hơn đến các chính sách cụ thể hơn là yếu tố căn tính. Đó có lẽ là lý do chiến dịch tranh cử của bà tập trung vào năng lực và lập trường chính sách thay vì nhấn mạnh vào việc có thể trở thành nữ tổng thống da màu đầu tiên. Thực tế, 65% cử tri cho biết yếu tố lịch sử này không phải là điều quyết định lựa chọn của họ.

Về câu hỏi liệu cử tri Mỹ đã sẵn sàng đón nhận một tổng thống nữ da màu hay chưa, các số liệu cho thấy xu hướng tích cực khi cử tri ngày càng tập trung vào năng lực và chính sách của ứng viên. Tuy nhiên, thách thức của bà Harris không nằm ở việc phá vỡ rào cản về giới và sắc tộc, mà là ở khả năng thuyết phục được các cử tri đang đặt nặng vào các vấn đề như kinh tế, an ninh biên giới và chính sách đối ngoại.

- Theo ông, nhóm cử tri nào sẽ đóng vai trò quyết định đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024?

Có một số nhóm cử tri được đánh giá sẽ đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cửnăm nay.

Trước hết phải kể đến nhóm cử tri mới. Tính đến nay đã có gần 60 triệu phiếu bầu sớm, trong đó đáng chú ý là số lượng cử tri mới tại các bang chiến địa. Chẳng hạn tại Pennsylvania, số cử tri mới đã bỏ phiếu (100.000) vượt qua cả khoảng cách chiến thắng của ông Biden năm 2020 (80.555 phiếu).

Nhóm thứ hai có ảnh hưởng lớn là cử tri nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng ngoại ô. Khảo sát cho thấy họ nghiêng về phía bà Harris với tỷ lệ 55% so với 41% ủng hộ ông Trump. Sự chênh lệch này còn rõ rệt hơn ở nhóm cử tri trẻ.

Bên cạnh đó, nhóm cử tri dao động (swing voters) cũng sẽ đóng vai trò then chốt. Họ thường là những người trẻ, đa dạng về sắc tộc, không gắn bó chặt chẽ với bất kỳ đảng phái nào và đặc biệt quan tâm đến các vấn đề kinh tế. Theo thống kê, 33% cử tri dao động coi kinh tế là mối quan tâm hàng đầu.

Với những đặc điểm này, có thể thấy kết quả cuộc bầu cử sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc hai ứng viên thuyết phục được những nhóm cử tri then chốt này bằng các chính sách cụ thể, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Cuộc chiến Trump - Harris: Tỷ lệ tranh cử sít sao, khó đoán định - 4

- Những bang nào sẽ là bang chiến địa trong cuộc bầu cử năm nay? Lợi thế đang thuộc về ông Trump hay bà Harris ở các bang?

Cuộc bầu cử năm nay tập trung vào bảy bang được coi là chiến địa chính: Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin. Đây là những bang có số phiếu đại cử tri đáng kể và thường xuyên có sự cạnh tranh gay gắt giữa hai đảng.

Hiện tại, ông Trump đang có lợi thế nhỏ tại năm bang chiến địa quan trọng là Georgia, Pennsylvania, North Carolina, Nevada và Arizona. Tuy nhiên, khoảng cách dẫn trước đều dưới 2,4 điểm phần trăm, nằm trong phạm vi sai số thống kê. Về phía bà Harris, bà đang dẫn điểm tại Wisconsin và Michigan, nhưng cũng với cách biệt rất mong manh.

Với bản đồ bầu cử hiện tại, ông Trump có thể đạt 287 phiếu đại cử tri nếu thắng tại Georgia, Pennsylvania, North Carolina, Nevada và Arizona. Trong khi đó, con đường đến Nhà Trắng của bà Harris đòi hỏi phải thắng ở Wisconsin, Michigan, Pennsylvania và giành thêm một phiếu đại cử tri từ Nebraska để đạt đúng 270 phiếu cần thiết.

Đáng chú ý là số liệu bỏ phiếu sớm cho thấy khoảng cách giữa hai đảng đã thu hẹp so với năm 2020. Cử tri đảng Dân chủ chiếm 41% so với 39% của đảng Cộng hòa, trong khi năm 2020 tỷ lệ này là 45% so với 36%.

- Các kịch bản của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024? Có tái diễn việc bác kết quả bầu như năm 2000 nếu ông Trump thất cử?

Dựa trên số liệu thăm dò mới nhất tổng hợp bởi New York Times, có thể phác thảo ba kịch bản chính cho cuộc bầu cử năm nay.

Kịch bản cơ sở cho thấy bà Harris đang có 226 phiếu đại cử tri chắc chắn, trong khi ông Trump có 219 phiếu. Với 270 phiếu cần thiết để chiến thắng, cả hai đều phải giành thêm phiếu từ các bang chiến địa.

Kịch bản thuận lợi cho ông Trump. Nếu ông thắng tất cả các bang mà ông đang dẫn điểm trong các cuộc thăm dò - dù chỉ với cách biệt nhỏ, ông có thể đạt 287 phiếu đại cử tri. Điều này dựa trên việc giành chiến thắng tại Pennsylvania (+1), Nevada(+1), North Carolina (+1), Georgia (+2) và Arizona (+3).

Kịch bản thuận lợi cho bà Harris. Nếu các cuộc thăm dò đang đánh giá thấp sự ủng hộ dành cho bà, bà có thể đạt 276 phiếu đại cử tri bằng cách giữ vững Michigan và Wisconsin (nơi bà đang dẫn điểm nhẹ), đồng thời lật ngược tình thế tại Pennsylvania và Nevada (nơi khoảng cách đang chỉ dưới 1%).

Đáng chú ý, tại tất cả các bang chiến địa, khoảng cách giữa hai ứng viên đều rất sát sao, hầu hết dưới 1-2%. Điều này khiến kết quả cuối cùng khó dự đoán và có thể phải đợi đến khi kiểm đếm xong toàn bộ phiếu bầu mới có thể xác định người chiến thắng.

- Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Phát biểu của Tổng Bí thư tại lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị
Ngày 12/12, Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức lễ kỉ niệm 80 năm Ngày truyền thống (22/12/1944 - 22/12/2024) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương tới dự và phát biểu tại buổi lễ. VOV.VN trân trọng đăng toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Mới nhất