"Cuộc chiến cam go" - Cuốn sách hơn vạn lời nói của một Trung tá Công an

Ý Dịu/VOV2 (Thực hiện) Ảnh: NVCC | 19/02/2024, 21:14

Sau cuốn sách "Công an phố cổ", Trung tá Phạm Cánh Quân, Đội phó Đội Cảnh sát Điều điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa ra mắt cuốn "Cuộc chiến cam go" đi sâu, khắc họa rõ nét tội phạm và công tác phòng chống ma túy.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Cảnh sát điều tra của Học viện Cảnh sát, Trung tá Phạm Cánh Quân đã trải qua 6 năm phụ trách mảng hình sự ở phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tháng 6/2007, khi đội ma túy thiếu cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác điều tra, anh viết đơn tình nguyện chuyển về với ước mong được sử dụng hết các nghiệp vụ điều tra của mình.

Không chỉ trực tiếp tham gia điều tra phá án, Trung tá Phạm Cánh Quân còn được biết đến như một chuyên gia truyền thông phòng chống ma túy tại trường học bằng việc tham gia các buổi nói chuyện, chia sẻ với học sinh các cấp trên địa bàn Hà Nội với mong muốn giúp các em nhận diện, nâng cao nhận thức về các loại ma túy, tác hại để phòng tránh.

Lần lượt 2 cuốn sách được anh xuất bản trong 2 năm góp thêm tư liệu cho công tác truyền thông đẩy lùi tội phạm, đặc biệt tội phạm ma túy. Nhân dịp cuốn sách thứ 2 có nhan đề "Cuộc chiến cam go" ra mắt độc giả, phóng viên VOV2 đã có cuộc phỏng vấn Trung tá Phạm Cánh Quân.

PV:Trước tiên xin chúc mừng anh đã ra mắt cuốn sách thứ 2 với nhan đề "Cuộc chiến cam go". Một người làm công tác điều tra tội phạm ma túy với vô vàn phần việc khác nhau, điều gì thôi thúc anh dù rất bận rộn nhưng vẫn viết sách?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Tôi vừa hoàn thành và xuất bản cuốn “Cuộc chiến cam go” viết về tác hại của các chất ma túy và công tác phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đây là cuốn sách thứ hai sau cuốn "Công an phố cổ" viết về 6 năm tôi công tác tại cơ sở là Công an phường Hàng Trống.

Cuốn sách đầu tiên, động lực khiến tôi viết bắt đầu từ suy nghĩ rằng hầu như các nhà văn, nhà báo viết về công an chủ yếu viết các câu chuyện trinh thám, ly kỳ, điều tra phá án nhưng về đề tài cơ sở thì không thấy ai viết. Công an phường thuộc cơ sở thấp nhất trong hệ thống hành chính. Cấp trên có gì thì dưới phường có đấy, từ công tác an ninh nắm tình hình, quản lý hành chính, nắm hộ, nắm dân, quản lý đối tượng, giải quyết trật tự đô thị cho đến bảo vệ hiện trường, phối hợp điều tra khám phá các vụ án, vụ việc... Đủ thứ việc được ví như “Trăm dâu đổ đầu tằm”.

Trong 6 năm tại cơ sở, chất liệu vụ việc, vụ án đối tượng rất nhiều, rất phí nếu không viết. Thêm nữa một cuốn sách thì có tác dụng tuyên truyền rộng rãi, bao trùm hơn. "Một cuốn sách hơn vạn lời nói" sẽ tác động, ảnh hưởng đến nhiều người hơn. Do đó tôi quyết tâm viết cuốn sách ký này, và cuốn sách "Công an phố cổ" dành tặng cho các chiến sỹ công an đang vất vả ngày đêm bảo vệ bình yên cuộc sống, cho những người yêu mến, muốn tìm hiểu về công an cấp phường, về cuộc sống, con người phố cổ qua một lăng kính khác, dưới con mắt của một chiến sỹ công an.

Còn về cuốn sách "Cuộc chiến cam go", điều thôi thúc tôi viết là bởi hiện nay chúng ta đang ở thời đại công nghệ số 4.0, thế giới mạng ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Ngoài tích cực thì bản thân nó cũng ẩn chứa nhiều những yếu tố tiêu cực. Có thể kể đến các trang mạng đen quảng cáo, hướng dẫn cách sử dụng ma túy, có cả các đối tượng bán ma túy trên đó. Cùng với đó, nhiều loại ma túy mới rất khó nhận biết phát hiện như nước vui, trà sữa, bùa lưỡi, ma túy tồn tại dưới dạng thức ăn như bánh lười cần sa hay như thuốc lá điện tử, shisha có thể tẩm tinh dầu cần sa, cỏ mỹ... là biến thành chất ma túy. Chất gây nghiện ngụy trang qua mặt lực lượng chức năng, là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, trôi nổi ngoài thị trường.

Ma túy dễ mua, dễ sử dụng hơn, ngụy trang dưới nhiều hình thức hơn…Gia đình, nhà trường hay lực lượng chức năng cũng khó kiểm soát hơn. Trong khi đó, các bạn trẻ, các bạn học sinh thích khám phá, thích cái mới lạ, nhưng lại không có kỹ năng trong cuộc sống dễ bị dụ dỗ lôi kéo dùng ma túy. Do làm công tác đấu tranh trong lĩnh vực này đã 17 năm, cũng đi tuyên truyền nhiều nên thấy rất nhiều bạn trẻ bị sa ngã do không nắm và phân biệt được các chất ma túy, cá nhân tôi thấy quá trình thay đổi từ ma túy truyền thống cho đến các loại ma túy mới hiện nay nhanh chóng và hết sức phức tạp.

Ma túy hiện nay gắn nhiều đến bar sàn, nơi vui chơi giải trí. Tôi thấy phòng ngừa luôn hiệu quả và giá trị hơn đấu tranh rất nhiều. Từ đó, tôi quyết định viết cuốn sách về các loại chất ma túy từ cũ đến mới, cho đến các loại ma túy thông dụng hiện nay, tác hại của các chất ma túy, cách phòng tránh với hi vọng sẽ rất có ích cho các bạn trẻ, các gia đình nhằm cùng đồng hành trong giáo dục, phòng ngừa cho con em mình, tránh xa tệ nạn này.

Ngoài ra, người đọc hiểu được sự vất vả, nguy hiểm của cuộc chiến chống ma túy cực kỳ cam go, quyết liệt và lâu dài. Cuộc chiến này không phải chỉ của các lực lượng như công an, hải quan, bộ đội biên phòng…mà phải của toàn xã hội từ gia đình, nhà trường cho đến các cấp, các ngành…

PV: Hai năm ra 2 đầu sách cùng một chủ đề thì đâu là những thách thức với tay viết không chuyên, thưa anh?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Vạn sự khởi đâu nan. Cuốn đầu tiên bao giờ cũng khó viết nhất. Dù tư liệu đầy ắp nhưng khó nhất với cây viết không chuyên nằm ở việc xây dựng cốt truyện, chia theo từng mảng, từng chương. Kể chuyện về các vụ án, các công việc hàng ngày của các chiến sỹ công an nhưng không làm cho người đọc cảm giác nhàm chán. Ban đầu tôi thấy khó lắm vì không biết bắt đầu từ đâu, viết xong sửa lại rất nhiều. Sau khi dựng được bố cục logic và càng viết thì thấy càng mở mang ra nhiều rồi nó như là thác nước, cứ thế tuôn chảy. Ngoài ra, tôi cũng được một vài bạn học cùng cấp 3 Chu Văn An đóng góp thêm về cách hành văn. Đặc biệt nhà văn Nguyễn Bắc Sơn với vai trò người thầy, dạy tôi cách viết, cách xây dựng bố cục, có chỉnh sửa thêm một số lỗi cho cuốn sách thêm hoàn chỉnh.

Cuốn sách thứ hai, bản thân tôi đã có kinh nghiệm hơn. Nhưng ban đầu bắt tay vào viết cũng khó khăn trong định hình bố cục. Do dữ liệu cuốn sách muốn truyền tải rất nhiều, nếu viết không khéo sẽ có rất nhiều nội dung bị trùng lặp và nặng nề. Về sau cuốn "Cuộc chiến cam go" được xây dựng thành 10 chương. 6 chương đầu tập trung vào từng loại ma túy phổ biến trên thị trường, từ loại chất ma túy, đặc trưng với người sử dụng cho đến tác hại và các nguy hại đem lại, đặc thù trong công tác phòng chống đối với từng loại ma túy. 4 chương còn lại viết về cạm bẫy do ma túy và tội phạm ma túy giăng ra, những người đã hoàn lương, từ bỏ được ma túy cũng như những vất vả, nguy hiểm của lực lượng làm công tác phòng chống ma túy. Cũng may tôi được một số góp ý quý báu từ người thầy, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn; trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân; nhà báo Nguyễn Như Phong nên cuốn sách khắc phục được những yếu tố dễ gặp của người viết không chuyên.

PV:Sách về ma tuý, về tệ nạn xã hội sẽ đụng chạm nhiều người. Anh làm thế nào để xử lý những tình huống có thể xảy đến nếu nhân vật không muốn xuất hiện?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Các vụ án tôi lấy làm chất liệu trong cuốn sách đều thuộc những vụ việc, vụ án đã đăng báo hay xét xử công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên để đảm bảo bí mật, nhiều trường hợp tôi viết theo cách dùng biệt danh của nhân vật thường được gọi, được dùng trong xã hội mà nếu người quan tâm đến vụ án hoặc cộng đồng bị tác động bởi câu chuyện, nhân vật có thể nhận diện.

Còn độc giả có thể hình dung được tình huống, những mẹo mực được đối tượng sử dụng nhưng không biết được đang nói đến ai. Ngoài ra để đảm bảo quyền riêng tư tôi cũng không khai thác khía cạnh đời tư của các nhân vật trong cuốn sách.

PV: Những cuốn sách đem lại cho anh điều gì thú vị và trở thành động lực cho công việc viết lách cũng như phòng chống ma tuý?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Tôi cho rằng khi đọc hai cuốn sách này, mọi người sẽ hiểu hơn về lực lượng công an, về các chiến sỹ công tác tại cấp cơ sở, thấp nhất là công an phường xã, cho đến các cán bộ làm công tác phòng chống tội phạm ma túy hết sức vất vả, khó khăn và cuộc chiến này cũng vô cùng nguy hiểm, cam go, quyết liệt. Mọi người tin tưởng và thông cảm nhiều hơn với lực lượng công an cũng sẽ thuận lợi rất nhiều cho công việc hiện tại của tôi và các đồng nghiệp.

Ngoài ra để viết được tôi cũng phải hệ thống, đúc rút, cô đọng lại các kiến thức lý luận và thực tế trong công tác quản lý địa bàn hay phòng chống tội phạm. Từ đó bản thân mình nâng cao thêm kỹ năng trong công tác chuyên môn, giúp ích rất nhiều trong công việc và thêm chất liệu để đồng nghiệp sử dụng trong công tác.

Các kiến thức tôi viết trong hai cuốn sách, đặc biệt cuốn "Cuộc chiến cam go" viết rất sâu về phòng chống tội phạm ma túy nên làm tài liệu tôi sử dụng khi làm công tác tuyên truyền, giảng dạy.

Khi xuất bản hai cuốn sách tôi có cơ hội biết thêm và kết bạn với nhiều bạn bè trong, ngoài ngành công an, cả các nhà văn, nhà báo có công việc liên quan đến công việc chuyên môn. Rất nhiều chương trình giảng dạy, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên truyền thông, truyền hình được thực hiện do mọi người biết đến hai cuốn sách này của tôi.

PV:Hai cuốn sách, một tập trung vào công việc của một công an cấp cơ sở, một chuyên sâu về tội phạm ma túy ra đời trong khoảng thời gian 2 năm, giữa bề bộn công việc. Có điều gì khi nhìn lại anh còn cảm thấy tiếc khi 2 cuốn sách xuất bản?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Nếu có nhiều thời gian, không bị quá bận rộn tôi sẽ viết sâu, rộng và chi tiết hơn nữa. Vì rất nhiều sự kiện trong quá trình công tác, điều tra, khám phá các vụ án tôi chưa thể nhớ ngay trong một khoảng thời gian ngắn. Đôi khi cứ dần dần nó mới hồi tưởng lại. Nhưng cơ bản việc cố gắng đưa mình vào khuôn khổ công việc, tự ép tiến độ ra sách trong bề bộn công việc cũng giúp tôi hoàn thiện khả năng thu xếp công việc khoa học và hiệu quả hơn.

PV: Được biết anh tham gia nhiều công tác truyền thông ở trường học, các phường, xã trong công tác phòng chống ma túy. Xin anh cho biết những dự kiến về sách hoặc hình thức nào đó góp cho công cuộc đẩy lùi ma tuý và giữ bình yên cho cộng đồng?

Trung tá Phạm Cánh Quân: Nếu có đủ chất liệu tôi muốn viết một cuốn sách về giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho trẻ em. Quá trình ảnh hưởng đến hình thành tính cách của các em, các vấn đề cần quan tâm hiện nay như thế giới mạng ảo, game, các trò chơi không lành mạnh cũng như các chất ma túy thế hệ mới như thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến giới trẻ.

Ngoài ra, tôi vẫn cố gắng làm công tác chuyên môn của mình và sắp tới tôi vẫn đi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỹ năng nhận biết các chất ma túy, tác hại và cách phòng chống ma túy cho mọi tầng lớp trong xã hội đặc biệt là cho học sinh.

PV: Xincảm ơn Trung tá Phạm Cánh Quân.

Bài liên quan
Đấu tranh với tội phạm ma tuý trên tuyến biên giới Sơn La
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Sơn La, hàng loạt vụ buôn bán, vận chuyển ma túy lớn đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, góp phần làm giảm đáng kể tội phạm ma túy tại khu vực biên giới, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất