Cứ sau 5 năm số vụ việc phòng vệ thương mại lại tăng gấp đôi

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN | 22/12/2022, 08:12

Các biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng mở rộng ra nhiều thị trường và các tiêu chuẩn điều tra cũng như các yêu cầu cũng có xu hướng chặt chẽ và khắt khe hơn.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thông qua quá trình thực thi các FTA thế hệ mới. Đây vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, khi nhiều nền kinh tế gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) để bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Điều này gây ra nguy cơ cao và khó lường khi Việt Nam tập trung xuất khẩu vào những thị trường thường xuyên sử dụng các biện pháp PVTM như Mỹ, EU, hay những thị trường hàng hóa Việt Nam đang gia tăng xuất khẩu như Canada, ASEAN. Vì lẽ đó số lượng vụ việc PVTM liên tục tăng nhanh. Đến tháng 10/2022 đã có 224 vụ điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Nêu rõ thực tế này tại tọa đàm: “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 21/12, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) cho biết, các DN, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM có số lượng ngày càng tăng lên.

“Các con số thống kê đã cho thấy trong những năm vừa qua, cứ 5 năm 1 lần số lượng các vụ việc PVTM lại tăng gấp đôi, từ 25 vụ đến 52 vụ và lên đến 109 vụ. Cơ quan PVTM trong nước cũng xác định, với xu hướng như hiện nay, trong thời gian tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM của nước ngoài”, ông Trung nhìn nhận.

Đáng chú ý theo ông Trung, bên cạnh những biện pháp truyền thống như chống bán phá giá, chống trợ cấp hiện nay bắt đầu xuất hiện các vụ điều tra và áp dụng các biện pháp lẩn tránh PVTM. Đây là cách thức mới của cơ quan điều tra nước ngoài nhằm mở rộng các biện pháp PVTM.

Điểm mới nữa là ngày càng có nhiều vụ PVTM đến từ những thị trường rất gần Việt Nam, hoặc ngay cả những thị trường Việt Nam đã có FTA. Do đó ông Trung nhận định, trong xu hướng mới, các biện pháp PVTM không chỉ giới hạn ở một vài thị trường có thể mở rộng ra nhiều thị trường. Cùng với đó, các tiêu chuẩn điều tra cũng như các yêu cầu của cơ quan điều tra đối với các DN cũng có xu hướng chặt chẽ và khắt khe hơn.

“Thực tế này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các DN để có thể đáp ứng được những yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài, làm sao đảm bảo lợi ích tốt nhất cho mình. Bởi PVTM là sự song hành giữa xu hướng hội nhập với xu hướng mở cửa kinh tế của nền kinh tế thế giới cũng như các nền kinh tế khu vực”, ông Trung nhận định.

Cùng chung nhận xét với ông Trung, TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, bản thân 1 DN hay 1 quốc gia khi trở thành một nhà xuất khẩu lớn và có sức cạnh tranh, thường bị nhiều quốc gia chú ý và áp dụng các biện pháp PVTM.

“Việt Nam hiện là nước xuất khẩu xi măng lớn nhất vào Philippines, chiếm khoảng 92% tổng lượng nhập vào Philippines. Có lẽ chính vì vậy cho nên các nhà sản xuất xi măng của Philippines đã kiện Việt Nam bán phá giá gây ảnh hưởng thiệt hại đến sản xuất trong nước của họ và năm 2021 các nhà xuất khẩu xi măng của Việt Nam bị họ kiện chống bán phá giá”, ông Long đơn cử.

DN cần được cập nhật kiến thức để chủ động ứng phó

Mặc dù nhận thấy ảnh hưởng, tác động của các biện pháp PVTM, song theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Luật sư thành viên, Văn phòng Luật sư IDVN, vẫn có nhiều DN chưa tìm hiểu kiến thức về PVTM, chỉ khi DN trở thành đối tượng điều tra mới bắt đầu tìm hiểu và thuê luật sư nhờ tư vấn, hỗ trợ...

“Khi DN va vấp các vụ kiện nhưng có rất nhiều thông tin, số liệu không sẵn có khiến DN bị đưa vào tình thế bất lợi. Thiếu thông tin giải trình nên DN buộc phải sử dụng những số liệu sẵn có hoặc cáo buộc từ phía nguyên đơn gây ra những thiệt hại không đáng có”, bà Thảo nêu thực tế.

Để ứng phó với các biện pháp PVTM, TS. Lương Đức Long cho rằng, ngoài việc tăng cường công tác truyền thông, tập huấn kiến thức cho các DN về PVTM, vai trò của các Hiệp hội ngành hàng rất quan trọng, vì đây là cơ quan đại diện cho các DN khi đi liên kết, giao tiếp hoặc đối phó với cơ quan điều tra nước ngoài.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Chu Thắng Trung cho rằng điều quan trọng nhất đối với DN là phải khắc phục được tâm lý e ngại; chủ động tham gia vào các vụ cáo buộc để cung cấp thông tin, đảm bảo được kết quả tốt nhất cho mình.

“Mặc dù các hiệp hội có thể hỗ trợ và có vai trò kết nối các DN nhưng quá trình cung cấp thông tin, phản hồi điều tra vẫn phải do bản thân các DN thực hiện. Do vậy, các DN cần có hệ thống quản trị phù hợp với các tiêu chuẩn kế toán quốc tế và trong nước. Các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho phép các DN có thể truy xuất và thu thập được các thông tin về số liệu, dữ liệu sản xuất kinh doanh, dữ liệu các chi phí theo yêu cầu từ phía cơ quan khởi xướng điều tra”, ông Trung khuyến nghị./.

Bài liên quan
Thổ Nhĩ Kỳ rà soát lệnh áp thuế chống bán phá giá dây hàn từ Việt Nam
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, hàng hóa bị điều tra là dây hàn bằng kim loại cơ bản, có lõi là chất trợ dung, dùng để hàn hồ quang điện được phân loại mã HS 8311.20.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bộ Y tế: Người từng tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng
Đại diện Bộ Y tế lên tiếng trước thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 của hãng có thể gây cục máu đông trong một số trường hợp.
Mới nhất