Công bố Lệnh của quyền Chủ tịch nước về Luật vừa được Quốc hội thông qua

Việt Cường/VOV1 | 03/02/2023, 17:06

Sáng nay (3/2), tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của quyền Chủ tịch nước công bố Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Luật khám, chữa bệnh gồm 12 chương và 121 điều, trong đó có quy định những điểm mới: Về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Luật đã bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn; cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kin tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ. Luật quy định cụ thể chính sách của Nhà nước trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh như: Có chính sách khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu; hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước. Luật quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy. 

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Luật quy định cơ sở khám, chữa bệnh được vay vốn để đầu tư công trình, hạ tầng, thiết bị y tế…Tuy nhiên tại nghị trường Quốc hội nhiều đại biểu cho rằng quy định này không khả thi vì không thể mang tài sản nhà nước ra thế chấp, vay vốn được, vậy phương án xử lý vấn đề này như thế nào để luật đi vào cuộc sống, ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, trong dự thảo luật quy định đây là một trong những biện pháp để huy động nguồn lực đối với các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước. Tuy nhiên trong Luật quản lý tài sản công quy định rất rõ là không được sử dụng các tài sản công do nhà nước giao để thực hiện các giao dịch dân sự:

"Tuy nhiên, khi luật quy định là được quyền vay vốn thì chúng tôi cũng đã có trao đổi với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước có văn bản chính thức gửi cho Bộ Y tế, trong đó có nêu rõ ràng là việc tín chấp theo Luật tín dụng, bảo đảm tiền vay theo quy định của Luật tổ chức tín dụng thì được thực hiện theo thỏa thuận giữa bên cho vay và bên vay. Khi có nội dung này thì mới được đưa nội dung về vay vốn vào trong dự thảo luật. Để thực hiện nội dung này thì Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan bao gồm có Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để thống nhất hướng dẫn về phương thức vay vốn đối ứng là đơn vị sự nghiệp công lập"-ông Đỗ Trung Hưng.

 Liên quan đến việc giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu được coi là động lực để các bệnh viện và ngành y tế thay đổi, phát triển. Vậy khi luật có hiệu lực thì giá này có theo quy luật thị trường không?. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, kết cấu của giá gồm 4 yếu tố là chi phí trực tiếp; tiền lương, tiền công; chi phí quản lý và chi phí khấu hao thiết bị. Hiện tại giá dịch vụ y tế mới kết cấu được 2 yếu tố bao gồm tiền lương và các chi phí trực tiếp. Năm 2022, Chính phủ giao cho Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Đồng thời hoàn thiện danh mục kỹ thuật để hoàn thiện tính định mức kỹ thuật, làm cơ sở cho tính đúng, tính đủ. Về lộ trình, sẽ do Chính phủ chỉ đạo để cân đối do tình hình kinh tế - xã hội và dựa trên chỉ số CPI mà Quốc hội đã giao hằng năm. Hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện thông tư giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu:

“Chúng tôi cho rằng đây là việc này là cần thiết và xuất phát từ yêu cầu thực tế của người dân, người bệnh và từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ... Từ đó, đáp ứng nhu cầu cầu của mọi tầng lớp nhân dân. Bộ Y tế cũng đang chỉ đạo các đơn vị chức năng hoàn thiện danh mục kỹ thuật để từng bước tính đúng, tính đủ. Dự kiến trong quý 1 đến quý 2/2023 sẽ ban hành thông tư về giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu khi được Chính phủ đồng ý trên cơ sở công khai, minh bạch, cạnh tranh. Đồng thời đưa yếu tố thứ 3 tức là chi phí quản lý vào trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”-Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Về Hội đồng Y khoa quốc gia, ông Trần Văn Thuấn thông tin, do bộ trưởng Bộ Y tế bận nhiều nhiệm vụ và theo thống nhất của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, đã tạm thời giao cho ông - trước đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng - điều hành cơ quan này./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất