Có nên gộp dự án Luật Bản dạng giới vào Luật chuyển đổi giới tính?

12/04/2023, 12:12

Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 10/4, đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Xã hội ủng hộ việc xây dựng Luật Bản dạng giới để tạo thuận lợi cho những người muốn chuyển đổi giới tính hoặc xác định lại bản dạng giới.

Dự án Luật Bản dạng giới do Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng, được trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/4. Dự luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ; cơ quan có thẩm quyền, thực hiện xác nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức, cá nhân thực hiện can thiệp y học.

Ngày 9/4/2023, Chính phủ có văn bản số 113/CP-PL tham gia ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới của đại biểu Quốc hội. Trong khi đó, Bộ Y tế được giao xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính. Vậy, có nên sáp nhập Luật bản dạng giới vào Luật Chuyển đổi giới tính, hay cần có quy định riêng?

Xung quanh nội dung này, phóng viên VOV Giao thông đối thoại với TS Nguyễn Kiều Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên.

PV: Theo bà, có nên xem xét sáp nhập Luật Chuyển đổi giới tính và Luật Bản dạng giới, hay quy định riêng?

Bà Nguyễn Kiều Nga: Về đề xuất xây dựng Luật của Bộ y tế thì tập trung vào các quy định mang tính chuyên ngành như quy trình, rồi thủ tục chuyển đổi giới tính thế nào, Hội đồng chuyên môn ra làm sao...

Còn trong đề xuất xây dựng Luật Bản dạng giới thì Đại biểu Nguyễn Anh Trí hướng quy định không bắt buộc phải phẫu thuật chuyển đổi sẽ vừa giải quyết được nhu cầu của người chuyển giới, vừa đảm bảo được sự thống nhất trong việc thực thi quyền của các chủ thể.

Với quan điểm như vậy thì cả 2 dự luật đều tiếp cận vấn đề chuyển đổi giới tính theo nguyên tắc cơ bản là đảm bảo cho công dân được sống thật với bản dạng giới họ mong muốn, họ tự cảm.

Tôi cho rằng, cần có sự nhìn nhận quyền chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân khá đặc biệt của cá nhân và xem xét nó trong một mối quan hệ tổng hòa về các quyền nhân thân khác.

PV: Thực tế các quy định hiện hành có tạo điều kiện để thực hiện các quyền nói trên hay không?

Bà Nguyễn Kiều Nga: Bộ Luật dân sự năm 2005 đã thừa nhận quyền xác định lại giới tính của các cá nhân mà giới tính có khuyết tật bẩm sinh, hoặc chưa định hình chính xác, mà cần có sự can thiệp của y học.

Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, thì Bộ luật dân sự năm 2015 đã tiếp tục ghi nhận các quyền nhân thân của cá nhân, từ Điều 25 đến Điều 39, mà trong đó quyền chuyển đổi giới tính được ví như cuộc cách mạng về quyền nhân thân của cá nhân.

Qua đó góp phần đảm bảo cho họ có địa vị pháp lý bình đẳng, ngoài quyền chuyển đổi giới tính được bổ sung thì còn là các quy định và nghĩa vụ của người xác định lại giới tính và người chuyển giới.

Tuy nhiên, trên thực tế thì vẫn chưa có bất cứ một văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể để cá nhân có thể chính thức thực hiện hóa quyền này, cũng như chưa có văn bản pháp luật nào quy định về cơ quan có thẩm quyền xác định quy trình, rồi thủ tục công nhận và tiến hành chuyển đổi giới tính…

PV: Vậy theo bà, trong Luật Chuyển đổi giới tính hoặc quy định khác về vấn đề bản dạng giới, các quy định cần được hướng đến mục tiêu như thế nào?

Bà Nguyễn Kiều Nga: Theo Hiến pháp năm 2013 đã quy định trong Khoản 2 Điều 6 về việc không ai bị phân biệt đối xử trong mọi mặt của đời sống xã hội kinh tế chính trị văn hóa… thì thực sự Việt Nam đã thực hiện một bước quan trọng để tiến tới đảm bảo quyền con người nói chung và của người chuyển giới nói riêng, nhằm thực thi và triển khai trên thực tế điều khoản của Bộ Luật Dân sự thì sẽ đảm bảo được là lấy con người là trung tâm, mục tiêu và chủ thể cũng như là động lực phát triển đất nước.

Rất nhiều quốc gia cho thấy, có những lợi ích cụ thể và thiết thực do pháp luật và chính sách mang tính bao trùm mang lại, bao gồm cả những lợi ích kinh tế rộng lớn nữa. Những quốc gia nào có nỗ lực bao trùm đầy đủ tất cả mọi người thì có nhiều khả năng hơn trong nâng cao kỹ năng nguồn vốn con người, xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo và xã hội công bằng văn minh.

PV: Xin cảm ơn bà./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban). Cùng dự có các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa  phương và các tập đoàn về công nghệ thông tin.
Mới nhất