Chuyển bệnh viện trung ương cho Hà Nội quản lý, lo ngại làn sóng y, bác sĩ nghỉ việc

02/08/2023, 17:29

Theo bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, nếu chuyển bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý sẽ xảy ra làn sóng y, bác sĩ nghỉ việc, người chịu thiệt thòi là bệnh nhân.

Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô sẽ được chuyển cho TP Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học y. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải nhiều sự phản đối.

Theo tôi đây là quyết định cảm tính, chủ quan và lợi bất cập hại, vì những lý do dưới đây.

Thứ nhất, những bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế như K, Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương là những bệnh viện có đội ngũ bác sĩ và chuyên gia rất giỏi. Những đơn vị này không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám và điều trị bệnh cho 10 triệu dân Hà Nội, mà còn cho hàng chục triệu người dân của các tỉnh phía Bắc và miền Trung, chủ yếu là những ca bệnh khó. Do đó, dù cơ sở nằm trên địa bàn Hà Nội nhưng các bệnh viện này phục vụ cho nhiều địa phương. 

Theo bác sĩ Tuấn, việc chuyển bệnh viện thuộc Bộ Y tế cho Hà Nội quản lý thiệt thòi cho người dân. (Ảnh minh hoạ)

Theo bác sĩ Tuấn, việc chuyển bệnh viện thuộc Bộ Y tế cho Hà Nội quản lý thiệt thòi cho người dân. (Ảnh minh hoạ)

Việc đưa các bệnh viện đầu ngành về trực thuộc Hà Nội sẽ thu hẹp tầm hoạt động của bệnh viện. Khi đó, đối tượng bị thiệt thòi là nhân dân.

Nếu các bệnh viện trên vẫn nhận điều trị cho bệnh nhân ở các tỉnh, thì không tránh khỏi tình trạng người mắc bệnh hiểm nghèo bị "chuyển trả" về địa phương với lý do đây là bệnh viện của Hà Nội. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bệnh nhân có thể bị chết oan vì không được điều trị kịp thời.

Đồng thời, tâm lý bệnh nhân ở các tỉnh sẽ có cảm giác mình là công dân hạng hai khi đi khám và điều trị. Một số bác sĩ y tá ở những bệnh viện đôi khi cũng có cảm giác phân biệt đối xử.

Nếu quá tải, các viện này sẽ ưu tiên cho người dân Hà Nội, còn người ở các tỉnh sẽ bị từ chối, vì đây là bệnh viện của Hà Nội, nhất là với người bệnh ở các tỉnh miền núi, miền quê nghèo.

Thứ hai, bệnh viện tuyến trung ương còn có nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn và đỡ đầu về chuyên môn cho bệnh viện các tỉnh. Đây là nhiệm vụ Bộ Y tế phân công. Khi giao các bệnh viện đầu ngành về Hà Nội quản lý, nhiệm vụ này sẽ bị biến thể.

Bệnh viện thuộc Hà Nội có nhiệm vụ chăm sóc cho người Hà Nội. Bộ Y tế muốn làm điều này phải được sự đồng ý của  thành phố. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc, vùng sâu vùng xa. 

Thứ ba, các bệnh viện đầu ngành còn là nơi thực hành của các trường đại học y khoa. Sự kết hợp viện - trường là đặc thù của ngành y. Các giáo sư, bác sĩ của trường tham gia lãnh đạo các khoa phòng và lãnh đạo các bệnh viện trực thuộc và ngược lại.

Đồng thời, các giáo sư, bác sĩ của trường là nguồn nhân lực chất lượng cao với các bệnh viện. Nếu các bệnh viện này do Hà Nội quản lý, sự kết hợp này sẽ dễ bị gẫy đổ, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đào tạo bác sĩ và hoạt động của bệnh viện.  

Các bệnh viện tuyến cuối, hạng đặc biệt còn là nơi làm việc của nhiều chuyên gia, nếu việc quản lý không được thực hiện tốt có thể dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám.

Thứ tư, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế còn tham gia hợp tác quốc tế, phòng chống dịch bệnh, thiên tai lũ lụt trong cả nước. Nếu Hà Nội quản lý các bệnh viện tuyến trung ương giống như "người mặc bộ đồ quá dài và quá rộng, cứ quấn vào nhau, không bước được". 

Sở Y tế Hà Nội đang quản lý mấy chục bệnh viện, hàng nghìn bệnh viện tư và phòng khám tư nhân. Đưa thêm hàng chục bệnh viện đầu ngành, tuyến trung ương, nơi khám chữa bệnh cho hàng chục triệu dân thì không quản lý nổi.

Nhiều giáo sư, chuyên gia giỏi ở các bệnh viện đầu ngành trực thuộc Bộ sở dĩ người ta còn gắn bó với bệnh viện vì đây là những bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối, có truyền thống và thương hiệu, niềm tự hào của nền y học nước nhà.

Nếu đề xuất trên được thực hiện, chắc chắn nhiều tinh hoa, bác sĩ xin nghỉ. Điều này làm chảy máu chất xám ở bệnh viện công. Người bệnh, nhất là người nghèo sẽ bị thiệt thòi nhất.

Nội dung dự thảo Luật Thủ đô đề cập nội dung: Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học.

Việc chuyển giao các bệnh viện thuộc hạng đặc biệt, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành thuộc Bộ Y tế thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quyết định.

Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10.

TTND.BS Trần Sĩ Tuấn

Bài liên quan
Hà Nội phân tuyến tuyển sinh hợp lý để huy động trẻ đến trường cao nhất
Kỳ tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2024-2025 ở Hà Nội dự báo tiếp tục “nóng” khi số lượng học sinh trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp tiếp tục tăng so với năm ngoái. Hiện ngành Giáo dục- Đào tạo đang phối hợp với chính quyền các quận, huyện, thị xã thực hiện phân tuyến tuyển sinh hợp lý để huy động được số trẻ đến trường với tỷ lệ cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất