Chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu mở rộng diện phủ sóng lên vùng cao, vùng xa

Nhóm PV/VOV-Miền Trung | 01/10/2022, 09:00

Thêm nhiều bà con ở vùng miền núi Nam Giang và vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Quảng Nam đã được nghe Chương trình phát thanh Tiếng Cơ Tu của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Việc mở rộng diện phủ sóng Chương trình này đến những nơi xa xôi, hẻo lánh đã đem lại niềm vui cho nhiều người.

Sau một thời gian dài phối hợp với các địa phương miền núi cao, ngày 19/9 vừa qua, Chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã chính thức phủ sóng tại huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Chương trình được phát sóng mỗi ngày 2 lần, với thời lượng 45 phút/ chương trình, buổi sáng phát từ 4h45 đến 5h15 và buổi chiều từ 17h đến 17h45.

Cũng như nhiều bà con ở xã Tà Bhing, từ ngày Chương trình phát sóng đến nay, hôm nào chị A lăng Thị Ven ở thôn Ga Lêê, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cũng đón nghe Chương trình từ loa truyền thanh của xã. Là người con Cơ Tu, được nghe tiếng của đồng bào mình trên sóng quốc gia, chị Ven thực sự vui mừng và tự hào.

Chị A Lăng Thị Ven cho biết, chương trình đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với chị và bà con nơi đây: “Từ khi chương trình tiếng Cơ Tu được phát trên đây, ngày nào tôi cũng theo dõi nghe vào buổi sáng và buổi chiều. Chương trình thật sự rất hay và ý nghĩa đối với bà con. Nghe các phát thanh viên đọc rất rõ và dễ hiểu. Bây giờ chương trình đến được với bà con, không chỉ riêng tôi mà mọi người ai cũng nghe và rất tự hào. Tôi mong muốn chương trình mang đến cho bà con nhiều hơn những thông tin bổ ích, thiết thực nhất với bà con".

Cũng như chị Ven, anh Brao Bưng ở thị trấn Thạnh Mỹ rất thích nghe Chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu của Đài TNVN. Anh Brao Bưng cho rằng, thông qua Chương trình, bà con Cơ Tu, nhất là những người lớn tuổi có thể nắm bắt đầy đủ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Bản thân tôi cũng hay nghe Chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu của VOV vào buổi sáng. Dân ở đây rất thích nghe vì những chủ trương, đường lối của Đảng, lớp trẻ thì biết, còn lớp trung niên và người già vì không hiểu rõ tiếng phổ thông nên không nghe được đầy đủ. Nhiều lúc các chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ xã hội, bà con hỏi rất nhiều. Ví dụ như các chính sách của Tỉnh đưa ra đối với hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo… khi cán bộ về cơ sở họ hỏi rất nhiều nhưng không phải vấn đề nào cán bộ cũng trả lời được", anh Brao Bưng phấn khởi nói.

Anh Bưng mong muốn: “Rất mong Chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu làm sao tiếp tục cải tiến nâng cao chất lượng để ngày càng có nhiều bà con Cơ Tu nghe được chương trình”.

Bà Đinh Thị Thúy Hồng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Giang tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày càng có nhiều người thích nghe Chương trình phát thanh Tiếng Cơ Tu của Đài TNVN. Thời gian qua, Chương trình đã có nhiều cải tiến, nâng cao cả về mặt nội dung và hình thức chuyển tải thông tin theo hướng ngày càng thiết thực, gần gũi với bà con Cơ Tu.

“Thời gian qua, sau khi nghe Chương trình phát thanh Tiếng Cơ Tu của Đài TNVN thì người dân và cán bộ người Cơ Tu đánh giá khá tốt. Có nhiều người thích nghe Chương trình phát bằng tiếng Cơ Tu; các nội dung bà con đều thích và mong đợi nghe Chương trình. Hy vọng, thời gian tới các chuyên mục, trang tin rồi quảng bá văn hóa con người của huyện Đông Giang và nhiều nơi khác sẽ được phát sóng nhiều hơn trong Chương trình phát thanh Tiếng Cơ Tu của VOV",  bà Đinh Thị Thúy Hồng kỳ vọng như vậy.

 Tháng 9/2009, Chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu do Cơ quan thường trú khu vực miền Trung - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức sản xuất và phát sóng chính thức hòa vào làn sóng phát thanh quốc gia của Đài TNVN. Việc ra đời chương trình này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương trình cũng đáp ứng được sự mong đợi từ bao đời nay về nhu cầu thông tin bằng tiếng mẹ đẻ của gần 70 ngàn người dân Cơ Tu sống dọc dải Trường Sơn thuộc các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, cộng đồng Cơ Tu sống dọc biên giới Việt Nam - Lào và một số dân tộc thiểu số có nền văn hóa và ngôn ngữ tương đồng với dân tộc Cơ Tu.

Đầu tháng 9 năm nay, lãnh đạo Cơ quan thường trú khu vực miền Trung phối hợp với Đài phát sóng khu vực Trung bộ thuộc Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh - Truyền hình của VOV chủ động làm việc với lãnh đạo 3 huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, tỉnh Quảng Nam bàn giải pháp mở rộng diện phủ sóng và nâng cao chất lượng chương trình phát thanh Tiếng Cơ Tu của VOV.

Tại đây, lãnh đạo các địa phương đều ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò của Đài TNVN tại miền Trung nói chung và Chương trình phát thanh Tiếng Cơ Tu nói riêng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Thời gian qua, huyện Nam Giang trong sự phát triển nói chung đã nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của các cơ quan báo, đài Trung ương và tỉnh, trong đó có VOV miền Trung đã hỗ trợ thông tin về phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn; đồng thời chia sẻ những khó khăn, hạn chế của địa phương kịp thời phản ánh cho Trung ương và tỉnh. Đặc biệt đối với những vấn đề nóng của địa phương thì VOV cũng đã vào cuộc hỗ trợ cho huyện rất tích cực”.

Ông A Viết Sơn mong muốn “Cùng mong 2 bên tiếp tục duy trì giải quyết vấn đề thông tin, nhất là thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao về việc tiếp sóng, phát sóng Chương trình phát thanh Tiếng Cơ Tu, rồi tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở tất cả các xã, thị trấn của huyện Nam Giang”.

Ngôn ngữ còn, dân tộc còn. Xác định tầm quan trọng của tiếng nói và chữ viết của các dân tộc, những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có ngôn ngữ Cơ Tu. Năm 2009, Chương trình phát thanh Tiếng Cơ Tu của Đài TNVN chính thức phát sóng không chỉ làm cầu nối đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến người dân mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ Cơ Tu như đánh giá của GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam.

“Chúng tôi đánh giá rất cao các chương trình phát thanh tiếng dân tộc của Đài TNVN, trong đó có tiếng Cơ Tu. Đây là một nỗ lực chung trong việc giữ gìn, phát huy vai trò bản sắc ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, góp phần phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa đổi mới hội nhập”, GS-TS Nguyễn Văn Hiệp khẳng định./.

Bài liên quan
Trao danh hiệu "Công dân danh dự tỉnh Thừa Thiên Huế" tặng GS-BS Hattori Tadashi
Hôm nay (28/3) UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trao danh hiệu “Công dân danh dự tỉnh Thừa Thiên Huế” tặng Giáo sư, bác sĩ Hattori Tadashi có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống mù lòa ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất