Chương trình nghệ thuật Vàng son VOV diễn ra vào tối 23/12 tại Trung tâm phát thanh Quốc gia (58 Quán Sứ, Hà Nội) đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc.
Đêm nhạc và giao lưu đặc biệt nhằm tri ân và tôn vinh các thể hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ – những gương mặt làm nên thương hiệu VOV, có nhiều đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, Phó Tổng Giám đốc VOV Ngô Minh Hiển nhấn mạnh lịch sử hình thành và phát triển của VOV song hành cùng lịch sử hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.
Từ làn sóng phát thanh, hàng trăm nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ với những tác phẩm thơ ca đi cùng năm tháng được lan toả, góp phần cổ vũ động viên đồng bào chiến sĩ, hăng hái xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng từ cánh sóng, những thế hệ nhạc sĩ, nhà thơ, biên tập, phóng viên, phát thanh viên và nghệ sĩ biểu diễn đã góp một phần công sức của mình với VOV, trong thắng lợi chung của dân tộc.
Theo Phó Tổng Giám đốc VOV Ngô Minh Hiển, với đời sống văn học nghệ thuật, hiếm có một đơn vị truyền thông nào có một bề dày thành tích như VOV. Theo thống kê sơ bộ, có 4 nhạc sĩ từng công tác và về hưu tại VOV giành giải thưởng Hồ Chí Minh, đó là các nhạc sĩ: Hoàng Vân, Thuận Yến, Hoàng Hà, Phạm Tuyên.
Có hơn 10 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND như: Tuyết Mai, Trần Khánh, Thanh Hoa, Phan Muôn, Hồng Ngát, Kim Đức, Trọng Đài, Châu Loan, Thương Huyền, Quách Thị Hồ, Cao Việt Bách, Mai Khanh...
"Và chúng ta cũng đang hân hoan chờ đón danh sách này sẽ được bổ sung thêm với đợt phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm nay. Bên cạnh đó là gần 20 nhạc sĩ từng công tác tại VOV giành giải thưởng Nhà nước, và hơn 60 NSƯT qua các thời kỳ.
Những con số này là minh chứng cho tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, minh chứng cho tài năng, sự đóng góp, sự cống hiến quên mình của các thế hệ nhạc sĩ, nhà thơ và nghệ sĩ vàng son của VOV", ông Ngô Minh Hiển nói.
Trong đêm nhạc, những ca khúc cách mạng nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của các nhạc sĩ VOV được vang lên hào hùng qua phần thể hiện của các nghệ sĩ, biên tập viên trong Ban Âm nhạc (VOV3).
Có thể kể đến những giai điệu bất hủ của Diệt phát xít của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, Hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc của nhạc sĩ Hoàng Vân, Cung đàn mùa xuân (sáng tác nhạc sĩ Cao Việt Bách, lời thơ Lưu Trọng Lư)...
Trong đó, một số ca khúc được phối mới, mang đến những giai điệu phù hợp với âm hưởng đương đại và vẫn giữ được chất hào hùng. Những giai điệu rộn ràng, hào hùng của một thời lịch sử gợi nhớ ký ức mang ''tiếng hát át tiếng bom'' của NSND Thanh Hoa.
Là khách mời trong chương trình, NSND Thanh Hoa hạnh phúc khi được trở về VOV, giao lưu, kể lại những kỷ niệm thời xung phong ra chiến trường.
Bà chia sẻ: "Đa số các chiến sĩ bộ đội đều nghe VOV, dù ở bất cứ đâu, họ đều yêu cầu nghe bài hát trên VOV, những ca khúc dân ca. Dù không thuộc hết nhưng chúng tôi cũng hát một vài câu để phục vụ các anh bộ đội".
Còn nhạc sĩ Thuỵ Kha cho rằng qua làn sóng VOV, những ca khúc đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho các chiến sĩ: "Nếu không có làn sóng VOV, chúng tôi không biết tựa vào đâu để chiến đấu cả. Những ca khúc Bài ca đường 9 của Huy Du, Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng của Trọng Loan... Đạn bom ác liệt không át được tiếng hát...".
Cùng với những ca khúc cách mạng, các nghệ sĩ còn mang đến nhiều ca khúc mang tinh thần ngợi ca, giàu chất trữ tình như Nơi đảo xa (sáng tác Thế Song), ca khúc Em và sắc trời biên giới (sáng tác Văn Dung), Bài ca người làm báo do tốp nữ VOV3 trình bày, Tôi là Lê anh nuôi do ca sĩ Chu Mạnh Cường trình bày...
Cũng trong chương trình, nhiều tư liệu quý giá được lưu trữ trong kho băng của VOV, những câu chuyện về các nhạc sĩ, nghệ sĩ lần đầu được kể. Qua đó giúp khán, thính giả hình dung rõ hơn về dấu ấn vàng son của thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ của VOV.
Bằng tất cả tâm huyết, say mê, tấm lòng tri ân thế hệ đi trước, các nghệ sĩ đã sáng tạo một không gian âm nhạc đặc biệt, một món quà tinh thần ý nghĩa. Cùng với đó, thế hệ các nghệ sĩ tiếp nối luôn nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của VOV.