Chủ tịch Quốc hội: "Nhiều khi lãng phí còn nhiều hơn cả tham nhũng"

06/05/2023, 18:17

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh điều này tại buổi tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15.

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 6/5, tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri. 

Tại cuộc tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng đã báo cáo trước cử tri nội dung của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp tới; tình hình phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo kết quả của kỳ họp thứ 4; những hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tại kỳ họp.

Các cử tri nhất trí với báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng; bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những thành công tốt đẹp của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo và điều hành. Quốc hội tổ chức nhiều kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề bức xúc của đất nước; đồng thời có sự chuẩn bị cho các kỳ họp rất công phu, quyết liệt, chu đáo, dân chủ, lắng nghe ý kiến người dân, thể hiện ý chí và nguyện vọng của cử tri cả nước. Việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Quốc hội được đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. 

Cho ý kiến tại cuộc tiếp xúc, các cử tri đã đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh như phòng chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế; hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp; phát triển du lịch, kinh tế đêm; các vấn đề liên quan đến y tế; giáo dục; xử lí chất thải; những vấn đề nổi cộm của thành phố Hải Phòng…

Quan tâm đến công tác lập pháp, cử tri Đỗ Trung Thoại (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho rằng, việc ban hành các luật mới cũng như sửa đổi luật cũ là một việc rất khó, đặc biệt là đối với Luật đất đai (sửa đổi).

Ông Thoại đề nghị trong kỳ họp thứ 5 này Quốc hội sẽ bàn thảo Luật đất đai sửa đổi, các đại biểu lắng nghe ý kiến của cử tri cả nước, doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài để làm sao khi luật ban hành tạo điều kiện hỗ trợ tốt cho người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài.

Trả lời ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật đất đai (sửa đổi) là một bộ luật mà Quốc hội xác định là trọng tâm xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ này. Vừa rồi tổ chức rất tốt khi lấy ý kiến của người dân với khoảng 12 triệu ý kiến của cử tri, nhân dân đã được tổng hợp. Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tuần tới họp lần cuối, trước khi chuẩn bị trình Trung ương, Quốc hội sẽ nghe kết quả lấy ý kiến người dân và cử tri về Luật đất đai và sửa đổi luật này như thế nào.

"Bộ luật này liên quan đến 121 luật khác, trong đó trực tiếp liên quan đến 22 dự án luật. Nếu không sửa đồng bộ thì khi ban hành ra sẽ không áp dụng được. Chất lượng của dự án luật này cho đến nay đã có bước tiến rất cơ bản, chứ không phải là cứ thông qua cho bằng được. Với tinh thần rất quyết liệt, nhưng cố gắng, bởi đây là bộ luật rất quan trọng, liên quan đến mọi giai tầng và đối tượng trong đời sống xã hội", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Cử tri Lê Vũ Thành cho rằng, nhiều vụ lãng phí làm thất thoát tiền bạc, tài sản của xã hội, thậm chí còn thiệt hại hơn cả tham nhũng. Ví dụ, nhiều nhà công ở Hà Nội bỏ không, nhiều công trình xây dựng xong đã phá sản, có đoạn đường cao tốc chưa nghiệm thu đã phải sửa chữa. Nhưng những vụ việc này lại ít được lên án và chậm xử lí.

"Lãng phí là hay đổi cho người khác chứ không nhận về mình, rất khó chỉ ra trách nhiệm. Tham nhũng và lãng phí là đôi bạn cùng đường với nhau. Hai vấn đề này có tác động qua lại nhau. Tham nhũng núp bóng lãng phí để hoành hành, lợi dụng khe hở của pháp luật của cơ chế, chính sách để vô trách nhiệm dẫn đến lãng phí, tham nhũng. Tệ hại hơn là tham nhũng còn có thể thu hồi được, còn lãng phí hoàn toàn mất đi. Quốc hội nên quan tâm vấn đề lãng phí", ông Thành nêu ý kiến.

Trả lời cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2022, Quốc hội đưa ra giám sát tối cao về lãng phí và có 100.000 trang tài liệu liên quan đến thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết có hơn 100 trang nói rõ các dự án nào đang lãng phí phải giải quyết, chứ không chung chung nữa. Có những dự án như ở Tây Nguyên làm xong đẹp như tranh, nhưng không tưới nước được vì còn vướng đất rừng….Rồi nhà ở tái định cư 38.000 mét để không vì vướng cơ chế đấu thầu đầu tư, giá cho thuê, giờ cỏ mọc um tùm.

"Nếu đi qua đường Pháp Vân, các tòa nhà ở Hà Nội xây dựng cho sinh viên vẫn để “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Hay, 2 bệnh viện Trung ương, nằm ở địa phận Hà Nam vẫn nằm bất động. Cử tri nói đúng, nhiều khi lãng phí còn nhiều hơn cả tham nhũng. Cho nên Quốc hội và Chính phủ thống nhất hàng năm, trong chương trình của Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội phải có báo cáo về lĩnh vực này và không nói chung chung nữa. Chưa bao giờ có danh mục, phụ lục kèm theo cụ thể những dự án lãng phí. Nếu tập trung xử lí thì gỡ được một số thứ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của cử tri liên quan đến việc gỡ khó cho các doanh nghiệp về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục đề án về giảm thuế giá trị gia tăng 2% như năm ngoái. Việc giảm, giãn, hoãn thuế, phí hiện nay đang thực hiện. Cho nên, kể cả những vấn đề về trước mắt và lâu dài, theo tinh thần là làm luật, không đẩy cái khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tư duy xây dựng pháp luật thường hay muốn an toàn cho các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, phải quán triệt tinh thần là phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Trong luật không được để cho người dân và doanh nghiệp những khó khăn, còn cơ quan quản lý nhà nước thì lại an toàn. 

Trao đổi thêm với cử tri về tình hình chung, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid - 19 và liên tiếp các cú sốc do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng và “đình lạm” – vừa đình trệ vừa lạm phát – xảy ra ở nhiều nước, nhưng năm 2022, nước ta vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao, giữ được các cân đối vĩ mô, an sinh xã hội được bảo đảm, người dân được thụ hưởng các thành quả phát triển. Trong đó với những thành tựu phát triển của mình, TP. Hải Phòng đã dành thêm các nguồn lực ngoài chính sách chung của Nhà nước để chăm lo thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người dân.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ lo lắng của các cử tri hiện nay, nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khi tốc độ tăng trưởng của những tháng đầu năm nay bị sụt giảm, nhiều tỉnh trọng điểm, cực tăng trưởng cũng gặp khó khăn.

Phân tích những yếu tố khách quan và chủ quan của những khó khăn, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ ý kiến của cử tri về tình trạng sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

"Nói là sợ trách nhiệm thì cũng đúng, nhưng nói đúng ra là thiếu trách nhiệm. Chúng ta yêu cầu cán bộ làm đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định pháp luật nhưng cũng không làm thì phải gọi đó là thiếu trách nhiệm, nói nặng hơn là vô trách nhiệm, chưa nói đến việc dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, tìm tòi sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung", Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, chiều qua, đoàn công tác làm việc với nhóm chuyên gia tư vấn trong nước đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, số liệu điều tra của VCCI  trong năm 2022 có khoảng 20% doanh nghiệp nói rằng, khi có văn bản của Trung ương còn thiếu rõ ràng, thái độ ứng xử của địa phương có hai cách, một là chờ chỉ đạo mới, hai là không làm gì cả, cho an toàn. Như vậy là thiếu trách nhiệm.

Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Lễ khởi công Dự án Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố Hải Phòng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất