Chìa khóa nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tránh thừa thiếu cục bộ

31/12/2024, 10:16

VOVLIVE - Việc ngành giáo dục được chủ động tuyển dụng giáo viên sẽ giúp đạt được mục tiêu tuyển dụng phù hợp với cơ cấu, vị trí việc làm, đảm bảo về năng lực chuyên môn, trình độ sư phạm. Như vậy sẽ giải quyết được 2 vấn đề gồm cơ cấu vị trí việc làm và chất lượng đội ngũ.

Từ góc độ cơ sở giáo dục, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) - thầy Hồ Tuấn Anh cho rằng, giáo viên cả nước đặc biệt quan tâm đến các nội dung liên quan đến tuyển dụng giáo viên trong dự án Luật Nhà giáo.

Vị hiệu trưởng cũng cho rằng, đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, lâu nay việc ngành giáo dục không được chủ động trong công tác lựa chọn nhân lực của ngành đã gây ra nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và chất lượng giáo dục.

“Các cơ sở giáo dục ở địa phương gần như không có một chút thẩm quyền nào trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển viên chức của mình. Dù ngành Nội vụ khi tuyển dụng đã có những quy định rõ ràng về thi tuyển hay xét tuyển, nhưng chắc chắn không thể đảm bảo chất lượng như khi ngành giáo dục tự tuyển lấy.

Có hiện tượng sinh viên phấn đấu cả 4 năm để đạt bằng giỏi, nhưng không bằng 10 phút phỏng vấn trực tiếp của hội đồng tuyển dụng. Nhiều em bằng giỏi vẫn trượt, nhiều em bằng khá, trung bình vẫn đỗ. Dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ về chất lượng tuyển dụng.

Thứ 2, sau khi tuyển dụng các cơ sở giáo dục cũng bị động trong việc tiếp cận con người, nhiều khi muốn tuyển người giỏi nhưng lại không được. Các cơ sở giáo dục cũng bị động trong cơ cấu môn học, thiếu giáo viên môn này nhưng lại không được chủ động tuyển, vẫn chấp nhận thiếu”, thầy Hồ Anh Tuấn thẳng thắn chỉ rõ.

Từ thực tế tại cơ sở, thầy Hồ Anh Tuấn cho biết thêm, thời gian qua các trường gặp không ít khó khăn khi công tác tuyển dụng phải phụ thuộc vào ngành Nội vụ. Đơn cử như việc chỉ tiêu cho từng trường được giao từ sớm để tuyển dụng phục vụ cho năm học mới, nhưng vì qua nhiều cấp trung gian, việc tuyển dụng có khi kéo dài đến hết tháng 12, quá 1 học kỳ vẫn chưa tuyển đủ.

“Các trường đều mong muốn làm sao tháo gỡ nút thắt này để ngành giáo dục được chủ động trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển người của ngành mình trên cơ sở quy định của nhà nước về cơ cấu việc làm

Nếu Luật Nhà giáo được thông qua và quy định này có trong luật Nhà giáo sẽ là bước tiến rất lớn trong tuyển dụng của ngành giáo dục.

Trong dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội, cũng đặt ra yêu cầu bắt buộc có thực hành sư phạm trong quá trình tuyển dụng. Theo Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, nếu được quyền chủ động về tuyển dụng, ngành giáo dục cần nghiên cứu để có bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về tuyển dụng phù hợp. Hiện nay, như tại Nghệ An, nội dung phỏng vấn ứng viên chủ yếu vẫn dựa theo các thông tư, nghị định, chính sách, mà chưa có thực hành sư phạm.Trong khi đó, với ngành đặc thù như sư phạm, việc tuyển dụng rất cần có 1-2 tiết thực hành thực tế, bởi nhiều trường hợp rất giỏi lý thuyết nhưng khả năng giảng dạy trực tế lại chưa được như mong muốn.

Do đó, nếu dự án Luật được thông qua, ngành Giáo dục cần tính toán kỹ, thống nhất về cách thức tuyển dụng, cơ cấu điểm cho phần lý thuyết, thực hành sư phạm… tránh mỗi nơi một kiểu. Chỉ khi chính sách tuyển dụng được minh bạch, mới có thể tuyển được người giỏi vào hệ thống.

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hoàn toàn ủng hộ việc giao ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng giáo viên. Nếu được thông qua, đây sẽ là một đổi mới rất đáng ghi nhận, bởi xưa nay ngành giáo dục không quản, người cũng không được quản tài chính.

“Việc không được tự chủ về mặt tuyển dụng đã gây ra nhiều bất cập. Đơn cử như việc ngành Nội vụ tinh giảm biên chế theo các địa phương, lấy theo tỷ lệ từng ngành. Nhưng cách làm này lại khiến ngành giáo dục không còn biên chế phục vụ giáo dục trong các nhà trường, thiếu rất nhiều giáo viên.

Hơn ai hết, chỉ ngành giáo dục mới biết rõ cơ số giáo viên cần cho từng trường lớp, địa phương là bao nhiêu, từ đó có kế hoạch tuyền dụng phù hợp”, GS.TS Đinh Quang Báo nói.

Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng nhấn mạnh, xã hội nên ủng hộ chủ trương để ngành giáo dục chủ động trong công tác tuyển dụng, đây được xem như sự đổi mới rất quan trọng. Điều này không chỉ giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên, mà còn chủ động về chất lượng nguồn tuyển.

Bên cạnh đó, GS.TS Đinh Quang Báo cũng lưu ý, nếu được thông qua, ngành giáo dục cần có quy hoạch dài hạn, dựa trên số lượng học sinh gia tăng hàng năm để tính toán số lượng giáo viên cho từng môn học ở từng địa phương. Từ đó đào tạo và tuyển dụng sát với nhu cầu thực tế.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cũng ủng hộ chủ trương ngành giáo dục được chủ động trong công tác tuyển dụng giáo viên.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng, ngành giáo dục là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của toàn thể hệ thống, nếu được chủ động quyết định về mặt nhân lực, chắc chắn chất lượng đội ngũ giáo viên sẽ được nâng cao rất nhiều.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

“Ngành giáo dục được tự chủ về mặt xây dựng chương trình học và nhiều vấn đề chuyên môn khác, nhưng điều cơ bản nhất là đội ngũ nhà giáo thì lâu nay lại chưa được tự chủ. Khi được chủ động trong công tác tuyển dụng, ngành giáo dục có thể điều tiết cơ cấu hệ thống giáo viên sao cho phù hợp với từng vùng miền, địa phương khác nhau, tránh được việc thừa thiếu cục bộ, mất cân đối trong đội ngũ giáo viên.Có thể nói đây là chính sách được các cơ sở giáo dục kỳ vọng, mong ngóng sớm được đi vào thực tế”, PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng nói.

Nói về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, quản lý nhà nước về nhà giáo là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển đội ngũ nhà giáo, từ lúc mới vào nghề, phát triển nghề nghiệp cho đến khi nhà giáo nghỉ hưu. Quản lý nhà nước về nhà giáo cần một khung pháp lý chuyên biệt phù hợp, trong đó nhà giáo, cả công lập và ngoài công lập, thấy được chính mình, nghề nghiệp của mình, sứ mệnh của mình, con đường phát triển của mình, có vậy mới đem lại sự thành công cho người học và đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội.

Có thể nói, Luật Nhà giáo chính là cơ hội để điều chỉnh quan điểm, tư duy trong quản lý nhà nước về nhà giáo.Luật Nhà giáo cần phải thể hiện được sự đổi mới hoàn thiện thể chế trong quản lý nhà nước về nhà giáo, chuyển trọng tâm từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực.

Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng cho rằng, việc chuyển tư duy quản lý nhà nước về nhà giáo sang mô hình quản trị nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi giáo dục đứng trước những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.

Luật Nhà giáo sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, chủ thể quản lý nhà nước về nhà giáo được nhấn mạnh về phía trách nhiệm của ngành Giáo dục và được phân cấp cụ thể từ Bộ tới Sở, Phòng và các cơ sở giáo dục. Định hướng xây dựng Luật sẽ gia tăng yếu tố chuyên môn, lấy yếu tố chất lượng trong cả việc đào tạo và tuyển dụng nhà giáo.

“Tôi nhấn mạnh đến yếu tố chuyên môn và chất lượng trong công tác quản lý nhà giáo vì chính yếu tố này sẽ đảm bảo cho yếu tố quản lý nhà nước có được sự đổi mới trong cả khối công và khối tư. Luật cũng sẽ hướng dẫn quản lý thống nhất, thông suốt trong toàn hệ thống với sự phân cấp rõ ràng nhưng đảm bảo được việc tuyển dụng, điều động, hoán đổi, sử dụng nhịp nhàng, thống nhất trong toàn quốc.

Chúng tôi mong rằng, việc quản lý nhà nước về nhà giáo được xây dựng trên yếu tố chuyên môn và chất lượng như vậy sẽ hướng đến việc quản lý chặt chẽ hơn, thực chất hơn và nhà giáo cảm thấy thoải mái hơn, tự do hơn trong hoạt động nghề nghiệp và có nhiều điều kiện để phát triển bản thân, đóng góp với nghề”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.


Thứ Ba, 07:11, 31/12/2024

VOV.VN trên Google News
Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024
VOVLIVE - Sáng 31/12, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 diễn ra tại trụ sở Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".
Mới nhất