Chỉ 1 trong 11 khoản chi từ quỹ xử lý chất thải là dành cho môi trường

Duy Phương/VOV-TP.HCM | 17/11/2022, 11:43

12 hiệp hội ngành nghề đại diện cho các doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về tính minh bạch của việc chi các khoản tiền vào mục đích môi trường.

Liên quan đến việc lấy ý kiến đóng góp dự thảo thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường để quản lý, sử dụng khoản quỹ tài chính do các doanh nghiệp đóng góp vào hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, 12 hiệp hội ngành nghề đại diện cho các doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về tính minh bạch của việc chi các khoản tiền vào mục đích môi trường.

Theo các hiệp hội, 2 điểm đáng chú ý về sự bất cập trong dự thảo là sử dụng không đúng mục đích khoản tài chính được đóng góp từ các doanh nghiệp và văn phòng EPR làm tăng biên chế.

Cụ thể, Điều 23 dự thảo quy định chi phí quản lý, điều hành văn phòng EPR bao gồm 11 loại nhưng chỉ có 1 loại chi phí dùng vào việc hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải. Còn lại 10 loại chi phí khác dành cho mua sắm tài sản, truyền thông, đối ngoại, hội nghị, hội thảo, chi hỗ trợ cho đảng bộ, đoàn thể… Trong khi đó, khoản 4 điều 54 Luật Bảo vệ môi trường quy định rõ khoản đóng góp tài chính chỉ sử dụng cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì và không sử dụng vào mục đích khác.

Cũng theo các hiệp hội, Điều 24 dự thảo quy định văn phòng EPR là đơn vị sự nghiệp công, tự chủ về biên chế và tài chính, lương thưởng như cán bộ trong biên chế là đi ngược lại quy định tại Nghị định 08/2022 của Chính phủ là văn phòng EPR làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Về vấn đề này, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho rằng một số nội dung trong dự thảo thông tư chưa bám sát quy định tại Nghị định 08/2022 của Chính phủ.

“Văn phòng của quỹ này hiện nhiều quyền hạn quá, mà quyền hạn đó có phù hợp theo các thông tư, nghị định hay chưa thì cũng cần làm rõ”, bà Chi nói.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, EPR - viết tắt tiếng Anh của "Trách nhiệm mở rộng sản xuất, nhập khẩu", nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tới khi sản phẩm, hàng hóa được thải bỏ. Để hỗ trợ chi phí cho việc tái chế sản phẩm và xử lý chất thải, các nhà sản xuất, nhập khẩu có chất thải gây ô nhiễm sẽ phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Hội đồng EPR quốc gia (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì) điều hành quỹ và văn phòng EPR là cơ quan giúp việc. Việc áp dụng thu quỹ sẽ bắt đầu từ năm 2023./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: "Càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng phải quyết tâm cao"
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt".
Mới nhất