'Chảo lửa' Nga - Ukraine tăng nhiệt ra sao trong 4 tháng qua?

Song Hy(Nguồn: AFP) | 16/02/2022, 11:44

Căng thẳng leo thang suốt 4 tháng qua khi phương Tây liên tục cáo buộc Nga chuẩn bị tấn công Ukraine và chỉ phần nào hạ nhiệt khi Moskva thông báo rút quân.

Nga huy động quân tới biên giới

Ngày 10/11/2021, NATO cảnh báo Nga đang có hành động gây hấn sau khi Washington báo cáo về việc Moskva điều động quân đội bất thường tới gần biên giới Ukraine. 

Tới ngày 28/11, Ukraine nói Nga điều động 92.000 binh sỹ để chuẩn bị cho một cuộc tấn công nước này vào tháng 1 hoặc đầu tháng 2/2022.

Nga bác bỏ cáo buộc này, nhấn mạnh Moskva có quyền điều động binh sỹ bên trong lãnh thổ quốc gia. 

Mỹ và NATO ra cảnh báo

Ngày 7/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo người đồng cấp Nga Vladimir Putin về các hậu quả nghiêm trọng nếu Moskva định mở một cuộc tấn công vào quốc gia láng giềng. 

Tới ngày 16/12, EU Và NATO tuyên bố Nga sẽ phải đối mặt với các hậu quả to lớn nếu có ý định động binh với Ukraine. 

'Chảo lửa' Nga - Ukraine tăng nhiệt ra sao trong 4 tháng qua? - 1

Mỹ và các nước phương Tây liên tục cảnh báo về một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine suốt 4 tháng qua. (Ảnh: AP)

Một ngày sau đó, Nga đưa ra dự thảo gồm 8 đề xuất với phương Tây, trong đó có yêu cầu NATO cam kết không kết nạp Ukraine và không mở rộng về phía đông nếu không muốn đối mặt các phản ứng quân sự tương tự Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. 

Nhà nước liên minh Nga và Belarus

Ngày 17/1, Nga điều động binh sỹ, khí tài tới Belarus để tham gia tập trận chung mà Moskva khẳng định là nhằm đẩy lùi hành động xâm lược của các nước khác trong chiến dịch phòng thủ, chống khủng bố và bảo vệ lợi ích của Nhà nước liên minh (Nga và Belarus).

Quan chức Mỹ nói lực lượng được Nga điều động vượt quá quy mô của một cuộc diễn tập thông thường. 

2 ngày sau, Washington thông báo viện trợ an ninh thêm 200 triệu USD cho Kiev. 

Mỹ rút người khỏi các đại sứ quán

Ngày 20/1, Tổng thống Biden cho rằng Nga "chuẩn bị có hành động về Ukraine" dù không nghĩ ông Putin đã đưa ra quyết định cuối cùng.

Tới 21/1, 3 nước Baltic là Estonia, Latvia và Litva tuyên bố sẽ gửi tên lửa chống tăng và phòng không để giúp Ukraine tự vệ.

Về phần mình, Nga yêu cầu NATO rút quân khỏi Romania and Bulgaria.

Ngày 22/1, Anh cáo buộc Moskva tính dựng một chính quyền thân Nga tại Ukraine và chuẩn bị kế hoạch tấn công Kiev. Nga khẳng định đây là thông tin sai lệch. 

Một ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu gia đình các nhà ngoại giao của nước này ở thủ đô Kiev của Ukraine rời khỏi Ukraine.

NATO đặt "chế độ cảnh giác cao nhất"

Ngày 24/1, NATO cho biết đang đặt lực lượng quân đội của họ trong “chế độ cảnh giác cao nhất” để sẵn sàng chiến đấu, đồng thời gửi thêm tàu chiến và điều động các chiến đấu cơ đến khu vực Đông Âu. 

'Chảo lửa' Nga - Ukraine tăng nhiệt ra sao trong 4 tháng qua? - 2

Nga nhiều lần bác bỏ khả năng tấn công Ukraine bất chấp cảnh báo từ phương Tây. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Tới 25/1, Moskva tiến hành cuộc tập trận với sự tham gia của 6.000 binh sỹ và 60 chiến cơ ở khu vực phía Nam gần Ukraine. 

Ngày 26/1, Washington thẳng thừng từ chối các đề xuất trước đó của Nga, khẳng định đó là các yêu cầu không thực tế và không thể chấp nhận. 

Ngày 28/1, Tổng thống Putin khẳng định phương Tây phớt lờ "những quan ngại cơ bản của Nga" về sự mở rộng của NATO và việc liên minh triển khai "các hệ thống vũ khí tấn công gần biên giới của Nga".

Ngày 31/1, Moskva cáo buộc Mỹ kích động "sự cuồng loạn" khi Washington nói 30.000 quân Nga sẽ được triển khai ở Belarus gần biên giới Ukraine vào đầu tháng 2. Tổng thống Putin cho biết ông hy vọng tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhưng cáo buộc Washington sử dụng Kiev như một "công cụ" chống lại Nga.

Các bên dồn quân

Ngày 2/2, Mỹ điều 3.000 binh sỹ tới Ba Lan, Đức và Romania nhằm củng cố các lực lượng NATO ở Đông Âu. Nga gọi là đây là "bước đi phá hoại”.

5 ngày sau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Moskva để thảo luận cùng ông Putin nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng. 

Ngày 10/2, Nga và Belarus bắt đầu tập trận chung. 

Không lâu sau đó, NATO cảnh báo việc tập trung lực lượng của Nga đã đạt tới "điểm nguy hiểm".

Nga rút quân

Tuy nhiên, tới 15/2, Nga tuyên bố một số đơn vị thuộc Quân khu miền Tây và Quân khu miền Nam của nước này trong ngày sẽ bắt đầu rút về các căn cứ sau khi kết thúc hoạt động diễn tập.

Về phần mình, Kiev khẳng định nỗ lực ngoại giao của họ với các đồng minh phương Tây đã ngăn chặn nỗ lực động binh của nước láng giềng. 

Song Hy(Nguồn: AFP)
Bài liên quan
Tài xế ô tô lao vào đám đông đón năm mới ở Mỹ, ít nhất 10 người chết
Ít nhất 10 người thiệt mạng và 30 người bị thương sau khi một chiếc xe lao vào đám đông trên phố Bourbon, New Orleans (Mỹ) đêm giao thừa.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình
Báo Điện tử VOV giới thiệu bài viết nhân dịp đầu năm mới 2025 có tựa đề "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc" của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Mới nhất