
Bà Bùi Thị Vân năm nay đã bước sang tuổi 80 tuổi, nhưng vẫn giữ được nước da trắng hồng, vẻ mặt trẻ hơn so với tuổi tác. Mỗi khi kể chuyện thời chiến, bà kể như một thước phim quay chậm.
Năm 1965, khi Mỹ đánh phá ác liệt, bà Vân mới tròn 16 tuổi nhưng vẫn muốn đóng góp sức mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thế là bà Vân trốn bố mẹ, khai tăng 2 tuổi để được tham gia thanh niên xung phong với nhiệm vụ làm đường, làm sân bay, san lấp hố bom. Là một trong những người trẻ nhất đội, nhưng bà Vân làm việc với tinh thần hăng say, không ngại khó, ngại khổ, không sợ hy sinh. Năm 1966, bà được kết nạp Đoàn, năm 1967 thì được kết nạp Đảng. 3 năm liền, bà là Chiến sĩ thi đua của đơn vị, vì thế năm 1968 bà được chuyển đến trạm 12, trực thuộc Bộ Tư lệnh 559. Khi Bộ Tư lệnh 559 được lệnh chọn một số nữ có sức khỏe, nhanh nhẹn sang lái xe, bà Vân tình nguyện xin học lái xe.
“Binh trạm chọn một số anh có tay lái vững, đưa chúng tôi ra sân bay Nam Đàn, Nghệ An học. Sau 45 ngày học lái, mỗi người được cấp cho một bằng lái xe tạm thời” - bà Vân nhớ lại.
Chị em lái xe hầu như ai cũng nhỏ bé, xe thì to, leo lên ngồi lọt thỏm trong cái ghế, chẳng quan sát được đường. Tuy nhiên bà Vân và chị em trong đội đã nhanh trí bảo nhau để cái chăn dưới mông, lấy cái can xăng 20 lít để phía sau lưng để quan sát đường cho rõ.
Để đảm bảo an toàn và bí mật, đội xe chủ yếu chạy vào ban đêm. Đèn trên xe đều tắt, chỉ có cái “đèn rùa” bằng ngón tay dưới gầm xe soi ánh sáng lờ mờ cho họ nhìn thấy đường. Lái xe đường trường nam giới đã vất vả, nữ giới còn vất vả bội phần. Có những cung đường một bên là vực thẳm, một bên là vách núi, trước mặt, sau lưng có thể bị dội bom bất cứ lúc nào, xe vào Nam thì chở hàng nặng, lúc ra thì chở thương binh đưa ra Bắc chữa trị, nhưng bà Vân và chị em trong Đại đội ai cũng vững vàng tay lái, không để xảy ra tai nạn gì.
Không chỉ lái xe, mọi người còn tự sửa xe khi hỏng hóc, rồi kiêm cả bốc vác hàng hóa, khiêng cáng thương binh, lúc cần người lại trở thành y tá băng bó vết thương cho thương binh.
“Khổ nhất là mỗi lần làm lốp, nhíp, các anh nam giới tay khỏe chỉ cần dùng tay vặn một hơi là lốp rời ra để thay lốp mới, còn chị em chân yếu tay mềm, cố hết sức vặn mà cái ốc vẫn không xoay chuyển, họ bèn bảo nhau dùng chân đạp để nới ốc lỏng ra mới vặn được bằng tay. Hút xăng cũng thế, xe có thùng xăng ở trên, đến điểm nghỉ, lái xe phải cắm vòi hút xuống. Nam giới khỏe hút một hơi là được, chỉ em hút phùng má mấy hơi xăng mới xuống, có khi hút mạnh quá xăng chảy mạnh chúng tôi nuốt cả xăng” - bà Vân nhớ lại.

Ở đội nữ lái xe ngày ấy, bà Vân được các anh bộ đội gọi là hoa khôi. Bà Vân cũng rất lãng mạn hay cài lá và hoa rừng trong cabin. Chẳng thế mà không ít anh bộ đội phải lòng cô lái xe dũng cảm, xinh đẹp này. Thế nhưng ở trong Đại đội ngày đó có khẩu hiệu: “3 khoan” khoan yêu, khoan lấy; khoan sinh con.
Một hôm, chở thương binh ra Bắc cũng như mọi lần, bà Vân dìu và cõng các anh lên xe. Một anh thương binh tên Nguyễn Trần Đừng (quê Hà Nội) khi được bà cõng lên xe rồi đưa về trạm điều dưỡng đã phải lòng bà. Vì đang thực hiện “3 khoan” bà Vân chẳng dám để ý đến ai.

Rồi bà nhận được thư, nhưng không đề tên Đừng, mà đề tên người khác. Đọc thư, bà Vân biết đó là người thương binh mình đã cõng nhưng bà cũng không trả lời vì đang chấp hành “3 khoan”.
Khi có việc đến trạm điều dưỡng, bà gặp lại anh thương binh Nguyễn Trần Đừng. Ông Đừng hỏi bà: “Em có nhận được lá thư bạn anh viết cho em không?”.
Bà Vân bật cười nói: "Anh bảo bạn anh yêu mà không dám nói, tôi sắp sửa xây dựng gia đình rồi đấy".
Nghe vậy, ông Đừng vội vàng nói thật, rằng thư là do ông viết.
Rồi ông bà chính thức làm quen nhau, nhưng chưa yêu đương gì. Sau 1 năm, chân ông Đừng đã khỏi, ra viện và làm ở Đông Anh (Hà Nội), cứ chiều chiều là đạp xe xuống Thường Tín thăm bà Vân
“Có những hôm mưa rét anh cũng đến. Tôi đi làm về thấy anh đứng ở cổng, không dám vào. Thấy anh kiên trì như vậy, tôi đã động lòng mà đồng ý”- bà nhớ lại.
Ông Đừng dẫn bà Vân về xin phép gia đình, gia đình ông cũng lăn tăn, sợ ông lấy cô lái xe đi đường xóc thế thì sinh con đẻ cái thế nào được. Thế nhưng ông vẫn quyết tâm cưới bà.
Năm 1975, vợ chồng bà Vân cưới nhau. Kết quả của tình yêu đẹp ấy là 5 đứa con lần lượt ra đời. Bây giờ ông bà đã có 11 đứa cháu cả nội ngoại. "Những năm tháng lái xe Trường Sơn là ký ức không thể nào quên với mỗi chúng tôi, với riêng tôi, những chuyến đi ấy còn giúp tôi tìm được mái ấm hạnh phúc cho mình" - bà Vân xúc động chia sẻ.