Cẩn trọng biến chứng của viêm não Nhật Bản

Thúy Ngà/VOV1 | 07/07/2024, 14:30

Vào mùa hè, bệnh viêm não Nhật Bản thường gia tăng mạnh trong cả nước, nhất là các tỉnh miền Bắc. Đây là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Do vậy, tại các thời điểm trong năm có thời tiết thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển thì đó là mùa dịch viêm não Nhật Bản.

Những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ươmg  tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản vào điều trị. Tuy nhiên, việc chẩn đoán, phát hiện và đến cơ sở y tế muộn đã khiến trẻ gặp những di chứng khó hồi phục. 

Sau gần một tuần điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi 9 tháng tuổi bị viêm não Nhật bản mới tỉnh táo, có thể tương tác với mẹ của em là chị Vi Thị Lan quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang: "Em nghĩ ở nhà sốt mọc răng thôi, sau khi điều trị ở huyện hết sốt thì bị co giật, em không nghĩ là bị viêm não nhật bản đâu, bởi vì chưa đến tuổi, BS bảo bé này bị sớm hơn tuổi, lúc đấy không sốt đâu nhưng khó thở các thứ, mặt mũi lúc đó bị hôn mê".

Sau gần 1 tháng nằm viện, bệnh nhi 11 tuổi bị viêm não Nhật Bản ở Hưng Yên đã bị các di chứng về vận động, thần kinh, hiện em vẫn trong tình trạng hôn mê phải nằm thở máy tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương.  Chị Nguyễn Thị Lựu, mẹ của bệnh nhi cho biết: "Em cứ nghĩ tiêm 3 mũi là đủ rồi, lên các bác bảo phải tiêm nhắc lại mới biết, cháu thì bây giờ không còn sốt nữa, cháu vẫn trong trạng thái các bác chăm sóc rất kỹ, nếu so bây giờ không được như trước, cháu đang có biểu hiện di chứng bệnh viêm nào".

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện nhi Trung ương đã ghi nhận gần 30 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Đa phần bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng, sốt cao liên tục, co giật, hôn mê... Nếu bệnh nhẹ và vừa, trẻ sẽ có khả năng hồi phục dần. Với trẻ bị viêm não Nhật Bản điều trị muộn, trẻ có thể gặp các di chứng như rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường... BS Nguyễn Văn Hoàng, Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện Trung tâm cũng đang điều trị cho một số bệnh nhi viêm não Nhật bản nặng, bị di chứng liệt tứ chi,tổn thương não, hô hấp phụ thuộc vào máy thở:

"Các bệnh nhân này qua giai đoạn đtri phù não sẽ điều trị tình trạng di chứng, với trẻ di chứng có thể cai máy thở sớm thì sẽ cai, nếu cai máy thở khó khăn sẽ phải  mở khí quản hoặc sẽ  tiếp tục chăm sóc thở máy tại đơn vị tuyến dưới cho bệnh nhân, tình trạng di chứng này sẽ lâu dài"- BS Hoàng nói.

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các triệu chứng ban đầu của bệnh viên não Nhật Bản rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như sốt, nôn ói, đau đầu, lơ mơ… Nhiều phụ huynh chủ quan, bỏ qua các triệu chứng cảnh báo này nên khi trẻ được đưa tới bệnh viện thì tình trạng đã nặng. Theo BS Đỗ Thiện Hải, dù những tiến bộ trong điều trị đã giúp giảm tử vong ở bệnh nhi viêm não Nhật Bản xuống dưới 5%, song có tới 40 đến 50% trẻ bị các di chứng sớm hoặc lâu dài. Chính vì vậy, tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

"Một trong những vấn đề chúng ta cần xem lại ngay là xem con em mình đã tiêm viêm não Nhật Bản đầy đủ chưa để có thể kịp thời đi tiêm. Vì các loại viêm não do virus thường khá ổn định, nhưng với viêm não Nhật Bản tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao và bệnh viêm não do virus có lẽ là duy nhất có vắc xin phòng bệnh hiệu quả. Cho nên cần xem xét xem con mình tiêm đầy đủ chưa, tiêm nhắc lại đúng hẹn chưa. Thứ 2 khi trẻ biểu hiện sốt, buồn nôn, đau đầu, ngủ nhiều thì chúng ta ta phải đưa đến y tế khám ngay, để nếu viêm não chúng ta điều trị chống viêm, chống phù nề tế bào thần kinh sớm thì hiệu quả điều trị rất tốt"- BS Hải cho biết.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo, cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản chung  là vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em. Để chủ động phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện tiêm chủng với 3 liều cơ bản, gồm: Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Bài liên quan
Ca tử vong do mắc sởi đầu tiên trong năm 2024 ở Đồng Nai
VOVLIVE - Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên trong năm 2024 do mắc bệnh sởi.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tìm được người tài để vận hành bộ máy
VOVLIVE - Người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.
Mới nhất