Cách làm bánh gio chấm mật đơn giản, thỏa mãn cơn thèm

CTV Trần Ngân/VOV.VN (Tổng hợp) | 10/10/2020, 19:49

Bánh gio hay còn được gọi là bánh tro là một thức quà đậm đà hương vị ẩm thực của người Việt. Miếng bánh mềm mịn, thơm mùi đặc trưng, chấm với mật ngọt ngào ngất ngây.

Bánh gio là một trong những món ăn cổ truyền quá đỗi quen thuộc của người Việt. Cùng với tốc độ đô thị hóa, hàng trăm loại bánh được biến tấu, được nhập khẩu nhưng làm so sánh được hương vị đặc biệt của thức quà quê hương.

Trước đây bánh gio chỉ được làm để cúng thờ gia tiên vào những dịp lễ đặc biệt, hoặc không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên hiện nay loại bánh này được làm cả năm để đáp ứng nhu cầu, sở thích của người dân.

Bây giờ hãy bắt tay vào khâu chuẩn bị nguyên liệu ngay thôi nào!

- Gạo nếp ngon khoảng 1,5kg

- Nước gio (tro) được làm từ tro cây tầm gửi, vỏ bưởi, quả xoan, cây dền gai, rơm nếp hòa cùng nước, để lắng đọng qua đêm. Sau đó lấy phần nước trong để làm bánh.

- Chuẩn bị lá dong loại lá bé hoặc lá dong giềng

- Nguyên liệu không thể thiếu nữa là mật mía

Công đoạn làm bánh

Bước 1. Vo gạo nếp thành nhiều lần, đến khi nước vo không còn màu đục thì đổ vào nồi hoặc âu ngâm nước lạnh hòa chút muối. Ngâm từ 5 đến 6 tiếng sau đó đãi, vo lại bằng nước sạch.

Bước 2. Sử dụng nước gio để ngâm gạo, mực nước phải đủ để ngập mặt gạo trong nồi. Gạo được ngâm từ 20 đến 22 tiếng. Hãy kiểm tra bằng cách bóp nhẹ hạt gạo, nếu hạt mềm vỡ ra là đã đủ thời gian ngâm.

Bước 3. Sau khi ngâm gạo đủ thời gian hãy xả sạch lại với nước lạnh, xóc thêm với một chút muối để bánh được đậm đà. Sau đó để ráo gạo.

Bước 4. Lá dong sau khi đã rửa sạch sẽ được đem chần qua, lá mềm, dai khi gói sẽ dễ hơn, không bị rách.

Bước 5. Hãy thật khéo léo xếp 2 lá lên trên nhau, để mặt lá xuống dưới. Tiếp tục múc lượng gạo vừa đủ dàn đều trên lá. Chú ý lượng gạo vừa phải nếu quá nhiều gói bánh sẽ bị bục. Cuộn lá lại và dùng dây lạt buộc chặt bánh.

Bước 6. Xếp bánh vào nồi, đổ đầy nước sao cho nước ngập phần bánh. Bánh sẽ được luộc chin trong khoảng 2 – 2,5 tiếng. Hãy canh thời gian không để quá lâu, bánh sẽ bị bục. Sau khi vớt bánh hãy xả lại với nước lạnh và để ráo.

Bước 7. Tiếp tục với công đoạn làm mật mía để chấm bánh. Bạn cũng có thể chấm trực tiếp với đường. Còn nếu chấm với mật mía thì “chuẩn đúng vị”.

Cách làm mật mía vô cùng đơn giản, bạn sử dụng một lượng đường vừa phải cho vào nồi đun nóng chảy, thêm một chút nước, một chút nước cốt chanh để mật mía có màu cánh gián đẹp mắt, cũng không bị đắng. Đun cho tới khi mật mía đã chuyển thành dạng đặc quánh, sền sệt là được.

Ăn bánh gio cũng khá đặc biệt, không nên ăn nóng. Ăn bánh phải để nguội, chấm với mật mía. Vị ngai ngái của tro, miếng bánh man mát kết hợp với vị ngọt của mật mía, ngon không gì sánh bằng. Thật là một thức quà quê hương tuyệt vời, cứ đi xa là nhớ.

Có thể bạn chưa biết đến những công dụng tuyệt vời từ loại bánh này mang lại. Bánh gio có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, thải độc cho cơ thể để phòng và góp phần chữa một số bệnh cần lợi tiểu như tăng huyết áp, thống phong (gút) sỏi thận... Vì vậy hãy yên tâm thưởng thức loại bánh dân dã này nhé!/.

Bài liên quan
Món bánh núng nính như thạch, tên nghe lạ hết sức trên mâm cúng Rằm tháng Giêng
Trên mâm cỗ cúng của nhà bạn có món bánh “nhầy nhầy”, núng nính như thạch này không? Gợi ý, khi ăn chấm với mật mía rất hợp đó.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Indonesia thưởng thức phở, ngắm cảnh Hồ Gươm
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cùng các thành viên Bộ Ngoại giao hai nước đã ăn sáng với phở, uống cà phê và đi bộ ngắm Hồ Gươm.
Mới nhất