Các trường "kêu" khó thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm

Nguyễn Trang/VOV.VN | 23/08/2024, 09:25

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP nhằm tháo gỡ những khó khăn về thiếu hụt đội ngũ giáo viên thông qua cơ chế hỗ trợ sinh hoạt phí và học phí cho những sinh viên đang theo học ngành sư phạm và có nguyện vọng làm việc lâu dài trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nghị định này thời gian qua còn một số vướng mắc.

Theo Nghị định 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Ngoài ra, sinh viên còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. 

Nghị định cũng quy định, nếu thuộc các trường hợp sau, sinh viên sẽ phải bồi hoàn số tiền hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt đã nhận gồm: Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định; Sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu Trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, sau 4 năm thực hiện nghị định 116, chính sách này đã có tác động rất lớn với các trường sư phạm, thu hút rất nhiều sinh viên có mong muốn được học và trở thành giáo viên. Năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải Olympic quốc tế đăng ký xét tuyển, trong đó số lượng nhập học chính thức khoảng 100 em. Thống kê của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy số lượng học sinh đăng ký vào các ngành sư phạm vài năm trở lại đây rất cao. Điều này cho thấy nghị định 116 đã giúp tạo thêm động lực cho sinh viên lựa chọn ngành sư phạm. Song trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc cần tìm cách tháo gỡ.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, hiện nay giáo viên đang thiếu cục bộ cả về môn học và theo địa phương. Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm điều hành về hệ thống để đảm bảo đủ giáo viên cả nước. Trên cơ sở đặt hàng của địa phương, Bộ GD-ĐT phân chỉ tiêu cho các trường đào tạo sư phạm. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào đặt hàng của các địa phương là rất khó. Ví dụ, ngành giáo dục đặc biệt không có địa phương nào đăng ký, nhưng đây là nhu cầu thực của xã hội, không thể bỏ rơi những học sinh này. Nếu Bộ chỉ căn cứ vào đặt hàng của các địa phương để phân bổ chỉ tiêu cho các trường là rất khó.

Do đó, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc cung cấp kinh phí cho sinh viên sư phạm theo đặt hàng của địa phương nên thay đổi cách làm. Theo đó, thay vì cấp kinh phí hỗ trợ ngay trong quá trình học, nên chuyển sang hướng cấp bù sau khi sinh viên đã tốt nghiệp và công tác trong ngành giáo dục. Như vậy sẽ linh hoạt hơn trong cách đào tạo giáo viên, việc chuyển đổi giữa các môn học của sinh viên cũng thuận lợi hơn.

“Có thể cho sinh viên sư phạm vay tín dụng lãi suất thấp, sau khi tốt nghiệp, nếu các em làm trong ngành giáo dục sẽ được hoàn trả toàn bộ kinh phí, như vậy sẽ thuận tiện hơn cho các trường sư phạm”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn kiến nghị.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng cho rằng, sau 4 năm thực hiện Nghị định 116, có thể thấy đây là chủ trương rất đúng đắn với lĩnh vực đào tạo giáo viên, giúp sinh viên sư phạm yên tâm về điều kiện kinh tế để tập trung học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn có nhiều khó khăn.

“Trong nhiều trường hợp, dù đã làm đơn để được hưởng chính sách, nhưng không ít sinh viên vì lý do nào đó lại thôi học, bỏ dở giữa chừng, trong khi tiền hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí nhà trường đã cấp đầy đủ.

Áp dụng từ năm 2021, đến nay chưa có sinh viên hưởng chính sách trong Nghị định 116 tốt nghiệp, song các trường đã hình dung được bức tranh khi sinh viên ra trường còn nhiều vướng mắc. Bởi các địa phương đặt hàng các trường đào tạo giáo viên, song lại chưa có chế độ tuyển thẳng đặc cách hay phân việc mà vẫn phải qua quy trình tuyển dụng theo Nghị định 115. Trường hợp sinh viên không được tuyển dụng để làm đúng ngành giáo dục thì ai sẽ là người thu hồi số tiền học phí và sinh hoạt phí đã cấp theo Nghị định 116?”, PGS.TS Nguyễn Văn Tuân đặt câu hỏi.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cũng cho rằng, nhiệm vụ, chuyên môn chính của các trường là đào tạo, do đó công tác thu hồi học phí của sinh viên sẽ rất khó khăn.

Từ thực tế trên, PGS.TS Nguyễn Văn Tuân cũng đề xuất nên miễn học phí cho sinh viên sư phạm, về phần sinh hoạt phí, nhà nước có thể ban hành chính sách hỗ trợ sinh viên vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay.

Một lãnh đạo Sở Nội vụ tại địa phương cũng cho rằng quá trình giao chỉ tiêu, đặt hàng, đấu thầu đến chi ngân sách theo nghị định 116 không gặp khó, nhưng các địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn khi sinh viên tốt nghiệp mà không làm việc trong các cơ sở giáo dục. Khi đó, địa phương sẽ phải đòi lại khoản tiền hỗ trợ: “Chính quyền địa phương không phải cấp đi thu hồi khoản tiền này, nếu sinh viên nhận hỗ trợ nhưng không đáp ứng theo yêu cầu của Nghị định 116 là trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp phải làm việc tại các cơ sở giáo dục, nếu không sẽ phải hoàn trả lại khoản tiền đã nhận, chính quyền địa phương phải đứng ra thu hồi. Sẽ phải thu hồi thế nào trong khi sinh viên ra trường còn khó khăn, việc làm chưa có? Nếu địa phương không thu hồi được đồng nghĩa với việc làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, dù địa phương đã đặt hàng các trường đào tạo theo Nghị định 116, nhưng sau khi tốt nghiệp vẫn phải thi tuyển bình thường theo quy định của Nghị định 115 và Thông tư 06 của Bộ Nội vụ. Như vậy nếu quy trình tuyển dụng này anh không trúng tuyển vào được các cơ sở giáo dục thì số tiền đã nhận vẫn phải trả lại”.

Bài liên quan
Các khoản phí bủa vây tân sinh viên, 'con đi học cả nhà phải nhịn miệng'
VOVLIVE - Ngay ngày đầu nhập học, nhiều tân sinh viên phát sốt khi nhìn vào bảng học phí cùng các khoản phụ thu của nhà trường.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
VOVLIVE - Trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn Cách mạng mới".
Mới nhất