Bản đồ sử dụng dữ liệu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho thấy có ít nhất 27 mối xung đột và bản chất của các xung đột đang hiện hữu trong thế giới đương đại.
Chi tiết các mối xung đột
Nhiều người, đặc biệt là những người ở phương Tây, chưa bao giờ trải qua một cuộc chiến tranh. Nhưng xung đột, chiến tranh và bạo lực hoàn toàn không phải là quá khứ. Theo Dự án Dữ liệu Sự kiện và Vị trí Xung đột Vũ trang (Armed Conflict Location and Event Data - ACLED), chỉ riêng trong quý 2 năm 2021, trên toàn thế giới, bạo lực đối với dân thường đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người; số người chết liên quan đến các trận chiến lên tới hơn 18.000 người; chất nổ/bạo lực từ xa làm hơn 4.000 người chết; các cuộc bạo loạn khiến hơn 600 người thiệt mạng.
Hầu hết các cuộc xung đột trên thế giới tập trung ở châu Á, châu Phi và các hình thức phổ biến nhất là tranh chấp lãnh thổ và nội chiến. Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations - CFR), trong khi chủ nghĩa khủng bố thường gây ra nỗi sợ hãi khủng khiếp cho mọi người, chỉ có ba trong số các cuộc xung đột đang diễn ra trên thế giới có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố.
Theo tổ chức CFR, 27 cuộc xung đột bao gồm các xung đột liên quan đến nội chiến ở Nam Sudan, Yemen, Lybia, Syria, Afghanistan, Iraq; bạo lực hình sự ở Mexico; đối đầu giữa Mỹ và Iran, Ấn Độ và Pakistan, Mỹ và Triều Tiên; bất ổn chính trị tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Lebanon, Venezuela, Ethiopia.
Còn xung đột môn phái quan sát thấy ở Nigeria, Cộng hòa Trung Phi, Myanmar; trang chấp lãnh thổ ở Nagorno-Karabakh, Ukraine, Palestine và Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm người Kurd có vũ trang, Biển Đông, Biển Hoa Đông; các xung đột liên quan đến khủng bố, như bất ổn đáng diễn ra ở Mali, ở Al-Shabab (Somalia), và với lực lượng dân quân Hồi giáo ở Pakistan.
Ví dụ về một cuộc xung đột điển hình hơn, đó là tình trạng bất ổn dân sự của Myanmar bắt đầu vào tháng 2/2020 khi quân đội lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ và bắt giữ nhà lãnh đạo đất nước Aung San Suu Kyi. Dân chúng đã phản đối dữ dội nhưng vô ích. Theo báo cáo của BBC, tại nước này, hơn 860 người đã thiệt mạng và khoảng 5.000 người bị giam giữ.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ về bạo lực dai dẳng ngày nay, bao gồm các sự kiện gần đây như bạo lực bầu cử giữa kỳ ở Mexico, cuộc giao tranh tại vùng Tigray của Ethiopia và cuộc chiến tranh giữa Israel và Palestine. Cuối cùng, mặc dù quân đội Hoa Kỳ hiện đã rút khỏi Afghanistan và Taliban đã nắm quyền kiểm soát đất nước, tương lai của đất nước nghèo đói và đau thương này vẫn rất mờ mịt.
Chiến tranh và hòa bình
Trong các cuộc xung đột hiện nay, số người chết vì bạo lực và chiến tranh đã giảm dần theo thời gian. Ví dụ, tỷ lệ tử vong do chiến đấu trong các cuộc xung đột giữa các quốc gia đã giảm đáng kể trong giai đoạn từ năm 1946 đến năm 2016.
Tuy nhiên, theo Liên Hợp Quốc (LHQ), mặc dù số người chết liên quan đến chiến trận ngày càng giảm, số lượng các cuộc xung đột xảy ra trong vài năm gần đây thực sự đang gia tăng (đơn giản là chúng ít gây chết người hơn). Hầu hết các cuộc xung đột đều do các thành phần phi nhà nước, như các nhóm tội phạm có tổ chức và phiến quân, tiến hành.
Theo LHQ, những nguyên nhân phổ biến nhất của xung đột hiện nay là: căng thẳng khu vực; sự phá vỡ pháp quyền; tình trạng vô chính phủ; thu lợi bất chính về kinh tế; sự khan hiếm tài nguyên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Chiến tranh truyền thống giữa các quốc gia và những cái chết liên quan đến chiến tranh có thể đã trở thành dĩ vãng, nhưng hiểm họa bạo lực vẫn rất phổ biến. Nhận thức được điều này, nhiều quốc gia tiếp tục xây dựng quân đội và chi những khoản tiền khổng lồ cho quân sự và quốc phòng.
Tương lai của chiến tranh
Chiến tranh và xung đột trong thế kỷ 21 vẫn còn hiện hữu và ảnh hưởng đến hàng triệu người. Tuy nhiên, chiến tranh truyền thống có thể đang thay đổi hình dạng và kết quả là có thể trở nên ít chết chóc hơn. Ví dụ, các vấn đề như biến đổi khí hậu và các hình thức chiến tranh mạng và công nghệ mới có thể đe dọa các cuộc bầu cử của các quốc gia…, sẽ làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột./.