Cà Mau gìn giữ hồn cốt đất rừng U Minh hạ

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL | 19/05/2022, 06:26

Qua việc bảo vệ đa dạng sinh học, giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của cha ông dưới tán rừng, người dân vùng đất U Minh hạ đã và đang giữ lấy hồn cốt của vùng rừng giàu tài nguyên bậc nhất cả nước.

Gìn giữ những tán rừng U Minh hạ

Nói về đất rừng U Minh hạ, xưa nay người đi kẻ đến thường truyền tai nhau về sự đa dạng các loài động, thực vật ẩn lấp trong những tán rừng tràm hoang sơ, kỳ bí. Dưới tài kể chuyện của bác Ba Phi thì nào là rắn hổ mang to đến mức phải 3 vòng tay người lớn ôm mới hết; câu ếch mẹ phải dùng mồi là con vịt mái hay cọp say lúa... Ai cũng biết, đây là những câu chuyện ông Ba Phi kể để làm trò tiêu khiển sau những giờ làm việc mệt nhọc. Nhưng nó còn được cường hóa dựa trên chính sự đa dạng sinh học tại đất rừng U Minh hạ ngày đó. Vườn Quốc gia U Minh hạ là biểu tượng cho sự trù phú đó.

Đến với Vườn Quốc gia U Minh hạ là đến với tán rừng tràm bạt ngàn. Dưới tán rừng đó là nơi sinh sống của 32 loài thú, 74 loài chim, 36 loài bò sát và hàng chục loài lưỡng cư, thuỷ sản. Trong đó, có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới cần được bảo vệ như: rắn mái gầm, rắn hổ mang chúa, tê tê, diệc lửa, dơi ngựa, rái cá lông mũi,...

Chỉ cần đi ngoài bìa rừng, du khách dễ dàng bắt gặp những chú khỉ leo trèo, may mắn còn có thể thấy cả lợn rừng hay nai. Những tổ ong to như cánh cửa sổ nằm vắt vẻo trên nhánh tràm. Vào buổi chiều tối, những đàn cò hàng trăm con bay về tổ... Đó là những khung cảnh không phải ở đâu cũng có nhưng lại rất phổ biến ở Vườn Quốc gia U Minh hạ. Chính vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ chính là bảo tồn, Vườn Quốc gia cũng đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch trải nghiệm để phục vụ du khách.

Chị Lý Hồng Thơ, người dân đến từ tỉnh Bạc Liêu đã rất bất ngờ khi trên tuyến đường vào tham quan Vườn Quốc gia U Minh hạ có hàng chục con khỉ leo trèo hai bên đường như chào đón mình. Tiếng chim hót líu lo trong những tán rừng tràm cao vút cũng như làm chị Thơ trút bỏ được sự mệt mỏi sau những ngày làm việc cực nhọc. Theo chị Thơ, cảnh vật êm đềm cùng không gian thoáng mát và không khí trong lành khiến con người thấy thư thái, thoải mái hơn; trái ngược với cuộc sống thành thị đầy khói bụi và hối hả.

Nét văn hóa ẩm thực độc đáo

Trong các loại cá đồng phổ biến được khai thác ở vùng đất rừng U Minh, cá sặc bướm là nhiều nhất nhưng giá trị thấp nhất. Tuy nhiên, qua bàn tay của những thợ nghề thì mắm cá sặc bướm U Minh lại ngon nhất và giá trị nhất. Cũng chính con mắm sặc đã tạo ra hương vị riêng để lẩu mắm địa phương thành đặc sản. Góp phần “nâng tầm” lẩu mắm xứ rừng U Minh còn có sự hòa quyện của những sản vật tự nhiên. Những con cá lóc, rô, trê, lươn, đọt choại, bông so đũa,... không nơi này thì nơi khác sẽ có; nhưng ở đất rừng U Minh thì có tất cả và dễ tìm để làm thành món ăn khiến bao du khách mê mẩn.

“Lẩu mắm U Minh” của tỉnh Cà Mau đã lọp vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Nơi đất rừng U Minh hạ còn có “Mật ong rừng U Minh hạ” - sản phẩm quà tặng nằm trong top 100 tại Việt Nam. Sản phẩm mật ong của đất rừng U Minh hạ gắn liền với nghề gác kèo ong truyền thống của người dân địa phương. Xa xưa, trong khi chờ đến chu kỳ thu hoạch cây tràm, người dân đất rừng sống nhờ hoa lợi dưới tán rừng mà nguồn thu nhập chính của họ là mật ong. Người dân nơi đây không còn biết chính xác nghề gác kèo ong hình thành từ bao giờ, chỉ biết ông cha họ từ nhiều đời trước đã biết gác kèo ong và cứ thế truyền lại cho con cháu.

Nghề “Gác kèo ong” đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2019. Còn sản phẩm “Mật ong U Minh hạ” được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2012. “Mật ong rừng U Minh hạ” cũng từ đó mà ngày càng vươn xa, có giá trị hơn. Người dân làm du lịch nơi đất rừng đã khéo léo tận dụng thương hiệu này để làm sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Anh Phạm Duy Khanh - Chủ khu du lịch sinh thái Mười Ngọt, ngay từ khi đưa khu du lịch vào khai thác năm 2015 đã lấy trải nghiệm nghề gác kèo ong là một trong những điểm nhấn tham quan. Anh Khanh phối hợp cùng người dân địa phương, tổ chức cho du khách đi bắt ong, chụp đìa. Khu du lịch Mười Ngọt cũng bao tiêu các sản phẩm người dân khai thác được dưới tán rừng từ mật ong, cá đồng đến các loài rau dại. Khi sản vật dưới tán rừng tràm nhờ du lịch mà có hiệu quả kinh tế ngày càng cao thì người dân càng ý thức hơn trong bảo vệ rừng, cũng như duy trì, phát triển nghề truyền thống của ông cha.

Anh Phạm Duy Khanh bày tỏ: "Vùng rừng U Minh là một trong những tán rừng giàu tài nguyên. Nhiều đời nay người dân chúng tôi đã được hưởng lợi dưới tán rừng. Tôi hy vọng bà con sẽ tiếp tục duy trì nghề gác kèo ong không chỉ vì mang lại giá trị kinh tế cao mà còn là duy trì nghề truyền thống của ông cha. Tôi cũng mong muốn bảo vệ được nguồn tài nguyên của rừng".

Giữ hồn cốt đất rừng U Minh hạ để phát triển du lịch

Toàn lâm phần rừng U Minh hạ có diện tích khoảng 43.000 ha, nằm chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh. Khoảng những năm 2010, ngoài cây keo lai chiếm ưu thế phát triển bên cạnh cây tràm truyền thống thì khó kiếm được mô hình sản xuất nào khác để người dân đất rừng vươn lên. Đồng đất U Minh khi đó vẫn thiếu những mô hình du lịch bài bản để phục vụ du khách.

Ngày nay, những vườn cây ăn trái xum xuê đã khá phổ biến; mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đã được đầu tư bài bản; mô hình trồng rau sạch trong nhà kính đã ra đời;... Vùng ngọt của tỉnh Cà Mau trồng được cây gì, nuôi được con gì thì đất rừng U Minh có cái đó. Vùng đất rừng còn vượt trội về sản vật tự nhiên và người dân đã tận dụng tất cả lợi thế đó để hình thành lên các khu du lịch sinh thái như Mười Ngọt, Hương Tràm, Hoa Rừng,...

Những khu du lịch này đều có 1 điểm chung là hướng du khách tới những tán rừng tràm bạt ngàn. Trước đây, chưa làm du lịch người dân phá rừng tràm trồng keo lai. Từ khi làm du lịch, những tán rừng tràm được tôn tạo, mở rộng, thậm chí đưa về với nét hoang sơ vốn có. Những cánh rừng U Minh trở thành nét đặc trưng và là lợi thế để các khu du lịch tại đây cạnh tranh với những điểm đến khác.

Khu du lịch sinh thái Hương Tràm được hình thành trên diện tích 30 ha, trước đây, một phần đất để trồng keo lai, một phần thì cỏ dại mọc nhiều hơn cây gỗ nhưng nay 20 ha rừng tràm đã được tái tạo. Hệ sinh thái dần được phục hồi, thu hút du khách tìm đến trải nghiệm và thưởng thức các sản vật tự nhiên dưới tán rừng. Ông Giang Hoàng Hon - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Hương Tràm mở tour đưa khách đi tham quan Vườn Quốc gia U Minh hạ bằng xuồng máy, rồi đi tham quan gác kèo ong mật, đặc biệt khi vào mùa khô. Đơn vị cũng khai thác một số trò chơi dân gian mới, cùng với gác kèo ong thì đi câu cá đồng cũng là sản phẩm thu hút du khách.

Định hướng của tỉnh Cà Mau là phát triển du lịch xanh; trong đó, vùng đất rừng U Minh có ưu thế rất lớn. Người dân đất rừng U Minh cùng cơ quan chức năng địa phương đang tận dụng và nâng tầm các sản vật vốn có để phát triển du lịch sinh thái. Các sản vật đất rừng nhờ du lịch mà ngày càng có giá trị hơn. Mối quan hệ tương hỗ này đang góp phần đưa kinh tế đất rừng U Minh phát triển. Người dân cũng ngày càng nhận thức rõ giá trị của tán rừng tràm. Qua việc bảo vệ đa dạng sinh học, giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của cha ông dưới tán rừng, người dân vùng đất U Minh hạ đã và đang giữ lấy hồn cốt của vùng rừng ngập ngọt giàu tài nguyên bậc nhất cả nước./.

Bài liên quan
Ước mơ của cô gái không tay ở đất rừng U Minh Hạ
Sinh ra không có đôi tay, nhưng em Đỗ Thị Ngọc Mãi (ở xã Khánh Hòa, huyện U Minh, Cà Mau) không chấp nhận số phận. Em luôn nỗ lực học giỏi để hướng tới ước mơ trở thành giáo viên môn Anh Văn. Dù ý chí của em chưa bao giờ dừng lại, thế nhưng ước mơ của em thì có thể sẽ phải dừng lại bởi những khó khăn nối tiếp khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất