Bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10: 'Trò chơi may rủi, học sinh càng thêm áp lực'

07/10/2024, 14:26

Nhiều chuyên gia, giáo viên không ủng hộ phương án bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10 năm tới, hầu hết đều đề xuất nên cố định môn thi để học sinh thuận lợi ôn tập.

Thi cử không phải trò chơi may rủi

Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến các địa phương về dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong đó, phương án thi tuyển vào lớp 10 được đông đảo phụ huynh, học sinh quan tâm.

Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến các địa phương về dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong đó, phương án thi tuyển vào lớp 10 được đông đảo phụ huynh, học sinh quan tâm.

Theo đề xuất của Bộ, kỳ thi vào lớp 10 từ 2025 trở đi sẽ gồm 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và một môn do Sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn còn lại trong chương trình giáo dục phổ thông mới (Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật). Môn thi được bốc thăm công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10: 'Trò chơi may rủi, học sinh càng thêm áp lực' - 1

Hầu hết chuyên gia, giáo viên không đồng tình phương án bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Cô Nguyễn Thị Thu (giáo viên THCS Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, có thể mục đích của Bộ GD&ĐT đưa ra để tránh tình trạng học lệch, học tủ các môn. Tuy nhiên, việc bốc thăm này khiến nhà trường, giáo viên, cả phụ huynh khó cho định hướng học, thi cũng như định hướng nghề cho các em, "giống như trò chơi may rủi, càng khiến học sinh, phụ huynh thêm áp lực, căng thẳng kỳ thi vào lớp 10".

"Bộ GD&ĐT chỉ nên giao về cho các địa phương tự quyết, tăng tính chủ động, phân quyền và chịu trách nhiệm. Người đứng đầu các địa phương sẽ chọn vào ban hành quyết định căn cứ vào tham mưu của Sở GD&ĐT, giống các năm trước, không nên đổi mới", nữ giáo viên nói. Qua đó, giúp học sinh có định hướng ngay từ các năm đầu cấp THCS, phù hợp với đề án phát triển ngành giáo dục và đặc thù của địa phương.

Cô Nguyễn Thị Thu cũng đề xuất, nếu thực sự muốn đổi mới thì Bộ GD&ĐT nên để học sinh tự chọn môn thi thứ 3, ngoài hai môn Toán, Ngữ văn.

Sở dĩ cô đưa ra phương án như vậy bởi, mục tiêu và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THCS và THPT là định hướng nghề nghiệp và tự chọn tổ hợp môn phù hợp với năng lực. Do đó, việc cho học sinh tự chọn môn thi giống như kỳ thi tốt nghiệp THPT mới cũng là cách để định hướng nghề nghiệp và tổ hợp môn phù hợp, liên thông với bậc THPT, thay vì chỉ định hay bốc thăm.

Mặt khác, việc cho phép học sinh chọn môn thi thứ 3 cũng giúp hạn chế chọn trường điểm nhưng không có tổ hợp môn học các em yêu thích hoặc không phù hợp định hướng nghề.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, Bộ GD&ĐT lo ngại thi cố định cả 3 môn sẽ gây học lệch cũng có lý, nhưng cần xét ở khía cạnh, việc bốc thăm khiến môn nào cũng có thể trở thành môn thi và có thể xảy ra tình huống học sinh phải học thêm nhiều hơn để luyện thi tất cả các môn học.

TS Tùng Lâm nói không nên đồng tình với phương án chọn môn thi theo kiểu bốc thăm ngẫu nhiên, "chưa có nghiên cứu khoa học nào đánh giá xác đáng về việc thi cử sẽ thúc đẩy việc học theo hướng tích cực".

Nên cố định môn thi thứ 3

Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp phân tích, phương án thi Ngữ văn, Toán bắt buộc vào bốc thăm môn thứ 3 có cả ưu điểm lẫn nhược điểm.

Bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10: 'Trò chơi may rủi, học sinh càng thêm áp lực' - 2

Khảo sát trên Báo điện tử VTC News có tới 83% độc giả không đồng tình phương án bốc thăm môn thi vào lớp 10.

"Phương án này sẽ thống nhất được số môn thi trên cả nước, tránh lãng phí nguồn lực con người và kinh phí khi có nơi thi tới 4, 5 môn. Phương án cũng tránh việc học sinh chỉ học đúng 3 môn và nhà trường chỉ tập trung cao độ dạy đúng 3 môn, khiến học sinh không được giáo dục toàn diện", ông nói và nhấn mạnh, ưu điểm học sinh sẽ phải học đều tất cả các môn tới hết chương trình.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là bốc thăm và công bố môn thi thứ 3 muộn có thể sẽ tạo áp lực cho một nhóm phụ huynh và học sinh vùng đô thị, nơi mà tỷ lệ cạnh tranh vào lớp 10 công cao.

Do đó, ông đề xuất phương án chọn cố định thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Việc thi ngoại ngữ vào lớp 10 cũng góp phần nâng dần năng lực ngoại ngữ cho học sinh ở các vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

"Ba năm qua, Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác chọn thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, học sinh và phụ huynh đều ủng hộ, chất lượng học sinh luôn đảm bảo được phân luồng, đánh giá đúng. Thực tế đã chứng minh, kiểm nghiệm phương án này, không có lý gì mà thay đổi", thầy Tùng khẳng định.

Trả lời báo chí, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM mong muốn giữ và giao quyền tự chủ trong việc chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 như hiện nay. Mỗi địa phương xây dựng chiến lược phát triển giáo dục khác nhau, tùy vào thực tế, đặc thù.

Theo ông Minh, mục tiêu của chương trình phổ thông mới không đánh giá học sinh qua kiến thức một môn học mà tập trung đánh giá phẩm chất, năng lực, khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tế. Vì vậy, thi lớp 10, dù môn thứ 3 là môn nào cũng không lo ngại học sinh học lệch, thi lệch và chỉ tập trung vào học các môn học là môn thi mà thôi.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM diễn ra từ trước đến nay dù ổn định môn Ngoại ngữ là môn thứ 3 thì kết quả học tập của học sinh cho thấy vẫn đảm bảo về mục tiêu và định hướng của chương trình. Đặc biệt, từ nhiều năm trở lại đây, trong quá trình biên soạn và định hướng cho kỳ thi đầu cấp THPT, Sở GD&ĐT thực hiện chủ trương tăng cường các câu hỏi yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức đã học từ các môn khác để giải quyết các tình huống thực tế trong cuộc sống.

Ngoài ra, thực hiện theo Kết luận 91 của Bộ Chính trị và nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã giao thì trong năm học này trở đi, TP.HCM từng bước chuẩn bị cho quá trình thí điểm sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. Vì vậy, việc TP.HCM chọn môn thi thứ 3 là ngoại ngữ là phù hợp cho mục tiêu phát triển xuyên suốt, ông Tuấn nhấn mạnh.

Lý giải về phương án bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10, đại diện ban soạn thảo của Bộ GD&ĐT cho hay, việc Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ yêu cầu bốc thăm môn thi thứ 3 và công bố trước ngày 31/3 là để tránh việc học sinh ở cấp THCS học lệch, chỉ tập trung vào các môn thi.

Thực tế, nếu dự thảo này được thống nhất ban hành thì sẽ thay đổi lớn trong quy định về tuyển sinh lớp 10. Theo quy định hiện hành áp dụng hàng chục năm nay thì Bộ GD&ĐT không can thiệp vào cách thức tuyển sinh của từng địa phương mà giao cho địa phương lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh vào lớp 10 phù hợp với mục tiêu và điều kiện thực tế của mình.

Vì vậy, lâu nay, mỗi địa phương đều có cách thức tuyển sinh riêng. TP.HCM và Hà Nội nhiều năm liền đều thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Riêng Hà Nội thì chủ trương thi thêm môn thứ tư và môn này cũng được bốc thăm ngẫu nhiên như cách mà Bộ GD&ĐT đang dự kiến áp dụng trên cả nước. 

Minh Khôi

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư: Sứ mệnh cao cả của đội ngũ văn nghệ sỹ là kiến tạo nhân cách văn hóa
Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt lưu ý đến sứ mệnh cao cả nhất của đội ngũ văn nghệ sỹ cách mạng là kiến tạo nhân cách văn hóa, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.
Mới nhất