Bộ TT&TT bảo trợ nhiều dự án kết nối và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng Covid-19

Vân Anh/VOV.VN | 09/08/2021, 16:17

Nhiều dự án công nghệ được triển khai nhằm kết nối và hỗ trợ tối đa cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chưa bao giờ các dự án công nghệ được lên ý tưởng và triển khai “thần tốc”, hiệu quả như thời gian gần đây. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo trợ các dự án theo phương châm “5K + vaccine + thuốc + công nghệ”.

100% cơ sở y tế tuyến huyện được hỗ trợ trực tuyến bởi tuyến  Trung ương

Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 vừa ra mắt ngày 8/8 có lực lượng nòng cốt là Bộ TT&TT, Bộ Y tế và 20 doanh nghiệp công nghệ số, hàng ngàn chuyên gia, lập trình viên trong và ngoài nước, là nơi hợp lực để phát triển và triển khai thống nhất các nền tảng phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Với tinh thần mang công nghệ hỗ trợ ngành y, Trung tâm công nghệ đã phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch, bao gồm: khai báo y tế, kiểm soát vào ra các địa điểm công cộng, truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát cách ly, đo lường mức độ giãn cách xã hội và các nghiệp vụ khác theo yêu cầu thực tiễn phát sinh.

Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: “Covid-19 làm cho chúng ta nhận ra những tiềm năng vô hạn, những năng lượng lớn lao chưa được khai thác. Chuyện 10 năm có thể làm 1 năm, 1 tháng, cũng có thể 1 ngày. Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia cũng là một câu chuyện như vậy”.

“Các nền tảng số dùng chung toàn quốc sẽ biến Việt Nam thành một cơ thể thống nhất, chỉ như vậy mới có thể kiểm soát được tình hình trên diện rộng toàn quốc, mới có thể phản ứng nhanh, linh hoạt, hành động thống nhất và triệt để, và vì vậy mà có sức chống chịu cao”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Cùng với đó, chỉ trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã hoàn thành lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa (TeleHealth) cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố. Đây là các cơ sở y tế cấp huyện còn chưa được kết nối theo danh sách do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cung cấp.

Như vậy, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.

Kết nối người bệnh với bác sĩ trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội

Trước đó, Bộ TT&TT cũng bảo trợ “Giúp tôi!”, dự án kết nối và giúp đỡ miễn phí người dân chịu ảnh hưởng dịch Covid-19. Đây là một nền tảng kết nối cộng đồng theo yêu cầu để cung cấp trợ giúp cần thiết cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hoàn toàn miễn phí.

Ứng dụng đầu tiên trên nền tảng “Giúp tôi!” là kết nối Bác sĩ để người dân có thể được các bác sĩ tư vấn giúp đỡ từ xa trong việc chăm sóc sức khỏe cho chính mình.

Mỗi khi người dùng có yêu cầu tư vấn có thể gửi thẳng yêu cầu lên nền tảng Giúp tôi! từ điện thoại thông minh, hệ thống sẽ tìm một chuyên gia y tế phù hợp tức thì và kết nối với người dùng. Bác sĩ và người dùng có thể trao đổi với nhau qua chat hoặc cuộc gọi video để bác sĩ tư vấn cho người dùng.

Nhóm thực hiện dự án “Giúp tôi!” còn có kế hoạch mở rộng tính năng để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 những nhu cầu bên cạnh tư vấn y tế và sức khỏe tâm lý như chia sẻ các mặt hàng thiết yếu hay các khó khăn khác do hậu quả của đại dịch.

Hiện, dự án “Giúp tôi!” đã hoàn thành phần phát triển sản phẩm và bắt đầu thử nghiệm quy mô nhỏ để tinh chỉnh, trước khi sẵn sàng cho cộng đồng sử dụng.

Ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập GotIt!, đại diện dự án “Giúp tôi!” chia sẻ, việc dự án được Bộ TT&TT đồng ý bảo trợ và giao Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia tiếp nhận dự án sẽ giúp cho hoạt động của dự án quy củ hơn, trở thành một nền tảng quốc gia để có thể phục vụ được nhiều người và đúng mục đích hơn.

“Hơn thế, sự bảo trợ của Bộ TT&TT cũng sẽ tạo ra sự tin tưởng hơn cho cả đội ngũ chuyên gia tham gia mạng lưới cũng như sự yên tâm đối với người dùng. Dự án sẽ có thêm nhiều nguồn lực để có thể mở rộng cũng như kết nối được với các cơ quan chính phủ khác để cùng hợp lực dập dịch và giúp đỡ mọi người”, ông Trần Việt Hùng cho hay./.

Bài liên quan
Tiền Giang: Truy tố nhiều cựu cán bộ CDC nhận tiền "lại quả" từ công ty Việt Á
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Ngọc Chơn khi làm Giám đốc CDC Tiền Giang đã chỉ đạo việc ứng trước test xét nghiệm để sử dụng và hợp thức hóa hồ sơ thầu nhằm cho Công ty Việt Á trúng thầu sai quy định và được nhận "lại quả" với số tiền 450 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Mới nhất