Bộ Công Thương triển khai hơn 20.000 điểm bán hàng an toàn thực phẩm

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN | 08/12/2022, 22:03

Các điểm này cũng là địa chỉ tin cậy về hàng hóa bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và giá cả ổn định cho người tiêu dùng, là đối tác quan trọng của các nhà sản xuất.

Chiều 8/12, tại Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long, Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Lễ Khai mạc và phát động “Tuần lễ thực phẩm an toàn vùng miền”, sự kiện nổi bật trong chuỗi hoạt động thuộc Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022.

Được triển khai trên quy mô toàn quốc, Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm có sự phối hợp, tham gia của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; các đơn vị cung ứng giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm… Tuần lễ thực phẩm an toàn vùng miền nhằm giới thiệu, kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào các hệ thống phân phối trên toàn quốc.

“Hành động vì an toàn thực phẩm” là Chương trình thường niên của Bộ Công Thương trong nhiều năm qua. Thông qua Chương trình, Bộ Công Thương triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm; tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường xuất khẩu hàng Việt Nam vào các chuỗi siêu thị của doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam, đưa hàng Việt ra nước ngoài, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; phối hợp với các Bộ, ngành kiểm soát và ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cũng thông qua Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm thường niên, các cơ quan quản lý nhận diện rõ hơn mức độ, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng sản phẩm sạch đã trở lên rất cấp thiết; các tiến bộ khoa học công nghệ và thông tin cho phép nhận dạng, phân tích, truy xuất nguồn gốc, giám sát các cơ sở sản xuất; công cụ hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn phát triển rất nhanh. Do đó, điều cần làm ngay là khẩn trương xây dựng ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm, xác định được nhu cầu kết nối của các DN trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để hỗ trợ cho “trúng” cho “đúng” nhằm mang lại hiệu quả cao. 

Phát biểu tại lễ khai mạc “Tuần lễ hàng thực phẩm an toàn vùng miền”, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, với khoảng 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường, các địa điểm này cũng là địa chỉ tin cậy về hàng hóa bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và giá cả ổn định cho người tiêu dùng, cũng là đối tác quan trọng của các nhà sản xuất uy tín, các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa có mong muốn mang các sản phẩm thực phẩm, nông sản, đặc sản vùng miền đến mọi miền Tổ quốc và ra hệ thống phân phối ở nước ngoài.

“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, DN triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn một cách ổn định, bền vững. Bộ Công Thương mong muốn Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ và đồng hành của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, của các đơn vị truyền thông và đặc biệt là của các DN phân phối, kinh doanh thực phẩm”, bà Nga nhấn mạnh.

Theo đại diện Central Retail - Big C Thăng Long, với mục tiêu ưu tiên phân phối hàng Việt, hiện nay đã có hơn 90% hàng hóa kinh doanh tại hệ thống của Central Retail là hàng Việt. Đặc biệt, hệ thống GO/Tops market và Big C đặt trọng tâm trong việc phát triển, đưa vào hệ thống các sản phẩm an toàn vùng miền với nhiều chính sách ưu đãi như nổi bật như ưu tiên hỗ trợ không chiết khấu với các hộ kinh doanh là các HTX. Ưu tiên các sản phẩm OCOP, hỗ trợ trưng bày, chăm sóc hàng hóa và các chương trình thúc đẩy bán hàng; Hỗ trợ tư vấn toàn diện để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể gia nhập Chương trình “Sinh kế cộng đồng”./.

Ngày 30/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 586/QĐ-BCT về việc giao đơn vị tham gia thực hiện hoạt động các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số và gia đình năm 2022. Theo đó, Bộ Công Thương giao Tạp chí Công Thương thực hiện các hoạt động kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối; Truyền thông về an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương. Các hoạt động được gọi tên chung là Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022. Các hoạt động quảng bá, truyền thông thuộc Chương trình được tổ chức xuyên suốt, đa dạng, thông qua các phương tiện truyền thông đa phương tiện tiếp cận tới mọi tầng lớp xã hội./.

Bài liên quan
Thức ăn đường phố nhiều nguy cơ, vì sao nhiều người thích dùng?
TP.HCM có khoảng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố. Trong đó, các điểm bán ở xung quanh trường học, bệnh viện, khu dân cư… ẩn giấu rất nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người dùng. Dù vậy nhiều người vẫn mua thức ăn đường phố, vì sao?

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất