Bí thư Thành ủy Hà Nội: Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô

Nguyên Nhung/VOV1 | 25/01/2023, 22:47

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, dự án khi hoàn thành sẽ giúp giải quyết nhiều bất cập đang đặt ra của Thủ đô, nhất là giúp hoàn thiện hệ thống giao thông, khắc phục nạn ùn tắc đang rất khó khăn. Đồng thời cũng mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, Vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Năm Nhâm Dần vừa đi qua với nhiều khó khăn thách thức. Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. 

Nhân dịp bước sang Xuân mới, ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trò chuyện với phóng viên Đài TNVN về những dấu ấn nổi bật của Thủ đô năm 2022 và những định hướng lớn phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

PV: Thưa ông, năm 2022 đã đi qua với rất nhiều dấu ấn nổi bật của Thủ đô. Xin ông chia sẻ đôi nét về những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô năm qua?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Năm 2022, mặc dù rất khó khăn bởi tác động tình hình quốc tế và trong nước, nhưng chúng ta đạt được kết quả toàn diện. Các chỉ số đều cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô có nhiều khởi sắc. Hà Nội đã hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển đã đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 8,89% (vượt kế hoạch đề ra là 7-7,5% và cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước - 8,02%). Quy mô kinh tế của Hà Nội đạt 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 50 tỷ USD).

Lần đầu tiên Hà Nội thu ngân sách vượt 300.000 tỷ đồng, đạt hơn 332.000 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao; trong đó năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội có số thu nội địa dẫn đầu cả nước với số thu 303.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 2022 đạt 141,8 triệu đồng. Lượng khách quốc tế và tổng thu từ khách du lịch cùng tăng khoảng 5 lần so với năm trước.

Toàn thành phố thu hút được gần 1,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng hơn 10% so với năm 2021. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 30.000 doanh nghiệp, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

PV: Một nhiệm vụ quan trọng thành phố đang thực hiện được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, được nhân dân cả nước quan tâm, đó là dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Được biết, dự án này ông cùng lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã dành tâm huyết, và quyết tâm rất lớn. Xin ông cho biết về tình hình thực hiện nhiệm vụ này? 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Dự án đã được Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết 15, được Quốc hội thông qua chủ trương, xác định cụ thể tiến độ hoàn thành cơ bản năm 2026, đưa vào vận hành năm 2027.

Có thể thấy, đây là nhiệm vụ chính trị được Trung ương giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô - một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề. Nhưng chúng ta quyết tâm làm. Vì dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Nói cách khác, Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng bấy lâu nay. Dự án khi hoàn thành sẽ giúp giải quyết nhiều bất cập đang đặt ra của Thủ đô, nhất là giúp hoàn thiện hệ thống giao thông, khắc phục nạn ùn tắc đang rất khó khăn. Đồng thời cũng mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, Vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Dự án không những là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mà còn cả Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và mới đây là Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.  

Vành đai 4 còn là niềm mong đợi của đông đảo người dân. Vừa qua khi giải phóng mặt bằng, nhiều nhà chưa nhận tiền đã bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho di chuyển mộ. Cho thấy sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân. Nhân dân đồng thuận là chúng ta sẽ tiến hành được.

PV: Dư luận thời gian qua rất đồng tình và đánh giá cao việc Thành ủy Hà Nội chỉ đạo đưa ra quyết sách tập trung đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2025 vào 3 lĩnh vực là y tế, giáo dục và di tích văn hóa lịch sử. Vì sao Thành ủy lại có lựa chọn này, thưa ông?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Chúng ta đều biết nguồn lực đầu tư, nhất là từ ngân sách nhà nước còn hạn chế; phải tránh đầu tư dàn trải. Do đó, Thành ủy Hà Nội với quan điểm nhất quán trong lãnh đạo là luôn phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm đã quyết định chỉ đạo lựa chọn tập trung đầu tư vào 3 lĩnh vực có thể coi là rất cấp thiết, là tiềm năng, là lợi thế, động lực phát triển mới của Thủ đô, tức là đầu tư các lĩnh vực y tế, giáo dục và di tích văn hoá lịch sử trên địa bàn.

Đối với y tế, vừa qua chúng ta tập trung phòng, chống dịch Covid-19, qua đó phát hiện nhiều bất cập. Sự chống chọi của hệ thống y tế cơ sở rất mong manh. Mỗi một xã phường có 1 trạm y tế, với số lượng cán bộ y tế 5-10 người, nhưng ở đây chúng ta có những phường dân cư rất lớn đến trên 9 vạn dân. Chúng tôi thấy phải đầu tư vào y tế cơ sở, y tế dự phòng. Thứ 2 nữa là y tế tuyến trên của thành phố cũng đang rất mỏng cho nên sẽ tập trung thêm.

Thứ 2 Thủ đô là trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ. Hiện nay Hà Nội có khoảng 2,2 triệu học sinh phổ thông và trên 60% trường đại học, cao đẳng cả nước trên địa bàn  Hà Nội. Mà yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là rất quan trọng. Cho nên chúng tôi đã chủ trương đầu tư vào giáo dục và đào tạo, mục tiêu là các trường phải đạt chuẩn quốc gia. Đầu tư để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đồng thời với đó là cải cách toàn diện về giáo dục đào tạo theo chủ trương chung của chung ương để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. 

Lĩnh vực thứ 3 cũng rất quan trọng với Hà Nội, đó là di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Theo thống kê có 5.922 di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn Hà Nội, có những di tích quan trọng như Hoàng Thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Việc tôn tạo các di tích văn hóa, đồng thời số hóa các di tích văn hóa lịch sử này, để chúng ta quảng bá, giữ được văn hóa cho dân tộc, đồng thời phát huy giá trị của nó. Chúng tôi coi đầu tư cho văn hóa, đầu tư cho giáo dục, y tế, chính là động lực mới, động lực nội sinh để phát triển Thủ đô trong tương lai.

PV: Để phát huy những kết quả đã đạt được, Hà Nội đã chuẩn bị những gì cho kế hoạch năm 2023, thưa ông?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Năm 2023 dự báo sẽ rất khó khăn, nhất là trước nguy cơ lạm phát cao, suy thoái kinh tế toàn cầu, diễn biến dịch bệnh, tình hình địa chính trị thế giới... Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy là các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố phải phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp.

Thành ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương phải tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy gắn với phát triển thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch. Đối với ngành nông nghiệp, chúng ta sẽ tiếp tục tái cơ cấu và phát triển theo chiều sâu; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao... Thành phố phấn đấu năm 2023 tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó cố gắng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 7% trở lên; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5%...  

Chúng ta phải đảm bảo các cân đối lớn, đồng thời phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm,  có ý nghĩa tạo sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô trước mắt và lâu dài. Đó là hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, chúng ta sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Thành phố phía Tây  gồm khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai đây là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, các cấp các ngành phải nhận thức đầy đủ, thực hiện đúng nguyên tắc lấy dân làm gốc, có sự đồng hành của nhân dân thì khó khăn thế nào chúng ta cũng vượt qua được.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Bài liên quan
Đường phố Thủ đô Hà Nội cờ hoa rực rỡ chào mừng đại lễ
Nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu hướng tới kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất