Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục bị đề nghị án chung thân

Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM | 04/10/2024, 14:48

Sau hơn 2 tuần xét hỏi, ngày 4/10, phiên toà xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 đồng phạm đã bước vào phần tranh luận. Luận tội đối với các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã đề nghị HĐXX tuyên mức mức án chung thân về tội lừa đảo đối với bà Trương Mỹ Lan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan chịu trách nhiệm cao nhất

Theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã ra chủ trương và họp bàn với các nhân sự chủ chốt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để chọn các công ty thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu “khống”.

Thực hiện chủ trương của bà Lan, từ năm 2018 đến năm 2020, 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm: Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Setra đã phát hành 25 mã trái phiếu, với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu, có giá trị hơn 30.869 tỷ đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, các mã chứng khoán trên không có tài sản đảm bảo, được phát hành “khống” để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: tăng quy mô vốn, phát triển hoạt động kinh doanh, dự án đầu tư và cơ cấu lại các khoản nợ,… và dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

Quá trình xét hỏi tại toà, bà Lan thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng quy kết, tỏ thái độ ăn năn, đồng ý dùng toàn bộ tài sản và nêu các phương án khắc phục hậu quả vụ án.

Tuy nhiên, bị cáo Lan phủ nhận vai trò là người đã đề ra chủ trương phát hành trái phiếu. Đại diện cơ quan công tố bác bỏ lời khai này vì không có căn cứ.

Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, bị cáo Trương Mỹ Lan là cổ đông có “quyền lực” lớn nhất tại Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Bị cáo Lan đã điều hành, chi phối toàn diện mọi hoạt động của Vạn Thịnh Phát và sử dụng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng các công ty liên quan như công cụ tài chính cho bản thân. Do đó, bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị án chung thân

Đối với hành vi “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, từ đầu năm 2018 đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng số tiền 445.748 tỷ đồng thông qua tham ô tài sản và phát hành trái phiếu trái quy định.

Trong quá trình chiếm đoạt số tiền trên, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức hóa số tiền do phạm tội mà có.

Số tiền trên chủ yếu được dùng để chi trả các khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB, trả nợ giữa các công ty, cá nhân trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay mượn nhau và chuyển ra nước ngoài thanh toán các hợp đồng "khống".

Từ tháng 10/2012 đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập các hợp đồng "khống" mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài. Thông qua các hợp đồng này thực hiện chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại với tổng số tiền là hơn 4,5 tỷ USD (tương đương hơn 106.730 tỷ đồng). Trong đó, chuyển đi là hơn 1,5 tỷ USD, nhận về hơn 3 tỷ USD.

Theo Viện Kiểm sát, bà Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm cao nhất nên đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 8-9 năm tù về tội “Rửa tiền” và 12-13 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt, bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị là tù chung thân về các sai phạm trong giai đoạn 2 của vụ án.

Bị cáo buộc là một trong những đồng phạm giúp bà Lan “rửa” 33 tỷ đồng có nguồn gốc phạm tội mà có, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan) bị đề nghị mức án 24-30 tháng tù về tội “Rửa tiền”.

Liên quan vụ án, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) bị đề nghị 6-7 năm tù; Ngô Thanh Nhã 7-8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 30 tháng tù đến 27 năm tù.

Trong giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình về về 3 tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và đang chờ xét xử phúc thẩm.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh chuyến thăm Ireland của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Ireland hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại thị trường EU và có chính sách ưu tiên Việt Nam là một trong hai quốc gia châu Á nhận viện trợ phát triển, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, bình đẳng giới, ứng phó biến đổi khí hậu, hỗ trợ dân tộc thiểu số, người khuyết tật và hỗ trợ rà phá bom mìn...
  • Thủ tướng: Doanh nhân Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong
    Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng rằng, lực lượng doanh nhân Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì hùng cường thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
  • Thủ tướng chủ trì cuộc gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam
    Ngày 4/10, tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cùng dự có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các doanh nhân, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.
  • Hà Nội tăng diện tích tách thửa tối thiếu là 50 m2, nhiều ý kiến trái ngược
    Nhiều ý kiến ủng hộ việc tăng diện tích tách thửa đất ở đô thị của Hà Nội, điều này đảm bảo được việc quản lý đô thị, hạn chế mật độ dân số… nhưng cũng có ý kiến quan ngại với quy định này một số người thu nhập trung bình sẽ khó tiếp cận được nhà ở trong khi nhà xã hội và nhà chung cư vẫn khan hiếm.
Mới nhất