
Bệnh nhân ngoại trú phấn khởi nhận thuốc 3 tháng/lần
Nhằm siết chặt quy trình kê đơn thuốc, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngày 30/6, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 26/2025. Một trong những điểm được người bệnh quan tâm nhất chính là quy định mới cho phép kéo dài thời gian cấp thuốc điều trị ngoại trú lên tối đa 3 tháng/lần thay vì mỗi tháng/lần như trước đây.
Ghi nhận tại phòng khám Vú, Bệnh viện K, trong ngày đầu áp dụng Thông tư mới, nhiều bệnh nhân phấn khởi khi cầm trên tay đơn thuốc điều trị đủ cho 3 tháng tới.

Bệnh nhân L.T.T. (43 tuổi, Hưng Yên) cho biết năm 2024, chị được chẩn đoán ung thư vú phải, giai đoạn 2, thể nội tiết. Người phụ nữ này phải nhập viện phẫu thuật và sau đó được điều trị 6 mũi hóa chất. Cuối 2024, chị được chuyển sang khoa xạ, xạ 15 đợt và được hướng dẫn về nhà theo dõi, tái khám định kỳ.
Theo lịch tái khám, cứ mỗi 3 tháng chị đều tới bệnh viện. Tuy nhiên, thuốc điều trị thì phải lấy theo từng tháng. Chị phải xin nghỉ làm mỗi tháng để lên Hà Nội lấy thuốc, tốn kém cả chi phí đi lại, ăn uống.
"Nay chỉ cần đi khám, lấy thuốc 3 tháng 1 lần, tôi thấy nhẹ cả người. Đây thật sự là chính sách rất nhân văn, mang lại lợi ích lớn cho người bệnh như chúng tôi", chị T. nói.
Cùng tâm trạng, chị N.T.M. (Tuyên Quang) cho biết, mỗi chuyến đi lấy thuốc của chị thường mất cả ngày, đôi khi kèm theo những chờ đợi mệt mỏi.
"Tôi thực sự bất ngờ và cảm thấy vui sướng. Giờ được cấp thuốc 3 tháng/lần, tôi vừa tiết kiệm được công đi lại, vừa đỡ xin nghỉ việc nhiều lần. Đây là nguyện vọng, mong muốn của mỗi người bệnh chúng tôi khi đến đợt lấy thuốc, đặc biệt là những trường hợp ở các khu vực ngoại tỉnh, không có đủ điều kiện, thời gian để di chuyển quá nhiều tới thành phố, bệnh viện", chị M. tâm sự.
Thực tế, chính sách cấp thuốc điều trị dài ngày đã từng được áp dụng linh hoạt trong giai đoạn Covid-19 nhằm hạn chế tụ tập đông người và giảm nguy cơ lây nhiễm. Nay, Thông tư 26 đã chính thức hóa quy định này, biến điều từng là giải pháp tình thế thành chính sách dài hạn, được người bệnh ủng hộ và trông đợi.
Không chỉ người bệnh, các bác sĩ tại Bệnh viện K cũng cho hay đây là một thay đổi tích cực, góp phần giảm thiểu áp lực không những cho người bệnh mà cả nhân viên y tế. Các cán bộ, y bác sĩ cũng sẽ bớt áp lực về vấn đề quá tải bệnh nhân, nâng cao năng suất, chất lượng khám chữa bệnh.
“Kê đơn thuốc quá 30 ngày, tôi không phải “lách” luật nữa”
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Đã từ rất lâu, tôi hẹn tái khám cho các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường ... nhiều hơn 1 tháng. Cái khó nhất là quy định không kê đơn quá 30 ngày của Bộ Y tế khiến các cô dược sĩ của tôi không dám cấp/bán quá số thuốc.
Sau đó tôi đành nghĩ ra cách kê thuốc sử dụng theo ngày và ghi cuối đơn dòng chữ: "uống đầy đủ theo hướng dẫn cho đến khi khám lại". Vậy là người bệnh và nhà thuốc hiểu để có đủ số thuốc 3, 6 tháng thậm chí 1 năm (nếu không có diễn biến đặc biệt) cho đến khi tái khám”.
Ông Hiếu cho biết, ông đã nhiều lần phát biểu trên các diễn đàn về vấn đề này. Ban đầu ông cho rằng bảo hiểm y tế phản đối nhưng trái lại đơn vị này ủng hộ và đã lên tiếng cùng. Bởi nếu tái khám hàng tháng hiệu quả không thấy đâu nhưng tốn kém thời gian, tiền bạc (xét nghiệm, siêu âm, điện tim, X quang...) và đặc biệt gây quá tải ảo các bệnh viện.
“Rất vui vì cuối cùng thông tư 26/2025 BYT đã ra đời, quy định việc kê đơn thuốc quá 30 ngày đối với các bệnh mạn tính. Tôi và các đồng nghiệp không còn phải "lách" luật nữa”, ông Hiêu cho biết.

Ông Nguyễn Lân Hiếu cũng nhấn mạnh, nỗi lo lớn nhất là các bệnh viện tự chủ, đặc biệt ở tuyến huyện khi chắc chắn số lượng bệnh nhân ngoại trú sẽ sụt giảm đáng kể trong những tháng tới đây. Một lần nữa ông kêu gọi bỏ tự chủ các bệnh viện tuyến huyện, vùng sâu vùng xa, hãy trả lương cho nhân viên y tế công lập tuyến cơ sở như ngành giáo dục đang thực hiện.
Về phía các bệnh viện, đây là giai đoạn cần phát triển các kỹ thuật, thay đổi cách ứng xử với bệnh nhân để thực sự giúp đỡ được người dân địa phương của mình. Với quy định cấp thuốc mạn tính dài ngày, thông tuyến BHYT, người bệnh sẽ không lưỡng lự khi di chuyển 3 tháng 1 lần đến nơi họ cảm thấy được chăm sóc tốt hơn. Thông tư 26 có thể đánh dấu sự đổi mới của ngành y tế mà mọi người đã mong đợi từ rất rất lâu.
Kê đơn dài ngày dựa trên thăm khám kỹ lưỡng
Theo TS.BS Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, việc kê đơn thuốc dài ngày sẽ căn cứ vào tình trạng lâm sàng và mức độ ổn định của bệnh. Bác sĩ có thể quyết định số ngày cấp thuốc cho từng trường hợp, nhưng tối đa không vượt quá 90 ngày.
Nếu các hướng dẫn chuyên môn, hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc dược thư quốc gia không quy định cụ thể thời gian sử dụng, bác sĩ vẫn có quyền cân nhắc kê đơn tối đa đến 90 ngày, miễn là phù hợp với tình trạng thực tế của người bệnh.
Một điểm mới khác là Thông tư 26 yêu cầu bổ sung một số thông tin bắt buộc trong đơn thuốc. Trường hợp người bệnh đi khám nhiều chuyên khoa trong cùng một lần, bệnh viện phải bố trí để người bệnh chỉ có một đơn thuốc duy nhất, bảo đảm an toàn, tránh trùng lặp hoặc tương tác thuốc không mong muốn.
TS.BS Vương Ánh Dương nhấn mạnh không phải cứ mắc bệnh trong danh mục là đương nhiên được kê đơn dài ngày. Bác sĩ phải thăm khám, đánh giá kỹ từng trường hợp để quyết định thời gian phù hợp: có thể vẫn là 30 ngày, 60 ngày hoặc 90 ngày, tùy vào diễn biến sức khỏe, khả năng tuân thủ điều trị và tự theo dõi của người bệnh.
Ngoài ra, người kê đơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về đơn thuốc đã ký, bảo đảm thuốc phù hợp chẩn đoán, an toàn và hiệu quả. Trong trường hợp thuốc chưa dùng hết nhưng bệnh diễn biến bất thường hoặc người bệnh không thể tái khám đúng hẹn, người bệnh bắt buộc phải quay lại cơ sở y tế để được đánh giá lại và điều chỉnh đơn thuốc khi cần.