Bắc Bộ liên tục mưa lớn, nhà máy thủy điện hoạt động thế nào?

PHẠM DUY | 13/06/2024, 11:42

Những ngày qua, các tỉnh phía Bắc liên tục có mưa lớn, tác động đến việc tích nước của các hồ thủy điện để sản xuất điện giữa mùa cao điểm.

Theo báo cáo của Cục Điều tiết điện lực, từ đầu tháng 6 đến nay, tại các hồ thủy điện khu vực miền Bắc như: hồ Bản Chát (Lai Châu); Thác Bà (Yên Bái); Tuyên Quang (Tuyên Quang); Cửa Đạt, Trung Sơn (Thanh Hóa), lượng nước đổ về cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 102 - 154%.

Thông tin với VTC News, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, những ngày qua, mưa lũ liên tục xảy ra cục bộ tại một số địa phương, giúp cải thiện lượng nước đổ về các hồ thủy điện, nhất là khu vực phía Bắc. "Hiện một số hồ thủy điện nhỏ ở Tuyên Quang, Lào Cai đã xả lũ vì lượng nước dư thừa, không có hồ chứa, nước về đến đâu xả lũ đến đó”, ông Hòa nói.

Theo đó, ngày 10/6, nhà máy thủy điện Bắc Hà (Lào Cai) đã mở cửa xả nước qua đập tràn với lưu lượng xả 150 - 1.500 m3/s; tổng lưu lượng xả về hạ du là 430 - 1.680 m3/s; mực nước hạ lưu nhà máy: 123,45 - 125m. Sau thời điểm xả tràn lần đầu để điều tiết hồ chứa, lưu lượng xả qua đập tràn sẽ thay đổi tùy theo diễn biến thực tế của thời tiết và lưu lượng nước về hồ chứa.

Ngày 11/6, các công ty, nhà máy thủy điện ở Tuyên Quang cũng xả lũ với lưu lượng qua nhà máy trên sông Lô, sông Gâm.

Nhà máy thủy điện Tuyên Quang. (Ảnh: EVN).
Nhà máy thủy điện Tuyên Quang. (Ảnh: EVN).

Trong khi đó, ông Phạm Văn Vương, Giám đốc nhà máy thủy điện Hòa Bình, thông tin, những ngày qua lượng nước đổ về hồ thủy điện Hòa Bình khá dồi dào.

Tính đến trưa 11/6, mực nước hồ Hòa Bình là 107m, tương đương mực nước của các năm trước đó. Hiện mực nước đã đảm bảo, nhà máy đang phát tối đa công suất của 8 tổ máy”, ông Vương nói.

Cùng với lượng nước dồi dào, sản lượng thủy điện theo nước về (bao gồm cả thủy điện nhỏ) tiếp tục tốt, các ngày trong tuần trung bình khoảng 270,8 triệu kWh/ngày. Riêng khu vực miền Bắc trung bình đạt khoảng 195,9 triệu kWh/ngày, cao hơn 101,7 triệu kWh/ngày so với tháng 6 và cao hơn  82,8 triệu kWh/ngày so với kế hoạch năm 2024.

Trước diễn biến thủy văn nêu trên, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã tăng cường khai thác các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang để tận dụng tối đa tài nguyên nước, tránh xả thừa và đưa dần mực nước các hồ về mực nước trước lũ áp dụng trong thời kỳ lũ sớm từ ngày 15/06 - 19/7 theo quy định.

Nước về nhiều, không lo thiếu điện

Theo đánh giá của Cục Điều tiết điện lực, trong tuần thứ 23 năm 2024, dưới ảnh hưởng của mưa lớn diện rộng, điện năng tiêu thụ trung bình ngày trong tuần đạt 905,7 triệu kWh, thấp hơn so với tuần trước khoảng 23,6 triệu kWh. Đặc biệt các ngày từ 6 - 9/6, phụ tải giảm mạnh xấp xỉ 60 triệu kWh so với các ngày làm việc bình thường trong tuần. 

Tuy nhiên, công suất cực đại trong tuần đạt 47.181,4 MW, cao hơn 300,9 MW so với tuần trước.

"Dù sản lượng điện tiêu thụ tăng nhưng sản lượng còn lại trong hồ tính đến 0h ngày 9/6 toàn hệ thống là 8.187,6 triệu kWh, cao hơn 2.902,8 triệu kWh so với kế hoạch năm. So sánh với kế hoạch tháng 6, sản lượng còn lại thực tế trong hồ cao hơn 1.054,4 triệu kWh.

Do đó, nếu không có lý do đặc biệt thì không lo thiếu điện trong thời gian cao điểm tháng 6 - 7", ông Trần Việt Hòa cho biết.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình đang phát tối đa công suất cả 8 tổ máy. (Ảnh minh họa).
Nhà máy thủy điện Hòa Bình đang phát tối đa công suất cả 8 tổ máy. (Ảnh minh họa).

Nói về kế hoạch đảm bảo công suất điện thời gian cao điểm, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đã yêu cầu các nhà máy thủy điện khai thác theo tình hình thủy văn thực tế và định hướng điều tiết tối ưu trong kế hoạch vận hành tháng 6, đáp ứng ràng buộc lưới điện/nhu cầu hệ thống, mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo quy trình liên hồ.

"Cùng với đó là huy động các nhà máy nhiệt điện than, nhà máy tuabin khí theo nhu cầu hệ thống; huy động cao nhất có thể nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định và không làm quá tải các phần tử trên hệ thống điện", ông Dũng nói.

EVN cũng chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực dự báo chính xác về công suất phụ tải cực đại, công bố rõ khả năng điều chỉnh phụ tải điện. Phối hợp chặt chẽ với A0 trong các ngày nắng nóng có nguy cơ thiếu công suất đỉnh để chuẩn bị sẵn phương án vận hành đảm bảo cung cấp điện trong các trường hợp cực đoan.

PHẠM DUY
Bài liên quan
Giá điện tăng 4,8% lên hơn 2.100 đồng/kWh từ 11/10: EVN lý giải gì?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên tiếng lý giải sau quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% từ ngày 11/10.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng
VOVLIVE - Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh".
Mới nhất