Tuyên bố chung về Tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN - Ấn Độ vì Hòa bình, Ổn định và Thịnh vượng tại khu vực trong bối cảnh Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) với sự hỗ trợ của Chính sách Hành động hướng Đông (AEP) của Ấn Độ được đưa ra sau hội nghị, khẳng định mong muốn của hai bên về việc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và có thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).
Cả ASEAN và Ấn Độ tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, và các hoạt động hợp pháp khác trên biển, bao gồm thương mại hàng hải hợp pháp không bị cản trở và thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, và các tiêu chuẩn và thông lệ có liên quan.
Tuyên bố chung đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác trong an ninh hàng hải, chống khủng bố, an ninh mạng, quân y, tội phạm xuyên quốc gia, công nghiệp quốc phòng, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, gìn giữ hòa bình và hoạt động rà phá bom mìn và các biện pháp xây dựng lòng tin. Điều này sẽ đạt được thông qua trao đổi các chuyến thăm, tập trận quân sự chung, tập trận hàng hải, các chuyến thăm cảng của tàu hải quân và học bổng quốc phòng.
Hai bên cùng mong muốn việc thực hiện Tuyên bố chung ASEAN-Ấn Độ về Hợp tác Hàng hải và tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, kinh tế xanh, nghề cá bền vững, bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học biển và các vấn đề về biến đổi khí hậu, cùng nhiều lĩnh vực khác.
Các nỗ lực kết nối giữa ASEAN và Ấn Độ cũng được đề cập tại Hội nghị lần này, tập trung vào việc liên kết các sáng kiến kết nối khác nhau để tăng cường vận tải trên bộ, trên không và trên biển. Cụ thể, việc hoàn thành đường cao tốc ba bên Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan được xác định là ưu tiên, với các kế hoạch trong tương lai về việc mở rộng về phía đông sang Lào, Campuchia và Việt Nam, nằm trong các sáng kiến kết nối của Ấn Độ trong khu vực theo Chính sách Hành động hướng Đông và tầm nhìn SAGAR tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN- Ấn Độ lần thứ 21, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố kế hoạch 10 điểm của Ấn Độ nhằm củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai bên.
Kế hoạch này gồm những điểm chính như lấy năm 2025 là Năm Du lịch ASEAN-Ấn Độ, trong đó Ấn Độ sẽ tài trợ 5 triệu USD cho các hoạt động chung; kỷ niệm một thập kỷ Chính sách Hành động Hướng Đông thông qua các hoạt động lấy con người làm trung tâm bao gồm Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên, Lễ hội Khởi nghiệp, Hackathon, Lễ hội Âm nhạc, Mạng lưới các Nhóm nghiên cứu ASEAN-Ấn Độ và Đối thoại Delhi; tổ chức Hội nghị các nhà khoa học nữ ASEAN-Ấn Độ theo Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ ASEAN-Ấn Độ; tăng gấp đôi số lượng học bổng tại Đại học Nalanda và cung cấp học bổng mới cho sinh viên ASEAN tại các trường đại học nông nghiệp ở Ấn Độ. Kế hoạch cũng bao gồm việc xem xét lại Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ vào năm 2025; tăng cường Khả năng phục hồi sau thảm họa với các khoản hỗ trợ tài chính của Ấn Độ; khởi xướng cơ chế thường kỳ của Đối thoại Chính sách Không gian mạng ASEAN-Ấn Độ hướng tới tăng cường Khả năng phục hồi Kỹ thuật số và Không gian mạng …
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ lần thứ 21 được tổ chức tại Vientiane, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày 10/10 cũng đánh dấu một thập kỷ Ấn Độ thực thi Chính sách Hành động hướng Đông. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo Ấn Độ và ASEAN xem xét tiến trình của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và vạch ra hướng hợp tác trong tương lai.