Tục thả tiền đo lòng con dâu của người Bố Y

Đinh Tài | 18/01/2021, 14:09

VOVLIVE - Tục cưới hỏi của người Bố Y ở Mường Khương, Lào Cai có nhiều nét khá đặc biệt, trong đó có tục mẹ chồng thả tiền ở góc nhà để đo lòng con dâu.

Khi những cơn gió lạnh bắt đầu thổi ngang qua triền núi, dường như đó là sự báo hiệu bắt đầu mùa cưới hỏi của các chàng trai, cô gái nơi vùng cao. Tục cưới hỏi của người Bố Y ở Mường Khương có nét khá đặc biệt. Đó là việc xin giảm đồ thách cưới hay tục thả tiền ở góc nhà của mẹ chồng để đo lòng còn dâu.

Tục xin giảm đồ thách cưới của nhà trai

Để tiến tới lễ cưới, người Bố Y trải qua rất nhiều bước, nhưng quan trọng nhất là xin giảm đồ thách cưới của nhà trai đối với nhà gái. Thách cưới trước khi tiến hành hôn lễ là phong tục phổ biến ở nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, thách nhiều hay ít phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó có thể là tập quán của tộc người ấy, điều kiện của gia đình nhà trai hay giá trị của người phụ nữ.

green-polka-dots-pet-care-photo-collage.png
Ảnh: Vinaculto.vn

Đối với người Bố Y ở Mường Khương, việc thách cưới được tiến hành trong bước thứ hai của giai đoạn lễ cưới. Trước đó là lễ ngỏ ý, nhà trai sẽ cử đại diện là ông bà mối sang nói chuyện với bên gái, ông Dì Xi Xần và bà Lồ Lài Sửu ở xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết:

Bước thứ 2 của giai đoạn lễ cưới, người ta sẽ hỏi tiền công dưỡng dục của bố mẹ là bao nhiêu, tiền hàng hóa bao nhiêu, bao nhiêu lít rượu, vòng tay, vòng bạc hay tạ lợn, phải nói rõ ra hết. Khi gia đình thì đã nhất trí về công nuôi dưỡng gia đình nhà gái, khi ấy nhà trai yêu cầu nhà gái cần những cái gì chẳng hạn, những cái gì nhà gái thách cưới, như đồ trang sức, quần áo, thịt lợn, rượu. Việc thách cưới cũng cần căn cứ theo khách nhà mình đông hay ít.”

Không giống như một số dân tộc khác, người Bố Y ở Mường Khương thách cưới không dựa vào điều kiện kinh tế của gia đình nhà trai. Thay vào đó, họ dựa vào số sính lễ như lễ cưới bên hàng xóm để làm chuẩn mực thách cưới.

Khi việc thách cưới đã hoàn tất thì cũng là lúc hai ông mối về thưa lại chuyện với gia đình nhà trai. Lúc này cũng là khoảng thời gian khá khó khăn cho nhà trai.

Cũng có gia đình giảm đồ thách cưới cho nhà trai. Cũng có trường hợp nhà trai trả giá, xin giảm đồ thách cưới nếu đồ thách cưới của nhà gái đưa ra nhiều quá. Cũng có trường hợp nhà gái giảm đồ thách cưới cho nhà trai với ý nghĩ dù gì sau này cũng là gia đình và cũng để cho con gái mình bớt khổ sau này.”, ông Dì Xi Xần cho biết

Thông thường, ít khi nhà gái chấp nhận việc xin giảm đồ thách cưới, nếu có cũng không nhiều nhặn bởi họ cho rằng nếu chấp nhận giảm sính lễ thách cưới cũng đồng nghĩa với việc giảm giá trị của con gái mình, dù thiệt hơn với những gia đình hàng xóm, với anh em, dòng họ có lễ cưới trước đó.

turquoise-class-reunion-photo-collage.png
Ảnh: bienphong.com.vn, baodantoc.vn

Việc xin giảm sính lễ thách cưới không được chấp thuận đôi lúc cũng tạo nên những điều khá thú vị trong đời sống của người Bố Y. Do vậy, việc vay mượn để đáp ứng đủ nhu cầu của nhà gái là điều đương nhiên với gia đình nhà trai.

Tuy nhiên, đây đều là sự vay mượn chủ động do anh em dòng họ dành cho nhà trai bởi người Bố Y quan niệm ai rồi cũng sẽ có lúc khó khăn, cần sự giúp đỡ. Vì thế họ không đặt nặng vấn đề cho vay vì khi gia đình họ có việc, nhà trai sẽ gửi lại đầy đủ. 

Ngày xưa đều có quy định đầy đủ rồi. Nhà kia đưa 10 lít rượu chẳng hạn thì nhà mình cũng phải đưa như thế.”, ông Dì Xi Xần cho biết.

Tục thả tiền vào các góc nhà để thử lòng con dâu của người Bố Y

Khi việc thách cưới và lễ xin giảm sính lễ thách cưới đã kết thúc cũng là lúc lễ cưới được tổ chức nhưng nhà trai sẽ tiếp tục có những màn thử thách cô dâu.

black-gold-suit-fashion-photo-collage.jpg
Để đo sự  chuẩn mực, nết na của con dâu, người Bố Y có những cách thức khác nhau cho việc này.
Ảnh: Vinaculto.vn

Với mỗi tộc người, khi cô gái mới về làm dâu, mẹ chồng sẽ có những cách thức khác nhau để đo sự chuẩn mực nết na của con dâu. Với người Bố Y, họ có tục thả tiền vào các góc nhà để thử lòng cô dâu.

Phong tục cưới hỏi của dân tộc Bố Y cũng rất đơn giản, chứ thủ tục không như người Nùng, Người Nùng còn có bánh và các thứ nọ, thứ kia. Lúc chuẩn bị rước dâu, chú rể không được đi rước dâu, phải ở nhà để chuẩn bị tập bái thiên địa, nhờ những người mà có nam, có nữ, có nghĩa là hai vợ chồng hòa hợp đã có cháu, có chắt thì nhờ những người đấy để dạy cho chú rể bái thiên địa”, bà Lồ Lài Sửu cho biết.

Theo quan niệm của người Bố Y, việc chỉ dạy cho chú rể không đơn thuần chỉ là cách vái lạy tổ tiên, trời đất mà còn là cung cách ứng xử báo hiếu với những người còn sống là cha, làm mẹ, là ông, là bà bởi có họ mới có ta ngày hôm nay.

Sau khi nghi thức bái thiên địa xong, còn phải bưng nước cho mẹ, cho bà, cho ông để uống, để cảm tạ. Ý nghĩa cảm tạ, bố mẹ và ông bà đã nuôi dưỡng cháu trưởng thành. Đến bây giờ đây đã hết nghĩa vụ, cháu xin cảm tạ, mời ông một ly rượu, một chén nước trà để không phụ lòng cha mẹ, cháu xin hứa với cha mẹ sẽ nuôi dưỡng cha mẹ đến cuối cùng.”

family-outdoor-picnic-green-white-photo-collage.png
Ảnh: Vinaculto.vn

Một điều quan trọng trong đoàn rước dâu về nhà trai của người Bố Y đó là đoàn đi phải có ít nhất 8 người, đặc biệt phải có hai người trung niên, hai chàng trai chưa vợ, hai cô gái chưa chồng và hai người có con nhỏ. Với người có con nhỏ phải là người có cả trai lẫn gái.

Bởi theo quan niệm của người Bố Y, có như thế đôi vợ chồng sau này mới sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn giống người ta. Khi hôn lễ được tổ chức xong, đoàn rước dâu, thay vì chào từ biệt cô dâu để về như bao người khách đến tham dự lễ cưới thì họ sẽ ở lại với cô dâu đêm đó.

Theo phong tục của người Bố Y, con gái khi cưới không được ra ngoài cửa hôm đó, hôm sau mới được ra. Tối hôm đó không có việc động phòng, tối hôm đó cô dâu phải ngủ với những người đi đưa dâu cùng để nhớ tới tấm lòng những người đó với mình”, bà Lồ Lài Sửu cho biết.

Điều thú vị nhất trong lễ cưới của người Bố Y không chỉ được thể hiện thông qua việc xin giảm sính lễ thách cưới mà còn ở việc sáng hôm sau ngày cưới.

Sáng hôm sau, cô dâu đấy phải dậy thật sớm để quét nhà. Lúc đó mẹ chồng thử lòng cô dâu, giả vờ bỏ vào các góc trong nhà bao nhiêu tiền, để xem cô dâu có quét được sạch không. Nếu cô dâu quét sạch hết số tiền đó thì cô dâu này thật thà và sạch sẽ.”, bà Lồ Lài Sửu cho biết

white-grid-and-salmon-pink-brush-stroke-summer-mood-board-photo-collage.png
Ảnh: Amazingvietnam.vn

Tuy nhiên, ngày nay thì phong tục này được mở rộng hơn. Đó là các bạn của chú rể cũng có thể kiểm tra tính tình của vợ bạn mình thông qua những trò đùa mang tính giải trí và tất nhiên trong chuyện này, đoàn người đi cùng cô dâu sẽ giúp đỡ cô trước khi ra về.

Khi được mẹ chồng thử lòng như thế, hầu hết các cô dâu đều thực hiện đúng bổn phận là người phụ nữ thật thà, chăm chỉ, biết vun đắp cho gia đình, cho dòng họ nhà chồng. Đối với người Bố Y ở Mường Khương, những ngày lễ như mùng 8 tháng 4, lễ Tạ Ơn Trâu, mùng 2 tháng 2 hay lễ cúng thần thổ địa là những ngày đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, những nghi thức, những phong tục này đã không còn được hiện hữu vào mỗi năm trong cuộc sống của họ nữa. Hiện nay, người Bố Y là một trong những dân tộc rất ít người ở nước ta. Ở Mường Khương, họ sinh sống xen kẽ với nhiều tộc người khác, nhất là người Mông, người Nùng.

Bởi thế, ít nhiều văn hóa của họ cũng đã có những giao thoa, thậm chí là bị đồng hóa. Đặc biệt, trước đây người Bố Y kết hôn thường cùng dân tộc nhưng ngày nay họ kết hôn với nhiều dân tộc khác trong khu vực, bởi thế văn hóa tập tục vì vậy mà cũng không còn như xưa./.

Bài liên quan
Vì sao trang phục người Mông ở Sapa lại màu đen?
VOVLIVE - Người Mông là dân tộc đông dân với nhiều ngành Mông khác nhau. Tuy nhiên, cho dù thuộc ngành Mông nào thì trang phục họ mặc đều có màu đen.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất