Độc đáo phong tục cưới hỏi của người Cao Lan: Ông mối trở thành người cha thứ 2 của cô dâu chú rể

Đinh Tài | 27/11/2020, 09:52

VOVLIVE - Khi đôi nhẫn cưới được đeo vào tay của cô dâu, chú rể. Đó cũng là lúc ông mối chính thức được coi là người cha thứ hai trong cuộc đời của đôi vợ chồng trẻ.

Người Cao Lan thuộc tỉnh Tuyên Quang hiện nay vẫn còn giữ cho mình nhiều phong tục, tập quán độc đáo. Một trong số đó phải kể đến là lễ cưới. Không như nhiều tộc người cư trú trên cùng địa bàn, lễ cưới của người Cao Lan vẫn còn mang khá nhiều yếu tố truyền thống như trang phục, lễ nghi hay làn điệu sình ca được thể hiện xuyên suốt trong dịp cưới của đồng bào.

Các nghi lễ chính trong lễ cưới hỏi của đồng bào Cao Lan

Với đồng bào Cao Lan, cưới hỏi, ma chay luôn là điều đặc biệt thiêng liêng trong mỗi đời người. Ngay từ xa xưa, các tục lệ, lễ nghi đã gắn liền với những con số chẵn, từ lễ vật cho đến con người. Bởi thế, trong đám cưới, đoàn đi đón dâu bao giờ cũng phải là số chẵn và khi rước dâu về nhà chồng cũng là như vậy.

blue-and-black-breaking-news-facebook-post-3-.png
Ảnh: Phongtuc.vn

Ông Bàng Minh Sửu ở xã Thành Long, huyện Hàm Yên, một người Cao Lan đã làm ông mối cho 7 cặp vợ chồng chia sẻ quan niệm về số chẵn trong hôn nhân đã có từ xa xưa. Điều này thể hiện ngay từ bước đầu tiên trong lễ cưới, đó là ăn hỏi:

Ngày xưa, lễ ăn hỏi của người Cao Lan chỉ có hai người gồm người làm mối và người gánh gà. Lễ ăn hỏi cũng cần 24 chiếc bánh giầy, đôi gà, 2 lít rượu, 2 cân gạo và trầu cau. Ngày xưa, lễ ăn hỏi thường được đi vào buổi tối vì ban ngày, người dân đi lao động.”, ông Bàng Minh Sửu cho biết

Còn theo bà Nịnh Thị Bình ở xã Thành Long, lễ hỏi vợ của người Cao Lan ngày nay vẫn còn mang những nét văn hóa truyền thống. Ở đó, phụ nữ đàn ông đều khoác lên mình những bộ trang phục dân tộc, cùng với đó là các lễ vật dành riêng cho lễ ăn hỏi mà xưa nay họ vẫn sử dụng. Ngoài bánh và gà, họ còn chuẩn bị những vật dụng như vòng bạc, tiền và vải để mang quà tặng bố mẹ vợ tương lai.

Lễ hỏi vợ vẫn được tổ chức theo phong tục ngày xưa gồm một đôi gà, bánh giầy, vòng cổ, vòng tay, một đồng bạc trắng và một tấm vải. Tấm vải mang tính chất ngày xưa cha mẹ nuôi dưỡng sinh thành vất vả, tấm vải đó đem cho mẹ đẻ cô dâu”, bà Nịnh Thị Bình cho biết

Trong việc cưới hỏi của người Cao Lan, đôi nam nữ cũng được tự do tìm hiểu rồi tiến tới hôn nhân. Khi chàng trai đã ưng cô gái nào đó, họ về thưa chuyện với cha mẹ. Từ đó, ông mối sẽ là người được cha mẹ bên chàng trai phó thác với trách nhiệm đi hỏi cưới cho con trai mình với vai trò đặc biệt quan trọng.

Ông mối là người xuất hiện trong hầu khắp các lễ nghi của đám cưới, đặc biệt tại lễ kết duyên được tổ chức bên nhà trai. Lúc ấy, ông mối được vợ chồng trẻ nhận là bố mẹ thứ hai trong đời.

Những ông mối ở dân tộc Cao Lan với nhiệm vụ đi hỏi cưới sẽ nhận con gái, con rể đến hết đời. Kể từ đó, họ là con của mình. Tính đến nay, tôi đã có 7 đứa con mới.”, Ông Bàng Minh Sửu nói

Lễ ăn hỏi bắt đầu bằng hình ảnh ông mối cùng với người gánh gà, thường là người cháu sẽ thay mặt nhà trai sang bên nhà gái, tiến hành hỏi vợ cho chàng trai. Khi ở bên nhà gái, anh gánh gà sẽ có nhiệm vụ sắp xếp các lễ vật dâng mâm gồm bánh, trầu cau và rượu để ông mối thưa chuyện với nhà gái về việc hỏi cưới.

simple-look-of-the-day-photo-collage.png
Từ lễ vật cho đến con người, đều được chuẩn bị chu đáo. Ảnh: VOV, quehuongonline.vn

Lễ vật trong ngày cưới của người Cao Lan cũng không có gì quá đặc biệt so với các đồng bào khác. Đó là lợn, gà cùng với rượu, số lượng được tính toán dựa theo truyền thống của đồng bào thường là 80 cân lợn móc hàm, 40 cân gạo, trong đó 20 cân gạo nếp, 20 cân gạo tẻ, 40 lít rượu và tiền cọc, vải địu, vòng cổ, vòng tay cho con dâu mang về nhà chồng. Khi hai bên đã thống nhất về sính lễ, họ sẽ tiến hành trao đổi về ngày cưới

Sau khi hoàn tất lễ ăn hỏi, họ sẽ bắt đầu hẹn ngày cưới. Có những trường hợp, họ thống nhất hẹn được ngày cưới và cũng có trường hợp, họ chưa thống nhất, hẹn được ngày cưới. Ví dụ, người ta để sang năm, chẳng hạn người ta ăn hỏi vào tháng 8 nhưng phải đến tháng 2 năm sau cưới thì người ta chưa hẹn ngày ngay. Nhưng nếu đầu tháng 8 ăn hỏi mà cuối tháng 8 cưới thì hẹn ngày cưới luôn.", ông Bàng Minh Sửu cho biết thêm.

Lễ kết duyên cùng lối hát sình ca độc đáo

Người Cao Lan sẽ tổ chức lễ cưới chính thức bên nhà trai. Tuy nhiên, trước ngày cưới một hôm, nhà trai sẽ sang đón dâu và phải ở lại một đêm, sáng hôm sau sẽ rước dâu về nhà trai và tiến hành một nghi lễ quan trọng. Đó là lễ kết duyên cho đôi vợ chồng trẻ.

Việc đón dâu của người Cao Lan ở Tuyên Quang được trải qua nhiều bước với các phong tục, tập quán tương đối mới mẻ và thú vị. Một trong những điều đó chính là lễ kết duyên cùng lối hát sình ca độc đáo của những người tham dự lễ cưới.

Lễ đi đón dâu của dân tộc Cao Lan chỉ có 6 người, người ta không đi lẻ. Đoàn đón dâu gồm ông mối, ông thầy, chú rể, một ông thầy hát, người đi đặt trầu cau. Nó chỉ có 6 người. Khi đón dâu về thì có thêm con dâu là một phù dâu, tổng là tám người. Người dân Cao Lan đi đón dâu, không bao giờ đi lẻ.

Đó là chia sẻ của ông Sửu, với quan niệm số chẵn là sinh sôi đủ đầy, cho nên dù là lễ hỏi, lễ cưới, người Cao Lan luôn tổ chức đoàn đi với số lượng không lẻ, đặc biệt trong ngày đón dâu, khi đoàn nhà trai sang nhà gái, họ phải hát đáp các câu đố của bên gái mới được vào nhà. Bởi thế, cũng có một người hát sình ca rất giỏi.

Vào ngày đi đón dâu, chiều hôm ấy đi, người ta căng dây lên để thách đố, nếu bên nào thua thì bên đấy phải cược tiền. Còn uống rượu, lúc vào mâm thì uống”, bà Nịnh Thị Bình cho biết.

blue-pink-international-friendship-day-photo-collage.png
Ảnh: Kiemkedisan

Thông thường mỗi cuộc hát như thế thường kéo dài chừng 1 tiếng rưỡi, nhanh thì từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Người hát là những người đã có vợ. Nội dung của những bài hát sình ca trong lễ cưới thông thường là ca ngợi về tình yêu lứa đôi, sự cảm tạ gia đình hai bên cũng như liệt kê đồ sính lễ mà nhà trai mang đến để đón dâu. Đêm đó, trai gái tiếp tục hát sình ca đối đáp thâu đêm suốt sáng, đến lúc đoàn nhà trai tiến hành rước dâu về nhà chồng.

Theo ông Sầm Văn Dền, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, trong ngày cưới, cô dâu là người nổi bật nhất với trang phục độc đáo là chiếc áo chàm đen cùng dây thắt lưng với nhiều trang sức đi kèm. Đặc biệt, hình ảnh chiếc thắt lưng mang một ý nghĩa quan trọng, biểu đạt rõ nét văn hóa của người Cao Lan luôn hướng về các bậc sinh thành.

Ngày đi lấy chồng mặc áo đen, thắt lưng. Khi đi nhà chồng, dây thắt lưng phải buộc phía đằng trước, ngày hôm sau, gọi là lại mặt thì lại buộc đằng sau. Cũng cần một cái bao dao, một cái liềm, đó là những dụng dụng cụ sản xuất hàng ngày không thể thiếu được”, ông Sầm Văn Dền cho biết.

Khi cô dâu đến nhà trai. Một trong những nghi lễ đặc biệt quan trọng sẽ được diễn ra dưới sự chủ trì của ông mối đó là kết duyên. Đây chính là duyên kiếp gắn kết của đôi trai gái mà ở đó chiếc nhẫn là hiện thân cho sự chung thủy, gắn kết keo sơn của cô dâu chú rể trong ngày trọng đại hôm nay. 

Để tổ chức được nghi lễ kết duyên, theo ông Sửu, nhà trai sẽ chuẩn bị một tấm vải đen, một tấm vải trắng cùng đôi nhẫn bạc, vải này để cho cô dâu làm điụ về sau, nhà gái sẽ chuẩn bị hai chai rượu cùng hai chén và một đôi đũa.

Khi lễ vật đã chuẩn bị xong dưới bàn thờ tổ tiên, ông mối khấn bái mời gia tiên về dự lễ và chứng giám cho tình yêu của đôi vợ chồng trẻ. Đặc biệt khi làm lễ, đôi nhẫn cưới được để vào trong 2 chén rượu trước khi đeo vào tay cô dâu, chú rể.

green-father-s-day-general-appreciation-photo-collage.png
Ảnh: Internet

Nghi thức này có ý nghĩa nôm na là cho hai đôi bạn trẻ này sống với nhau, yêu nhau suốt đời. Khi bắt đầu, thầy làm phép hai chén rượu, sau đó làm lễ kết duyên, sau đó lấy hai chén rượu, cho mỗi người uống 1 ngụm, sau đó 2 người cùng nhau đeo nhẫn.”, ông Sửu cho biết

Khi đôi nhẫn cưới được đeo vào tay của cô dâu, chú rể. Đó cũng là lúc hai người đã chính thức là vợ chồng, cùng bắt đầu một cuộc sống mới với những lời chúc tốt đẹp mà mọi người trao tặng. Kể từ giờ phút ấy, ông mối cũng chính thức được coi là người cha thứ hai trong cuộc đời của đôi vợ chồng trẻ.

Hằng năm, vợ chồng đều phải thực hiện bổn phận của người con với cha mẹ, từ việc lại mặt thăm hỏi, chăm sóc ông bố mối khi đau yếu hay lúc có việc quan trọng. Đặc biệt trong lễ lại mặt bố mẹ mối, người Cao Lan có một chút kiêng kỵ dành cho những ông mối tham gia lễ cưới cho ít nhất hai đôi vợ chồng.

Có những trường hợp, ví dụ nhiều năm nay tôi có hai người nhờ đi làm mối. Trong 1 năm chỉ được nhận làm mối 1 người, còn người thứ 2 phải chờ đến sang năm bởi trong dân tộc Cao Lan có điều kiêng kị và tâm niệm rằng không một ai trong một năm sinh ra hai đứa con." ,ông Bàng Minh Sửu cho biết thêm.

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cao Lan


Văn hóa của người Cao Lan đến nay đã ít nhiều bị tác động bởi các yếu tố ngoại lai, từ lễ nghi, trang phục cho đến dân ca, nhạc cụ, tất cả đều bị ảnh hưởng.Ở đó, những bộ trang phục truyền thống ngày một ít đi, những câu hát sình ca trong giới trẻ cũng không còn phổ biến.

three-frame-tea-set-photo-facebook-cover.png
Ảnh:Vietnamplus

Chính vì thế, để đồng bào say mê với văn hóa dân tộc, có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống, nhất là loại hình sình ca, linh hồn của người Cao Lan cần có sự giúp đỡ của những người am hiểu về văn hóa dân tộc, cùng chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị đó trong quá trình tiếp biến văn hóa mạnh mẽ như hiện nay.

Bà Nịnh Thị Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Sình ca thôn 1 Đoàn Kết, xã Thành Long, huyện Hàm Yên sẽ chia sẻ về văn hóa của dân tộc Cao Lan hiện nay, cùng với đó là những mong muốn để sình ca được ngân cao trong cộng đồng người Cao Lan mãi về sau.

Nét đẹp của người dân tộc Cao Lan vẫn còn đó những bộ quần áo truyền thống trong những ngày lễ hội người dân vẫn thường mặc. Người dân nơi đây, nhất là những người trẻ đều có ý thức gìn giữ bản sắc của người Cao Lan, dù đến nay ít nhiều bị nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Chúng tôi quyết sẽ giữ gìn bản sắc người dân tộc Cao Lan, nhất là bộ quần cáo và ca hát sình ca để truyền cho các con cháu sau này”, bà Nịnh Thị Bình cho biết./.

Bài liên quan
Khám phá đồi chè Long Cốc - "Vịnh Hạ Long" vùng Đất Tổ
VOVLIVE - Đồi chè Long Cốc chẳng khác gì một tấm thảm xanh và đẹp như một bức tranh thủy mặc.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất