Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 1: Mong phụ huynh và xã hội nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện 

Hồng Lĩnh | 13/10/2020, 16:24

Ồn ào về chương trình nặng gây áp lực cho học sinh chưa hết, dư luận và đặc biệt là các bậc phụ huynh lại tiếp tục dấy lên nhiều tranh cãi về Sách giáo khoa Tiếng Việt tập 1, Bộ Cánh diều.

Nhiều từ khó hiểu, nội dung phản giáo dục và không phù hợp với học sinh lớp 1, … là những nhận xét về các câu chuyện ở phần Tập đọc. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng kiểm tra, rà soát lại những nội dung gây nên sự lùm xùm này.

Đối thoại với phóng viên VOVGT, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Chủ biên Bộ sách Cánh diều lên tiếng cho rằng “Phụ huynh nên bình tĩnh, và nên nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện”:

PV: Thưa ông, ông nghĩ thế nào về những bức xúc của dư luận về cuốn sách giáo khoa do ông làm chủ biên?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ đó là những góp ý bình thường và chúng tôi sẽ nghiên cứu, nhưng tôi nghĩ đó chỉ liên quan đến tiểu tiết thôi. Thế còn người ta cũng chưa có điều kiện để nói toàn diện về cuốn sách.

Chúng tôi phải tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu ý kiến của xã hội và ý kiến của giáo viên trực tiếp đứng lớp.

PV: Khi đưa bộ sách vào giảng dạy, ông có lường trước được là sẽ có những phản ứng như thế này không?

GS Nguyễn Minh Thuyết:Hiện nay là có tới 5 bộ sách giáo khoa. Trong quá trình thẩm định, tôi biết có những bộ sách giáo khoa không được thông qua. Nên tôi đã lường trước thế nào nó cũng có sự phức tạp.

Trong 5 bộ sách giáo khoa giáo dục thì bộ sách của chúng tôi được thực nghiệm kỹ nhất. Tôi đã tổ chức thực nghiệm 2 năm liền ở hai trường khác nhau và dạy từ bài một cho đến bài cuối cùng và cũng đã dự giờ thường xuyên, gặp gỡ trao đổi với giáo viên, đánh giá kết quả của học sinh thì trên cơ sở đó chúng tôi mới hoàn thiện quyển sách.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - Chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh diều.

PV: Trong một ý kiến gần đây, ông có cho rằng giáo viên phải giải thích những từ học sinh không hiểu hoặc khó hiểu, còn phụ huynh thì phải có trách nhiệm hướng dẫn cho các con. Vậy thực tế là sách giao khoa dành cho học sinh hay dành cho phụ huynh, thưa ông?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Sách giáo khoa thì đương nhiên là dành cho học sinh. Nhưng học sinh lớp 1 chưa thể tự học một mình sách giáo khoa được cho nên ở lớp thì các thầy các cô là những người hướng dẫn các em hoạt động để tiếp thu được những điều nói trong bài đọc chẳng hạn.

Còn các vị phụ huynhcó con học lớp 1hết sức quan tâm đến con thì tôi nghĩ là kiểm tra con mình xem con có nắm được bài vở không. Còn đây là không phải là trách nhiệm mà người viết sách hay nhà trường giao cho phụ huynh học sinh.

Tôi nghĩ, một mặt mình cũng cần có sự phê bình để các thầy các cô, anh em làm giáo dục chúng tôi làm tốt hơn;nhưng mặt khác cùng cần có cái nhìn toàn diện để động viên các thầy các cô, nhất là chúng ta vừa bước vào năm học mới và chúng ta vừa triển khai chương trình mới.

Chúng tôi mong các vị phụ huynh và xã hội nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, không bị kích động bởi một vài cái tìn mà nhìn nhận giáo dục khác đi.

Nên các vị phụ huynh cứ bình tĩnh, yên tâm. Và tôi chắc chắn là chỉ vào cuối học kỳ một thôi, con cháu các vị sẽ đọc rất tốt, viết rất tốt.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 13/10 tại đây:


Bài liên quan
Điểm chuẩn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 3 năm gần nhất
VOVLIVE - Dưới đây là điểm chuẩn trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong 3 năm qua, mời quý phụ huynh và thí sinh cùng tham khảo.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất