Nguyên nhân, dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ

Đinh Tài - Lan Chính | 24/09/2020, 14:00

VOVLIVE - Số lượng các bé bị dậy thì sớm ngày một tăng lên nhiều. Để rõ hơn về điều này, hãy nghe trao đổi của bác sĩ Bùi Phương Thảo, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Sau những năm tháng đầu đời chăm con vất vả, chắc hẳn các bố mẹ đều mong con mình khỏe mạnh phát triển bình thường. Thế nhưng cuộc sống nhiều khi không chiều lòng người, nhiều khi chỉ cần một chút bất thường với con cũng khiến cha mẹ mất ăn mất ngủ. 

Số lượng các trẻ bị dậy thì sớm đã và đang tăng lên mức báo động

"Con gái em năm nay 10 tuổi cháu có dấu hiệu dậy thì, ra chất nhầy; cháu có rất nhiều các vấn đề về dậy thì sớm ví dụ như là ngực phát triển; ở nhà cháu ăn no ngủ kỹ mỗi tội cháu lớn so với các cháu ở lớp là rất cao thì là chuyện bình thường con ăn uống đầy đủ. Vừa rồi cho đi khám mới phát hiện ra là cháu có vấn đề về tuyến giáp cho nên cháu tăng trưởng chiều cao rất nhanh,cho đi khám đi đo tuổi của xương, có dấu của dậy thì sớm thì bắt đầu cho dùng thuốc," tâm sự của một người mẹ có con bị dậy thì sớm.

 Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung Ương, trong năm 2019, đã có hơn 360 cháu được chẩn đoán mắc dậy thì sớm tính đến thời điểm năm nay. Do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên số trẻ đến khám giảm đi nhưng cũng đã có 107 cháu được phát hiện.

Trước đây mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 trường hợp dậy thì sớm thì bây giờ con số ấy đã tăng hơn rất nhiều. Hiện bệnh viện Nhi Trung Ương đang quản lý hơn 1.000 bé dậy thì sớm và đã điều trị ức chế dậy thì cho hơn 500 cháu.

Số lượng các bé bị dậy thì sớm đã và đang tăng lên mức báo động, từ 10 cháu/năm đã lên tới hơn 360 cháu/năm hiện nay. Đây là những con số đáng lo, và đây mới chỉ là thống kê các trường hợp đến khám và điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

modern-valentine-s-facebook-post.png

Nguyên nhân lại dậy thì sớm là gì?
Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Phương Thảo, Phó Trưởng khoa Nội tiết chuyển hóa di chuyển - Bệnh viện Nhi Trung ương, người có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực nội tiết về trẻ em cho biết: " Chúng tôi đánh giá lấy mốc, nếu như trẻ gái có đặc tính sinh dục phụ trước 8 tuổi được coi là sớm và ở nam nếu như đặc tính sinh dục phụ trước 9 tuổi coi là sớm. Các nghiên cứu trên thế giới ở các nước châu Âu, ở Mỹ thì thấy rằng từ những năm 1890, tuổi trung bình có kinh nguyệt là 15,16 tuổi và sau 100 năm, tuổi nữ có kinh nguyệt trung bình là 11,12 tuổi và vài chục năm sau nó còn thấp hơn nữa để thấy là cái tuổi bắt đầu có đặc tính sinh dục phụ ở nữ, kể cả ở nam cũng thế nó sớm dần lên. Số lượng bệnh nhân dậy thì sớm nhiều lên thì xu hướng dậy thì sớm hơn nhiều lên và có thể phải thay đổi về môi trường, cân nặng của trẻ. Nhiều trẻ bị thừa cân béo phì hơn thì dẫn đến nguy cơ trẻ bị dậy thì sớm cũng tăng hơn."

Cũng theo bác sĩ Thảo, điển hình của dậy thì sớm với trẻ em gái mà chưa đến 8 tuổi là có tuyến vú to, tốc độ to nhanh, thậm chí có thể có lông mu, chúng tôi phải làm xét nghiệm, chúng tôi thấy tuổi xương cũng tăng, tử cung cũng to, xét nghiệm hormone cũng tăng và những trường hợp đó thì sẽ tư vấn gia đình điều trị.

Còn đối với trẻ nam trước 9 tuổi phát triển nhanh vọt lên hẳn lên có dương vật to lên và đến khi tuổi xương kiểm tra thì thấy tăng cao nhiều lên. Trẻ nam và trẻ nữ nguyên nhân của nó khác nhau đối với dậy thì sớm trung ương đối với trẻ nữ đa số là vô căn có nghĩa là 90, 95 % không thấy nguyên nhân còn lại 5 đến 10 % mới có tổn thương não, u não hoặc các khối bất thường; còn đối với nam giới dậy thì sớm trung ương thì 40, 50 % là do bất thường về não hoặc u não của khối bất thường hoặc dị tật về não.

Tình trạng dậy thì sớm sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển của trẻ?

"Chúng ta thử tưởng tượng nếu đứa trẻ trước 8 tuổi mà ngực to, cả lớp thấy lạ, cả lớp chú ý, cháu thấy ngượng chưa kể là có cháu nữ trước 8 tuổi mà có kinh nguyệt thì trẻ phải thay đồ vệ sinh nhiều, lớp thấy lạ, cháu lại lo lắng, ảnh hưởng đến học hành. Về sức khỏe khi dậy thì sớm thì hormone sinh dục tiết ra nhiều, gây đóng cốt xương sớm thì dẫn đến trẻ có ít thời gian hơn để phát triển chiều cao và đến khi trưởng thành có chiều cao hạn chế hơn so với các người khác. Người ta tính trung bình đối với trẻ nữ bị dậy thì sớm trung ương, chiều cao thấp hơn người khác khoảng 12 cm, đối với nam bị dậy thì sớm trung ương, chiều cao thấp hơn những người khác khoảng 20 cm." Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Phương Thảo, Phó Trưởng khoa Nội tiết chuyển hóa di chuyển - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

ddd.png

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Phương Thảo, để xác định được trẻ đó là dậy thì sớm  các bác sĩ sẽ kiểm tra về tốc độ tăng trưởng của trẻ  từ đó đánh giá mức độ dậy thì của đứa trẻ, thăm khám lâm sàng xem có biểu hiện nguy cơ của dậy thì sớm trung ương hay dậy thì sớm ngoại biên. Sau đó, cho trẻ xét nghiệm tuổi xương, các trẻ dậy thì sớm bao giờ tuổi xương cũng tăng hơn, ít nhất 1 tuổi so với tuổi thực.

Ngoài tuổi xương đối với trẻ nữ bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm tử cung buồng trứng để đánh giá xem kích thước tử cung,  bởi vì buồng trứng đối với trẻ dậy thì sẽ phát triển hơn. Còn đối với nam thì nên siêu âm bụng để đánh giá vỏ thượng thận có khối dị bất thường không? Tiếp theo đó là xét nghiệm hormone sinh dục, chụp cộng hưởng từ não để phát hiện khối u trong não.

Quá trình điều trị cho các bé bị dậy sẽ tiến hành như thế nào?

 Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Phương Thảo cho rằng, đối với dậy thì sớm ngoại biên có điều trị đặc biệt bằng  hormone thay thế hay là phẫu thuật. Còn đối với dậy thì sớm trung ương, chỉ định thuốc thì có chỉ định chất (DNRH) đồng thuận, nó có tác dụng làm chậm quá trình dậy thì đối với trẻ gái, giúp tuyến vú nhỏ lại,  kinh nguyệt dừng lại.

Đối với trẻ em nam sẽ làm chậm lại đặc tính sinh dục phụ của trẻ. Khi điều trị đôi khi cũng có tác dụng ngoại ý đó là quầng đỏ tại chỗ hay viêm tại chỗ tiêm. Khi điều trị ức chế dậy thì ở trẻ nữ thì không làm ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng sau này.

jhgjhjhjhh.png

 "Thời gian vàng để điều trị cho trẻ dậy thì sớm đối với nam thì người ta nói là trước 9 tuổi thì cũng xem xét điều trị sau khi giải thích cho bệnh nhân chứ không phải bắt buộc còn đối với nữ khuyên là nên điều trị đối với trẻ gái bị dậy thì sớm trung ương trước 6 tuổi, còn đối với lứa tuổi từ 6 đến 8 tuổi ở trẻ nữ bị dậy thì sớm trung ương thì điều trị phụ thuộc vào từng cá thể,"  Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Phương Thảo khuyến cáo.

fffff.png

Để phòng tránh hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ, Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Phương Thảo cũng khuyên bố mẹ nên lưu ý bổ sung các cháu chế độ dinh dưỡng, tập thể dục thể thao, hoạt động để làm sao trẻ có cân nặng phù hợp với tuổi và chiều cao của trẻ. Nếu như cha mẹ thấy  trẻ có chiều cao tăng vọt lên trong vòng 1 năm hoặc có đặc tính sinh dục phụ sớm thì nên đưa đến các cơ sở trung tâm y tế để có chẩn đoán điều trị phù hợp./.

Bài liên quan
Những bệnh lý đường tiêu hóa trẻ em có thể mắc như người lớn
VOVLIVE -Nhiều trẻ 5-6 tuổi hay đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tẩy giun không khỏi, đi khám mới biết bị viêm dạ dày.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất