Lạm dụng thuốc hạ sốt có hại như thế nào đối với trẻ?

Bùi Lan tổng hợp | 04/08/2021, 16:38

VOVLIVE - Dùng thuốc hạ sốt quá liều, quá nhiều lần có thể dẫn đến ngộ độc, suy gan, thậm chí là tử vong. Vậy khi nào uống thuốc hạ sốt và uống với liều lượng như thế nào để an toàn?

Sốt là tình trạng thân nhiệt cơ thể trẻ tăng cao hơn so với mức bình thường. Nhiễm khuẩn là nguyên nhân gây sốt phổ biến nhất. Các bệnh lý do vi khuẩn và virus như tiêu chảy, cảm cúm, nhiễm khuẩn tai, viêm thanh quản cấp, viêm tiểu phế quản,... là những nguyên nhân hàng đầu gây sốt. Một vài loại vắc xin cũng có thể gây sốt. Thời gian sốt ngắn hay dài tùy thuộc vào loại vắc xin được sử dụng.

Trong đa số trường hợp, sốt có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Cha mẹ cần xem xét hành vi của trẻ để biết được khi nào cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt và khi nào nên đi khám bệnh.

Lạm dụng thuốc hạ sốt gây hậu quả nghiêm trọng

vovlive-lam-dung-thuoc-ha-sot.jpg
Ảnh minh họa: Internet

Cháu A 7 tháng tuổi bị sốt, gia đình đã cho cháu uống hạ sốt với hàm lượng paracetamol 150mg, gấp đôi so với cân nặng. Không những thế vì sốt ruột không thấy con hạ sốt, bố mẹ liên tục cứ 3 tiếng lại cho con uống 1 lần. Hậu quả là khi cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu bé bị nhiễm trùng đường ruột, men gan cao, nhiễm trùng máu.

Đây không phải là trường hợp duy nhất bị ngộ độc thuốc hạ sốt. Trước đó, khoa cấp cứu Trung tâm sản nhi Phú Thọ đã từng tiếp nhận bệnh nhi 2 tuổi nhập viện với những biểu hiện ngộ độc thuốc paracetamol do sử dụng quá liều. Hay một bé 3 tuổi (ở Hoàng Mai - Hà Nội) cũng được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì có dấu hiệu lơ mơ khó thở.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, đơn vị cấp cứu chống độc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: “Ngộ độc thuốc hạ sốt là ngộ độc thường gặp ở bệnh viện. Tỷ lệ ngộ độc paracetamol có xu hướng tăng nhanh do sử dụng sai liều hoặc đường dùng sai. Đặc biệt các em bé nhẹ cân thì những liều khuyến cáo đối với độ tuổi thì hơi nhiều so với cân nặng thực tế của em bé”.

Có những việc tưởng như đơn giản nhưng mà lại không hề đơn giản. Cho con uống thuốc hạ sốt như thế nào an toàn là kiến thức mà ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu với chuyên gia của chương trình bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, đơn vị cấp cứu chống độc Bệnh viện Nhi trung ương.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, ngộ độc paracetamol ở trẻ em thì bác sĩ có thể chỉ ra một số những sai lầm để có thể cảnh báo các bậc phụ huynh?

Bác sỹ: Thứ nhất, việc bảo quản thuốc của gia đình phải cẩn thận, tránh để thuốc ở tầm tay của trẻ, đặc biệt là những trẻ từ 1 đến 3 tuổi là độ tuổi khá tò mò. Sai lầm thứ 2 là do cha mẹ vô tình sử dụng sai, paracetamol thì có chế phẩm dạng gói, dạng viên, dạng siro. Nếu như trong trường hợp chúng ta không đong, tính liều một cách cụ thể chính xác sẽ rất dễ gây ra tình trạng quá liều.

Có một số trường hợp đường đặt hậu môn bằng viên đạn thì bố mẹ rất hay nhầm giữa việc là có thể uống kết hợp với đường đặt hậu môn. Quan điểm đấy hoàn toàn sai lầm. Tiếp theo nữa là khoảng cách dùng giữa các lần uống cũng rất dễ gây ngộ độc, chưa đủ khoảng cách 4 - 6 giờ mà gia đình đã cho uống lại với liều như vậy rất dễ gây ra ngộ độc.

vovlive-uong-ha-sot.jpg
Ảnh minh họa: Internet

Sử dụng thuốc hạ sốt như thế nào là an toàn, hiệu quả?

Phóng viên: Thưa bác sỹ, vậy đâu là cách sử dụng paracetamol an toàn và hiệu quả?

Bác sỹ: Khuyến cáo đối với trẻ em là từ 10 - 15 mg/kg/lần, mỗi 4 - 6 giờ mới nhắc lại. Tổng liều thuốc này đối với trẻ em là không quá 60mg/kg/ngày. Mỗi một chế phẩm thuốc đều có tờ hướng dẫn sử dụng và các nhà sản xuất dược đã ghi rất rõ các liều khuyến cáo cho từng độ tuổi hoặc từng cân nặng.

Phóng viên: Thực tế có một số trường hợp trẻ sốt rất cao và mọi người thường nói không thể hạ sốt trong liều dùng theo đúng hướng dẫn. Vậy bố mẹ sẽ phải xử lý như thế nào khi gặp phải trường hợp như vậy?

Bác sỹ: Trẻ uống paracetamol thì nồng độ đỉnh đạt được ở trong máu sau khi uống là 4 giờ. Thế nên, nếu uống liều như vậy rồi mà chưa hạ sốt thì có nghĩa đỉnh của cơn sốt vẫn có thể tiếp tục tăng lên. Vậy ngoài việc dùng hạ sốt là paracetamol thì bố mẹ có thể dùng các biện pháp khác để hỗ trợ như chườm mát, hạ thấp nhiệt độ phòng, các biện pháp dùng thuốc phối hợp như có thể dùng một dòng thuốc hạ sốt khác như ibuprofen, đây là một dòng thuốc hạ sốt, giảm đau và chúng ta hoàn toàn có thể uống xen kẽ với paracetamol khi trẻ có cơn sốt cao và không thể hạ sốt bằng thuốc hạ sốt thông thường.

Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn bác sỹ.

Lưu ý về việc uống hạ sốt: Khuyến cáo đối với trẻ em là từ 10 - 15 mg/kg/lần, mỗi 4 - 6 giờ mới nhắc lại. Tổng liều thuốc này đối với trẻ em là không quá 60mg/kg/ngày. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để cho trẻ uống đúng theo từng độ tuổi hoặc từng cân nặng.

Dù mang lại hiệu quả hạ sốt nhanh nhưng cách dùng thuốc hạ sốt quá liều, quá nhiều lần có thể dẫn đến ngộ độc, suy gan, thậm chí là tử vong. Vì thế, bố mẹ hãy cho bé uống thuốc hạ sốt đúng cách để không gây hại cho bé nhé./.

Bài liên quan
Hà Nội không chủ quan dù số ca sốt xuất huyết giảm
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận thêm 1.165 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 11%, trong đó có 2 ca tử vong. Toàn thành phố có thêm thêm 22 ổ dịch mới.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Chiến thắng Điện Biên Phủ là "một dấu mốc bằng vàng chói lọi"
Sáng nay (17/4), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/7/2024).
Mới nhất