Bánh coóc mò thường xuất hiện trong tiệc thôi nôi của trẻ con người Tày ở Thái Nguyên. Bánh được đặt trong bàn tay của trẻ nhỏ với lời chúc hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, mạnh khỏe. Trong tiếng Tày, mò có nghĩa là sừng bò, coóc mò là chiếc bánh có hình chóp nhọn giống như chiếc sừng của con bò.
Bánh được người Tày chế biến từ gạo nếp, loại gạo nếp cái hoa vàng được trồng trên nương, vừa dẻo vừa thơm. Gạo nếp được vo nhiều lần với nước lã cho đến khi nước trong lại rồi mới ngâm trong vài giờ cho mềm.
Lá gói bánh thường là lá dong hoặc lá chuối. Muốn bánh đẹp thì người làm phải cẩn thận chọn những chiếc lá xanh mướt, không bị sâu hay úa, đem về rửa sạch rồi phơi cho ráo.
Đến những chiếc lạt buộc cũng thể hiện sự tỉ mỉ của người làm bánh, cái nào cái nấy đều tăm tắp, mềm, dẻo và dai để gói bánh vừa đủ chặt mà lá không bị rách. Thường thì người Tày sẽ chọn thân cây giang hoặc thân cây mỡ để chẻ lạt.
Phần gạo nếp sau khi được ngâm mềm sẽ đem trộn đều với lạc sống đã giã nhỏ, nêm thêm một ít muối cho vừa ăn là đã có thể đem đi gói bánh. Bắt đầu công đoạn gói, người Tày sẽ cuốn lá dong (lá chuối) thành hình phễu rồi đổ gạo và lạc vào, vỗ nhẹ cho chắc bánh rồi gấp mép lá và lấy lạt buộc lại.
Trước khi đem luộc, bánh coóc mò sẽ được ngâm trong nước lạnh cho đến khi không còn bọt sủi lên bề mặt nước. Khi ấy, bánh đã ngậm đủ nước, khi luộc sẽ nhanh chín và mềm, dẻo hơn.
Bánh luộc xong sẽ có màu xanh nhạt của lá dong (lá chuối), mùi thơm của nếp cái hoa vàng và lạc chín. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được sự mềm, dẻo, ngậy, bùi hòa quyện rất cuốn miệng. Bánh ăn nhiều không bị ngán, lại hợp khẩu vị với rất nhiều người.
Bánh coóc mò có thể ăn không hoặc chấm cùng mật mía, mật ong. Từ nguyên liệu, cách chế biến đến cách thưởng thức, đặc sản của Thái Nguyên vẫn dung dị, thơm thảo như chính con người nơi đây. Đó chính là điều mà du khách luôn tìm kiếm trong những món ngon của mỗi vùng miền.